Cho đến tận bây giờ, những lời nói cuối cùng của Thiếu úy Trần Văn Phương trong buổi sáng hôm ấy vẫn còn văng vẳng bên tai, day dứt mãi không nguôi trong tâm trí của Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Văn Lanh: “Tất cả chúng mình quyết giữ lấy hòn đảo này, dù có phải hy sinh, máu chúng mình sẽ tô thắm lá cờ Việt Nam”.
Kỷ niệm 35 năm sự kiện Gạc Ma (14/3/1988 - 14/3/2023), Hội đồng hương tỉnh Quảng Bình và Hội đồng hương huyện Quảng Ninh tại TP.HCM đến thăm gia đình Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Văn Lanh, người con quê hương Quảng Bình.
Ký ức của thời khắc lịch sử của rạng sáng ngày 14/3/1988 vẫn vẹn nguyên trong ông. Ông nhớ lại: “Khi đó chừng 6h sáng, chưa kịp nhận khẩu phần ăn sáng thì anh Trần Văn Phương, anh Lê Hữu Thảo cùng một nhóm anh em khoảng 20 người được lệnh rời tàu HQ - 604, dùng xuồng tiếp cận đảo Gạc Ma. Đang tiết xuân, nước biển lạnh ngắt. Mọi người chỉ kịp truyền tay nhau điếu thuốc để xua đi cái lạnh của sương sớm. Khi lá cờ đỏ sao vàng được truyền đến tay anh Phương, vừa kịp cắm xuống cọc thì đối phương bất ngờ đổ bộ. Hai bên giáp lá cà, giằng co nhau quyết liệt. Từ tàu HQ-604, anh Trần Đức Thông hạ lệnh: “Ai biết bơi thì bơi ngay vào đảo để hỗ trợ anh em!”. Tôi và nhiều chiến sĩ vội vàng nhảy xuống nước. Khi chúng tôi bơi vào đảo cũng là lúc địch nổ súng, anh Phương trúng đạn. Tôi vội xông tới nắm lấy cán cờ từ bàn tay đẫm máu của anh Phương, tay kia dùng xà beng chống trả. Bất ngờ một nhát lưỡi lê đâm từ phía sau, đồng thời một loạt đạn găm vào vai, tôi ngất đi”.
Sau khi được đồng đội đưa về đảo Sinh Tồn, ông Lanh được Quân chủng Hải quân cử trực thăng ra đón, đưa thẳng về Bệnh viện Quân y 175 (TP Hồ Chí Minh) cứu chữa. Tuy nhiên, do vết thương bị lưỡi lê làm đứt gân, cánh tay phải của ông gần như liệt hẳn. Năm 1989, các bác sĩ tại Bệnh viện 103 (Hà Nội) đã nối thành công đoạn gân bị đứt, nhưng phải đến 4 năm sau cánh tay ông mới hồi phục dần. Cũng trong năm 1989, ông vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND khi mới 23 tuổi.
Trong trận hải chiến năm ấy, tỉnh Quảng Bình là một trong những địa phương có nhiều chiến sĩ tham gia nhất, có 13/64 đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại giữa lòng đại dương. Máu của các anh hòa cùng nước biển, xương cốt vùi sâu trong lòng đảo như nhắc nhở cho các thế hệ mai sau trách nhiệm đấu tranh và gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
35 năm đi qua, sóng biển có thể xóa nhòa mọi dấu vết nhưng không thể xóa được ký ức bi tráng của người dân Việt Nam về những con người quả cảm mà sự hy sinh của họ đã dựng thành những tượng đài bất tử về tình yêu Tổ quốc.