Có thể đó là duyên may khi tôi, một Cựu chiến binh chống Mỹ thuộc “thời áp chót”, được xem như người bạn vong niên tiếp chuyện ông bà, những người thuộc thế hệ chống Mỹ những năm đầu. Nhưng câu chuyện chỉ thật sự xẻ chia bao chuyện vui buồn trong cuộc sống khi đôi vợ chồng đều là thương binh thời chống Mỹ ấy biết tôi cũng là một thương binh thời chống Mỹ.
Trong căn phòng ấm cúng với trang trọng hai tấm bằng Mẹ Việt Nam anh hùng và năm tấm bằng Tổ quốc ghi công, bên đôi vợ chồng người Cựu chiến binh già, câu chuyện trở về hơn bốn mươi năm, hơn năm mươi năm trước…
Cuối năm 1972, khi ấy chiến trường Miền Đông Nam Bộ đang ở thời kỳ ác liệt, họ nhận quyết định vượt Trường Sơn ra Bắc học tập. Đây là chủ trương của cấp trên nhằm đào tạo nguồn cán bộ cho lâu dài cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước sau này. Thế nhưng cả hai đều tìm mọi cách xin ở lại. Cả chục năm lăn lộn trên chiến trường nên khi ấy dường như cuộc chiến cuốn hút họ hơn. Và cũng có thể họ cảm thấy miền đất “Miền Đông gian lao mà anh dũng”, nơi nảy nở mối tình giữa họ, gắn bó hơn.
Phải đến khi được cha, một cán bộ quân đội cao cấp khi ấy cũng đang chiến đấu ở chiến trường động viên thì Minh Thiện mới miễn cưỡng “chấp hành”. Còn đối với Khắc Mân, cấp trên cũng phải ép một cách kiên quyết thì cuối cùng mới “chịu”. Tuy mới chỉ trong giai đoạn tìm hiểu nhau nhưng khi ấy đi kèm với quyết định điều động, tổ chức ra quyết định “công nhận”.
Công nhận gì, tôi bỗng tò mò? Chị Thiện cười ngất, thì công nhận hai chúng tôi là “vợ chồng sắp cưới, sẽ cưới”! Vậy đấy, thuở ấy nơi chiến trường, mọi chuyện đơn giản mà hồn nhiên trong sáng đến lạ kỳ như thế.
Tuy vậy trên đường vượt Trường Sơn ra Bắc, mỗi người lại ở một đoàn riêng. Chị vốn là lính Quân y Y4, lại là nữ nên hành quân một đoàn riêng. Anh dù cũng vốn là lính quân y nhưng sau Mậu Thân 1968 đã trở thành lính bảo vệ thuộc đơn vị 268. Trên đường cũng chỉ đôi ba lần gặp nhau chốc lát nhưng đó là hạnh phúc của những người lính chiến trường mà không dễ có được. Phải đến khi cùng ngồi chung ghế nhà trường học Văn hóa của Quân đội tại Thủ đô Hà Nội (Đoàn 871, Tổng cục Chính trị) thì lúc ấy họ mới thật sự bên nhau.
Nói là bên nhau nhưng họ vẫn phải gác chuyện riêng để tập trung học tập. Cuối năm 1974 thì Khắc Mân và Minh Thiện mới thật sự nên vợ nên chồng.
Sau khi hoàn thành chương trình học phổ thông tại Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng, chị theo học Trường Đại học Quân y (sau này là Học viện Quân y), còn anh học tại Học viện Chính trị quân sự.
Đại thắng mùa Xuân 1975. Khi ấy Phạm Khắc Mân đang học tại Học viện Chính trị nhưng anh kiên quyết xin trở về miền Nam công tác. Anh vốn sinh ra trong một gia đình truyền thống cách mạng. Những năm sau này khi Nhà nước vinh danh, bà nội anh được phong tặng Mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ đẻ anh được phong tặng Mẹ Việt Nam anh hùng. Bố mất sớm, anh được cô ruột nuôi từ nhỏ, coi như con. Người cô ấy chính là phu nhân của tướng Lê Đức Anh mà sau này trở thành Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng, thành Chủ tịch nước. Tổ chức muốn tạo điều kiện cho anh học tập, đào tạo anh một cách cơ bản, lâu dài. Vậy nhưng Khắc Mân kiên quyết xin trở về. Vì theo anh, miền Nam giải phóng đang cần sự đóng góp sức trẻ của anh.
Đứa con gái đầu lòng sinh năm 1975 nên dù rất muốn cùng chồng trở về miền Nam nhưng Minh Thiện đành gác lại. Chị vừa nuôi con nhỏ vừa tiếp tục học tập. Đến năm 1977 thì không nán lại được nữa, chị trở về Nam và tiếp tục học tại Phân hiệu Đại học Quân y tại TP Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp, chị về công tác tại Bộ CHQS TP Hồ Chí Minh. Dù có cha là Phó Tư lệnh Quân khu nhưng Minh Thiện luôn tìm cách thoát ra khỏi cái bóng của cha. Chị muốn tự lập, muốn đi lên bằng đôi chân thật sự của mình.
