Chị Bảy Hồng, tên thật là Võ Thị Hồng ở xã Tuyên Bình, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An. Nói về chị ông Hà Văn Nứa - nguyên Phó Bí thư Huyện ủy huyện Mộc Hóa, Long An kể: "Trước giải phóng cô Hồng là chiến sĩ giao liên vừa duyên dáng và cũng rất dũng cảm, khiến biết bao đồng đội nể phục và biết bao chàng trai "giải phóng quân" xao xuyến...".
Những năm sau giải phóng, thiên tai, lũ lụt, chiến tranh biên giới... Bao khó khăn thiếu thốn oằn mình trước chuyện áo cơm. Trong khi vùng đất Đồng Tháp Mười phì nhiêu vẫn bấp bênh mỗi năm một vụ lúa mùa năng suất thấp. Với đôi tay nhỏ bé chai sạn của một thôn nữ và bàn chân nhỏ nhắn nhuộm đỏ màu phèn, chị Bảy Hồng đã khai hoang, phục hóa hơn 35 ha đất từ cỏ dại, năn lác, sậy, vốn là rừng hoang đầy rẫy bom mìn thành đất sản xuất nông nghiệp và chị cũng là người giao lại ngần ấy diện tích khai hoang được cho tập đoàn để chia lại cho những nông dân không có ruộng. Chị Bảy cũng là người đầu tiên ở Đồng Tháp Mười mạnh dạn áp dụng thành công kỹ thuật trồng lúa một vụ lên hai vụ, rồi ba vụ trên vùng Đồng Tháp Mười nhiễm phèn nặng và cả tỉnh Long An ngày đó chỉ có chị Bảy Hồng là người phụ nữ duy nhất biết lái máy cày để cày ruộng trồng lúa.
Chị Bảy Hồng (trái) theo dõi nhân công thu hoạch lúa hè thu năm 2016.
Chị Bảy Hồng kể: "Thấy chị đào kênh dẫn nước vào ruộng xả phèn, làm lúa hai vụ, ông ngoại mắng xối xả - Bay là con gái dám làm chuyện thay trời hả!". Ai ngờ thay trời thiệt. Từ đám ruộng đầu tiên chị làm lúa hai vụ thành công, cô bác xung quanh cũng học hỏi làm theo rồi dần lan rộng ra. Còn chuyện chị biết cày ruộng là vầy: Ba đi cày giữa chừng vào nhà bạn nhậu, chị chờ hoài... bắt trâu cày ruộng. Mới đầu trâu thấy chị là con gái nhỏ xíu nó không chịu cày, chị la hét làm giữ nó mới chịu nghe, sau cày trâu chị lái máy cày, thời đó thiệt ngộ không cô gái nào dám làm...". Bốn mươi năm trước, chuyện khai hoang trồng lúa tăng vụ, tăng năng suất trên đất phèn của chị Bảy Hồng lúc đó mang ý nghĩa tiên phong. Tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1986, cô gái nông dân Võ Thị Hồng ở Long An lúc đó mới 36 tuổi đời đã được Nhà nước phong tặng anh hiệu Anh hùng lao động đã khiến mọi người ngưỡng mộ, thán phục. Đặc biệt, khi đó, chị Bảy Hồng còn là một trong ba đại diện được mời lên báo cáo thành tích nông nghiệp trước Đại hội. Bên cạnh những tên tuổi tiêu biểu được vinh danh như anh hùng Hồ Giáo, giáo sư tiến sĩ Võ Tòng Xuân. Cô gái được mệnh danh hai lúa miền Tây Nam Bộ đã làm mọi người ngạc nhiên bởi thành tích của mình.
Đằng sau những kỳ tích trên cánh đồng hoang Đồng Tháp Mười, nhưng đến bây giờ chị Bảy Hồng vẫn là một người phụ nữ cô đơn. Tuy sống đơn độc nhưng không buồn tẻ, bởi chị luôn tìm được niềm vui và sự sẻ chia từ cộng đồng và những người xung quanh. Thứ tình cảm đầy đặn và ấm áp ấy đã bù đắp cho chị sự thiếu vắng 1 gia đình. Hạnh phúc là cho, và sống vì người khác, chị đã thấy mình hạnh phúc bởi đã sống đẹp với cuộc đời.
Chị Võ Thị Anh Thư - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Tuyên Bình, thị xã Kiến Tường cho biết: Chi hội phụ nữ do chị Bảy Hồng làm chi hội trưởng có phong trào nuôi heo đất tiết kiệm, hỗ trợ vốn hội viên nghèo và tham gia các hoạt động từ thiện rất tích cực. Những bếp ăn từ thiện trong vùng được chị và các chị em hội viên tham gia, chăm lo chu đáo, cho những thân phận kém may mắn trong cuộc đời. Nếu ví von hình ảnh người phụ nữ như người giữ lửa thì chị Bảy Hồng đã thắp lên bao ngọn lửa nhiệt tình yêu thương cho cuộc đời. Sư cô Như Liên - Chùa Tường Vân, thị xã Kiến Tường kể: Bếp ăn từ thiện của chùa Tường Vân thường xuyên được chị Bảy Hồng hỗ trợ gạo để nấu cho các bệnh nhân nghèo ở bệnh viện đa khoa Mộc Hóa liên tục nhiều năm nay.
Anh hùng lao động Võ Thị Hồng
Với chị Bảy Hồng, giá trị cuộc sống chính là lao động không ngừng, chân lý của cuộc sống từ thực tế cuộc đời chị Bảy là làm việc tạo ra của cải vật chất để cống hiến cho xã hội và giúp đỡ người nghèo - một chân lý giản đơn - một nguyện vọng xuất phát từ trái tim và tâm hồn lớn của người phụ nữ nhỏ bé mang đến cho ta một cảm nhận đẹp về cuộc sống.
Cái thời cơm không đủ no áo không đủ ấm đã qua, cái kỳ tích khai hoang phục hóa, làm lúa tăng vụ trên vùng đất túi phèn của Đồng Tháp Mười một thời hoang hóa cũng dần lui về quá khứ. Cho đến bây giờ khi Đồng Tháp Mười Long An đã vào thời kỳ phát triển, nhưng tấm gương người phụ nữ anh hùng lao động trên vùng đất Đồng Tháp Mười vẫn sáng.