Bà Ngô Thị Thái Nghiêm.
69 năm trước, có một cô gái Hà thành xinh đẹp nhà ở phố Huế, ngay trung tâm thủ đô Hà Nội. Theo tiếng gọi non sông, cô đã rời xa bút nghiên và cuộc sống nhung lụa để lên đường đi kháng chiến cứu nước. Cô gái ấy tên là Ngô Thị Thái Nghiêm, 17 tuổi, con gái của một nhà trí thức ở Hà Nội. Do không đủ tuổi vào bộ đội nên cô phải “khai gian” tăng thêm 1 tuổi để được nhập ngũ. Vào đơn vị, thấy cô nhỏ bé “chân yếu, tay mềm” nên cấp trên điều động cô đi học Trung cấp Y tá. Học xong, cô được phân công về làm y tá ở Đội điều trị số 6 hành quân lên chiến trường Điện Biên Phủ chăm sóc điều trị thương binh.
Ngày ấy hành quân lên Điện Biên phải đi bộ hơn 500 cây số, trên lưng mỗi cán bộ, chiến sĩ phải vác ba lô nặng 30kg… nhưng cô gái vẫn cùng đoàn quân ra trận. Để tránh bị địch phát hiện, đoàn quân cứ đêm đi, ngày nghỉ, mỗi ngày đi được 25 đến 30 cây số. Sau cả tháng trời vượt suối, băng rừng, qua dốc Lũng Lô, đèo Pha Đin… cuối cùng đoàn cán bộ, chiến sĩ quân y gồm 105 người cũng đến nơi làm nhiệm vụ.
Tới nơi, cô được phân công về khu trọng thương (gồm toàn thương binh nặng) để điều trị cho từ 200 đến 300 thương binh nặng của các Đại đoàn chủ lực như: 308, 312, 316 và của các binh chủng khác. Vất vả nhất là sau mỗi trận tấn công các cứ điểm như đồi A1, C1… số thương binh được chuyển từ hỏa tuyến về trạm y tế khá nhiều, có ngày lên tới hàng trăm người. Với tình thương và trách nhiệm, cô cùng đồng đội chăm sóc thương binh vô điều kiện, miễn sao cứu sống được thương binh càng nhiều càng tốt. Chưa hết, không chỉ chăm lo thương binh của ta, các y bác sĩ của ta còn chăm sóc cho cả một số tù binh Pháp.
Ngoài chiến trường bão lửa bao nhiêu thì tại trạm quân y cũng không một phút ngơi nghỉ. Thời gian trôi qua, đến ngày 7-5-1954 thì Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng trong niềm vui bất tận của mọi người. Chính lúc này, đội ngũ y bác sĩ vẫn tiếp tục cứu chữa và chăm sóc thương binh, cùng đội ngũ dân công hỏa tuyến đưa thương binh về Hà Nội điều trị.
Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, cô cùng đồng đội về hậu phương làm nhiệm vụ trao trả hàng binh Pháp ở Sầm Sơn, Thanh Hóa. Riêng cô được tuyển chọn đi duyệt binh tại Quảng trường Ba Đình ngày 7-5-1955. Đi dưới hàng quân oai hùng, cô nhìn lên lễ đài thấy Bác Hồ, Bác Giáp…mà không sao giấu nổi niếm xúc động và tự hào… Nhờ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nên toàn đơn vị quân y và cô đã được Bác Hồ khen thưởng và trao tặng “Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ”. Đó chính là nguồn động lực to lớn giúp cô bước tiếp chặng đường cách mạng đầy gian khổ nhưng cũng rất vẻ vang sau này.