Nhưng rồi cũng bởi cái tính tự lập đi kèm cái tính “thẳng như ruột ngựa” của mình, năm 1989 chị rời quân ngũ với quân hàm đại úy. Ở môi trường làm dân, Minh Thiện không ít lần gặp khó khăn trắc trở cũng từ cái tính không biết quỵ lụy ai ấy. Chẳng hạn, thời điểm những năm 2003- 2007, làm Phó giám đốc Trung tâm hiến máu nhân đạo, khi được đặt vấn đề ăn chia hoa hồng của những đối tác cung ứng dịch vụ, chị thẳng thừng từ chối. Sự từ chối ấy đụng chạm đến nồi cơm của không ít người khác. Vậy là khúc mắc. Minh Thiện kiên quyết ra đi.
Với lòng nhiệt thành, chị lại lao vào công việc. Hóa ra chị chỉ phù hợp với những công việc vì cộng đồng, không vụ lợi. Người của “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Thế là, hết làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận Tân Bình lại làm Chủ tịch Hội Khuyến học phường Hòa Thạnh. Năm 2012, do yêu cầu của địa phương, dù đã ở tuổi ngoại 60 nhưng bà vẫn đồng ý đảm nhận làm Chủ tịch Hội CCB phường Hòa Thạnh, đồng thời làm Chủ nhiệm CLB nữ CCB quận Tân Phú. Ở tuổi 68, kỳ Đại hội Hội CCB phường Hòa Thạnh tháng 4/2017 vừa qua, dù đã muốn nghỉ dưỡng tuổi già nhưng bà vẫn chưa làm sao dứt ra được. Những anh em trẻ vẫn bằng mọi cách thuyết phục bà tham gia BCH Hội CCB phường khóa mới.
Còn Khắc Mân, khi trở về miền Nam anh lao vào công việc. Vốn khái tính, không chịu phụ thuộc vào sự ưu ái mà tổ chức giành cho, sau 21 năm mặc áo lính, anh chuyển ngành với quân hàm thượng úy.
Tôi bỗng nhẩm tính. Với tôi, 17 năm tại ngũ, khi chuyển ngành với quân hàm đại úy mà vẫn cho rằng mình thuộc loại “chậm lụt thiệt thòi”. Nhưng với đôi vợ chồng CCB già này, dù thuộc hàng “hậu duệ” với gốc không nhỏ nhưng hóa ra còn thiệt thòi hơn nhiều. Đời quân ngũ của ông trải dài 21 năm với quân hàm thượng úy, còn bà 26 năm với quân hàm đại úy.
Cũng giống như bà, khi về hưu ông lao vào công tác xã hội. Chỉ có khác, mỗi ông bà “vác tù và hàng tổng” mỗi khác. Ông tham gia làm Bí thư chi bộ khu phố đã mấy khóa. Dù nay sức khỏe đã rất kém nhưng đôi vợ chồng ấy vẫn chưa lúc nào rời được công tác xã hội. Cả hai ông bà nay đều đang bị bệnh tiểu đường typ 2. Không hiểu vì lý do gì mà đến nay ông bà vẫn chưa được giám định để hưởng chính sách Người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Hỏi, anh chị chỉ cười. Thôi, dù sao cũng may mắn hơn biết bao đồng chí đồng đội khác. Biết bao người nằm lại chiến trường không được chứng kiến ngày vui đất nước giải phóng. Biết bao người mãi mãi ra đi ở tuổi đôi mươi mà chưa một lần nếm trái ngọt tình yêu. Giọng chị bỗng dưng nghẹn lại. Có những thương binh nặng, biết không qua khỏi đã nghẹn ngào xin được nắm bàn tay những người nữ quân y. Và những thương binh ấy đã thanh thản ra đi trong nụ hôn của Minh Thiện cùng những nữ chiến sỹ quân y. Nước mắt khôn cầm, chị khóc, anh khóc và tôi cũng cố giấu đi những giọt nghẹn…
Bất giác tôi phát hiện trên tường tấm bằng khen và chiếc huy chương. Chị cười, của đứa cháu ngoại đó. Con bé năm nay học lớp 11 trường chuyên Trần Đại Nghĩa. Chị nâng niu chiếc huy chương bạc trong kỳ thi học sinh giỏi của đứa cháu ngoại giới thiệu với tôi, cười rất tươi. Nhưng rồi, dường như trong mắt người phụ nữ vốn cứng cỏi ấy đang cố giấu đi một điều gì đó. Giọt vui cố giấu vội… Trải qua biết bao vất vả gian nan, giờ đây đôi vợ chồng người CCB viên mãn với tuổi già, họ vui với công tác xã hội và đầm ấm bên con cháu. Vậy mà khi ngồi ôn lại chuyện cũ, cả hai ông bà đều như trẻ lại, sôi nổi nhớ về thuở mười tám đôi mươi, hừng hực với những ngày cầm súng nơi chiến trường miền Đông Nam bộ.
Hơn bốn mươi lăm năm, ngồi ôn lại chuyện về mối tình vượt Trường Sơn của đôi vợ chồng người CCB già ấy cứ hào hứng như chuyện mới của ngày hôm qua. Của một thời chiến trận chưa xa…
Nguồn: cuuchienbinhtpHCM