Cô gái Bình Dương trong bức hình được chụp 46 năm về trước đó là bà Nguyễn Thị Ngọc Mỹ, tên thường gọi Hai Mỹ, Nguyên Phó Giám đốc Công ty Du Lịch tỉnh Bình Dương. Năm nay bà đã 70 tuổi. Bà vừa được mời đến tham dự chương trình giao lưu "Những người phụ nữ tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử" và trưng bày chuyên đề "Cỏ lau thép trong chiến dịch Hồ Chí Minh", do Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ thực hiện. Sự xuất hiện của bà cùng với câu chuyện kể về bức ảnh khiến nhiều người không khỏi xúc động và dâng tràn khí thế hào hùng.
Bà Hai Mỹ sinh ra và lớn lên ở ấp Phú Hội, xã Vĩnh Phú, quận Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là khu phố Phú Hội, phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương). Năm 16 tuổi, bà Hai Mỹ đã chính thức trở thành "người cách mạng", bà được giao nhiệm vụ thông báo tin cho các cô chú đang hoạt động trong vùng địch. Năm 1974, bà đảm nhiệm vai trò Bí thư Huyện Đoàn Lái thiêu. Bà thường xuyên vận động thanh niên đứng vào tổ chức cách mạng, làm công tác vận động quần chúng, vận động đóng góp nuôi quân...
Kể về bức ảnh khi bà đang ngồi trên xe tăng hướng dẫn bộ đội tiến vào giải phóng Sài Gòn, trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, bà Hai Mỹ kể lại: Trong thời gian chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, tình hình ở Lái Thiêu rất ác liệt, việc đi lại để nắm tình hình các cơ sở cách mạng gặp nhiều khăn. Tổ chức phân công bà về Lái Thiêu bám trụ để trực tiếp nắm rõ hơn tình hình địch, báo cáo cơ sở kịp thời chỉ đạo tác chiến.
Tối 29/4/1975, tiếng súng ở các nơi nổ dồn dập, bà đang cùng cơ sở cách mạng may cờ giải phóng để kịp phát cho người dân. Đêm đó, rất nhiều người dân sống ở Lái Thiêu bỏ nhà chạy ra đường nhưng họ cũng không biết đi đâu, về đâu tạo ra cảnh hoảng loạn. Bà cùng những người trong cơ sở cách mạng đi vận động bà con ở trong nhà, không nên ra ngoài đường. Tình hình tương đối ổn định thì bà tiếp tục đạp xe xuống các cơ sở cách mạng nắm bắt thêm thông tin.
Khi ghé vào cơ sở nhà má Sáu Ngẫu, bà gặp Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu cùng Ban Chỉ huy Trung đoàn 27, thuộc Sư đoàn 320B (Quân đoàn 1). Qua trao đổi, bà biết lực lượng chủ lực đang ém quân tại ngã tư Hòa Lân, Thuận Giao (Bình Dương). Các anh gặp khó khăn trên thực địa vì không rành đường sá. Thấy được khó khăn đó, bà tình nguyện lên xe tăng ngồi dẫn đường cho bộ đội tiến về giải phóng Sài Gòn.
Trong quá trình dẫn đoàn, bà đã chứng kiến nhiều trận đánh. Ở trận đánh vào vị trí địch đóng tại Lái Thiêu diễn ra rất ác liệt. Giữa làn đạn ngoan cố chống trả của kẻ thù, bà vẫn bình tĩnh ngồi trên xe tăng, chỉ đường cho đồng chí Nguyễn Huy Hiệu chỉ huy đơn vị chiến đấu, đánh chiếm các mục tiêu địch ở Lái Thiêu.
Khi cánh cửa Bắc Sài Gòn đã mở, nhưng quân địch ở cầu Vĩnh Bình vẫn chống cự ác liệt. Trước tình hình đó, bà dẫn đoàn đi theo đường cầu xe lửa, nhưng do địch đánh hư cầu trước khi rút chạy, xe tăng ta không qua được, phải quay lại đi theo hướng xa lộ. Đội hình đơn vị anh Hiệu vừa tới ấp Long Thới, xã Phú Long thì đụng lực lượng Sư đoàn 25 bộ binh Ngụy từ căn cứ Đồng Dù (Củ Chi) tháo chạy tràn qua. Một trận đánh chớp nhoáng nhưng không kém phần căng thẳng và quyết liệt. Ta diệt hơn 100 tên, bắt sống hơn 300 tên.
Sau đó, bà tiếp tục dẫn đường cho đơn vị đồng chí Hiệu đánh chiếm quân y viện (Bệnh viện Quân y 175 ngày nay). Dẫn đơn vị đồng chí Nguyễn Huy Hiệu vào đến Gò Vấp (Sài Gòn), bà giao lại cho một đồng đội khác dẫn đường cho đoàn xe tăng tiến vào nội thành Sài Gòn, còn bà quay lại Lái Thiêu để tiếp tục nhiệm vụ của mình.
"Lúc đầu tham gia cách mạng khi mới mười mấy tuổi chủ yếu là ham vui. Nhưng sau này, tôi được mấy anh mấy chị giáo dục dần dần thì tôi đã nhận ra lý tưởng và quyết tâm giành lại độc lập. Vậy nên, vào thời khắc lịch sử đó, ngồi trên xe tăng mà có phải hy sinh, tôi cũng mỉm cười. Tôi mừng tới vậy á. Bởi vì ở trong rừng nó gian nan nên khi được ra ngoài thấy vui không tả được. Tôi còn ý thức được rằng: Chết cho Tổ quốc là cái chết vinh quang, là chết không hổ thẹn. Cảm giác ấy mãi đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được", bà Hai Mỹ nhấn mạnh.