Sau hơn 41 năm phục vụ quân ngũ, từ một cô gái trẻ Hà thành, cô trở thànhh nữ bác sĩ giỏi và nữ Trung tá, dày dạn kinh nghiệm chiến trường. Năm 1990 cô nghỉ hưu trở về địa phương tại quận Gò Vấp và tiếp tục tham gia công tác xã hội tại địa phương, được bà con tín nhiệm bầu vào các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội… Riêng các CCB là đồng đội cũ thì tín nhiệm bầu cô vào các tổ chức như: Ban liên lạc Truyền thống Điện Biên Phủ, Ban liên lạc Quân y, Ngành Y tế Hà Nội, Câu lạc bộ hưu trí Bệnh viện 108 và Bệnh viện 175… Với những cống hiến không biết mệt mỏi, cô vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều Huân, Huy chương cao quý và danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú…
Tình yêu diệu kỳ…
Hoàn thành việc nước nhưng còn chuyện tình duyên của cô ra sao? nhớ lại thời thanh xuân, lúc còn quá trẻ và ngây thơ, cô chỉ biết lao vào học tập, làm việc và phấn đấu, không nghĩ đến chuyện yêu đương. Thế nhưng có một anh bác sĩ cùng chung đơn vị “để ý”. Dù nhiều lần bị cô từ chối nhưng anh vẫn theo cô suốt mấy năm trời, đợi đến ngày chiến thắng Điện Biên anh mới chính thức ngỏ lời… Lúc đó cô còn trẻ nên vẫn chưa đồng ý, nhưng nhờ “mưa dầm thấm lâu”, thấy anh quá đỗi chân thành nên cô dần thương anh hơn… Một hôm cô “mở đường”: “Anh thích tôi thì về xin phép cha mẹ tôi xem có đồng ý không…”. Anh mừng ra mặt, ngay hôm sau anh bắt xe về Hà Nội gặp cha mẹ cô. Được sự đồng ý của hai bên. Năm 1957, hai người tổ chức đám cưới, tuy đơn sơ chỉ có bánh kẹo, nước trà, thuốc lá của đơn vị cấp nhưng rất đông vui. Cưới nhau xong ít lâu thì anh sang chiến đấu tại chiến trường Lào rồi về chiến khu Tây Bắc chiến đấu suốt 9 năm ròng. Sau đó anh được điều về Hải Phòng làm Chủ nhiệm Quân y Bộ Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn, còn chị ở nơi sơ tán vừa công tác, vừa nuôi hai con nhỏ. Có dịp tết anh hẹn vợ ngày mùng 1 tết sẽ về, nhưng anh lại được đơn vị cho về trước 3 ngày khiến chị ngạc nhiên hỏi: “Sao anh về mà không báo trước cho em biết?” Anh bảo: “Ở nơi sơ tán phải giữ bí mật chứ…”. Có lần đang nghỉ phép ở nhà, thấy tình hình chiến trường nóng bỏng, anh bảo vợ: “Thôi để anh lên đơn vị sớm xem anh em như thế nào…”. Anh mải miết đi chiến đấu đến nỗi đứa con trai út không nhận ra cha mình, nó còn mách mẹ: “mẹ ơi, chú bộ đội này cứ trêu con…”. Chị nhắc con: “Cha con đấy!” Nó bảo: “Con chỉ là con của mẹ thôi…”
Vì chiến tranh nên mỗi lần gặp nhau rất khó khăn, anh thường động viên vợ: “Anh chỉ mong hết chiến tranh để vợ chồng mình được sống gần nhau…”. Dịp anh về phép năm 1968, thấy tình hình chiến sự căng thẳng, anh bảo vợ phải lên đơn vị sớm để lo cho anh em. Chị năn nỉ anh ở lại chơi với con nhưng thấy anh không yên nên chị đành tiễn anh về đơn vị. Hôm đó trời mưa đen vần vũ như báo hiệu điều chẳng lành, anh tạm biệt vợ con về đơn vị. Ít ngày sau chị nghe “tin dữ”: “Anh bị bom địch đã hy sinh rồi…”. Chị như người mất hồn, vội gửi con cho ông bà ngoại đi ngay xuống Hải Phòng để nhìn mặt chồng lần cuối…Thấy anh nằm bất động, trên đầu còn băng vết thương, chị bất tỉnh không còn biết gì… cho đến khi tỉnh dậy thì mọi việc hậu sự cho anh đã xong. Lúc anh hy sinh, chị chỉ mới ngoài 30 tuổi, cũng có nhiều người ngỏ lời, nhưng chị từ chối và ở vậy nuôi con…
Mấy chục năm qua, nhắc đến người chồng, người đồng chí, đồng đội của mình là Đại úy Nguyễn Văn Nghiễn, quê Hải Dương, hôm nay dù đã ngoài 90 tuổi, người chiến sĩ Điện Biên kiên cường ấy vẫn rưng rưng nước mắt: “Cô lấy chồng vừa tròn 10 năm, 10 tháng, 7 ngày thì chồng hy sinh. Cô rất tiếc vì chiến tranh ác liệt quá, không có thời gian dành cho nhau…”. Mất chồng nhưng nén đau thương vào lòng, người nữ chiến sĩ quả cảm ấy vừa một mình nuôi hai con khôn lớn, vừa tiếp tục công tác tốt và phấn đấu học tập nâng cao trình độ và trở thành một bác sĩ tài giỏi đức độ của ngành Y. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà được điều vào làm việc ở Bệnh viện Quân y 175 tiếp tục chăm lo cho thương binh. Để tiện hương khói cho chồng, bà về quê ông ở Hải Dương đưa hài cốt chồng vào an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ TPHCM. Năm nay đã 94 tuổi nhưng bà vẫn còn minh mẫn và giữ vững phẩm chất người lính “Bộ đội Cụ Hồ”. Nghe chuyện tình yêu của bà, tôi chợt nhớ câu thơ của nhà thơ Xuân Quỳnh: “Em trở về với đúng nghĩa trái tim/là máu thịt người thường ai chẳng có/nhưng biết yêu anh ngay cả khi chết đi rồi…”
Tạm biệt người nữ chiến sĩ Điện Biên năm xưa nay là nữ Trung tá, bác sĩ Ngô Thị Thái Nghiêm, Thầy thuốc Ưu tú, nguyên Y tá Đội Điều trị 6, Quân y Tiền phương Điện Biên Phủ, chúng tôi kính chúc bà luôn sống khỏe, sống vui và sống có ích bên con cháu.