Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) được thành lập từ tháng 8/2001, với vốn điều lệ 30 tỷ đồng, bao gồm 22 nhân viên và 3 chi nhánh phân phối, bán lẻ trực thuộc.
Đến năm 2008, doanh nghiệp này được niêm yết lần đầu tại Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) với mã cổ phiếu là HSG.
Hoa Sen hiện đang là nhà sản xuất tôn mạ hàng đầu tại Việt Nam, nắm giữ hơn 30% thị phần tôn mạ và 20% thị phần ống thép cả nước với hệ thống 10 nhà máy sản xuất gia công, cho ra thị trường các sản phẩm tôn mạ, ống thép, ống nhựa và các phụ kiện.
Nhà máy Hoa Sen
Mới đây, Tập đoàn Hoa Sen vừa công bố báo cáo tài chính quý 4 niên độ 2023-2024 (từ ngày 1/7/2024 đến ngày 30/9/2024) với doanh thu thuần đạt 10.100 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên giá vốn bán hàng tăng mạnh hơn khiến biên lợi nhuận gộp sụt giảm xuống mức 8,4%, so với cùng kỳ đạt 13,2%.
Doanh thu tài chính mang lại cho công ty gần 130 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Các chi phí đều tăng mạnh. Chi phí tài chính tăng 59% lên mức 98 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng tăng 65% lên mức 909 tỷ đồng, còn chi phí quản lý tăng 98% lên mức 149 tỷ đồng.
Biên lợi nhuận gộp suy giảm cộng với chi phí tăng mạnh khiến Hoa Sen báo lỗ sau thuế 186 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ niên độ trước có lãi 438 tỷ đồng.
Mặc dù lỗ lớn trong quý cuối nhưng nhờ kết quả tích cực của những quý trước, niên độ tài chính 2023 - 2024 của Hoa Sen vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 510 tỷ đồng. Doanh thu trong giai đoạn này tăng 24% so với cùng kỳ, đạt 39.272 tỷ đồng.
Cụ thể, nhà sản xuất tôn mạ này ghi nhận sản lượng đạt hơn 1,9 triệu tấn, tăng 35% so với cùng kỳ, vượt 12% kế hoạch. Biên lợi nhuận gộp đã phục hồi từ mức 9,7% của niên độ trước, lên mức 10,8%, tương ứng lợi nhuận gộp đạt 3.060 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ.
Ngoài việc phục hồi của biên lợi nhuận gộp thì chi phí tài chính tiếp tục giảm cũng là một điểm sáng đáng ghi nhận của Hoa Sen khi chi phí tài chính, trong đó bao gồm chi phí lãi vay và chi phí chênh lệch tỷ giá đã giảm 19%, từ mức 314 tỷ đồng xuống còn 254 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2023-2024.
Cụ thể, chi phí lãi vay giảm 32%, từ mức 195 tỷ đồng xuống còn 133 tỷ đồng nhờ nỗ lực trong việc đàm phán với các ngân hàng để có mức lãi suất vay phù hợp, hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Hoa Sen cũng cải thiện tích cực từ mức 30 tỷ đồng trong niên độ 2022-2023, lên mức 510 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2023-2024, vượt 2% so với kế hoạch kinh doanh.
Tập đoàn Hoa Sen báo lỗ sau thuế 186 tỷ đồng trong quý 4 niên độ tài chính 2023-2024
Được biết, niên độ tài chính 2023-2024, doanh nghiệp của ông Lê Phước Vũ đặt kế hoạch kinh doanh với hai kịch bản.
Kịch bản 1, doanh thu 34.000 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng, tăng gấp hơn 12 lần.
Kịch bản 2, doanh thu 36.000 tỷ đồng, tăng 14%; lợi nhuận sau thuế 500 tỷ đồng, tăng gấp 16 lần so với thực hiện trong niên độ 2022-2023.
Như vậy, Hoa Sen đã vượt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ở cả hai kịch bản.
Thời gian tới, ban lãnh đạo Hoa Sen cho biết sẽ tập trung vào tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống sản xuất, hệ thống phân phối trong và ngoài nước, xây dựng các chính sách kinh doanh phù hợp, tập trung vào những mặt hàng chiến lược dẫn dắt, củng cố nội lực, tích lũy nguồn lực để tận dụng tối đa những cơ hội từ thị trường.
Tại thời điểm kết thúc ngày 30/9, tổng tài sản của Hoa Sen đạt 19.561 tỷ đồng, tăng 2.200 tỷ đồng so với thời điểm đầu niên độ. Trong đó, khoản mục tăng mạnh nhất là hàng tồn kho với hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 30% và chiếm 51% tổng tài sản. Công ty phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 334 tỷ đồng.
Tương tự, tài sản cố định trong giai đoạn này ghi nhận 4.100 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận gần 3.000 tỷ đồng.
Bên phía nguồn vốn, nợ phải trả của Hoa Sen tăng mạnh so với thời điểm đầu niên độ, lên mức 8.650 tỷ đồng. Tổng giá trị nợ vay là 5.364 tỷ đồng với toàn bộ là nợ vay ngắn hạn.
Vốn chủ sở hữu của công ty đạt 10.912 tỷ đồng, gồm 4.528 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Thúy Hà