Đây là chia sẻ của Đại tá Lê Hoài Nam, Chủ nhiệm Kỹ thuật Quân khu trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân khu về công tác chuyển đổi số (CĐS) đối với ngành Kỹ thuật Quân khu.
![](/fileman/Uploads/tbNews/34965/thumb/h4.jpg)
Đại tá Lê Hoài Nam, Chủ nhiệm Kỹ thuật Quân khu 7.
Đại tá Lê Hoài Nam: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: Đến năm 2030 xây dựng Quân đội Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, trước mắt phải từng bước kiện toàn tổ chức, biên chế tinh, gọn, mạnh từ cấp Bộ đến đơn vị cơ sở. Mặt khác, trước tác động to lớn của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, toàn quân được trang bị nhiều loại trang bị kỹ thuật (TBKT) mới, hiện đại, tính tích hợp công nghệ cao, đòi hỏi phải từng bước đổi mới và thay đổi phương thức bảo đảm kỹ thuật (BĐKT). Điều đó đặt ra cho ngành Kỹ thuật Quân đội nói chung, ngành Kỹ thuật Quân khu nói riêng cần phải chuyển đổi phương thức công tác quản lý, điều hành, nâng cao năng lực tiếp cận và làm chủ công nghệ TBKT hiện đại.
CĐS giúp người chỉ huy, cơ quan kỹ thuật tối ưu hóa quá trình điều hành hoạt động của ngành trong toàn Quân khu và ở mỗi cấp, mỗi đơn vị; đơn giản hóa, nhanh chóng, kịp thời cung cấp số liệu cần thiết của các đối tượng quản lý kỹ thuật, gồm: TBKT, hệ thống cơ sở kỹ thuật, đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật, vật tư, ngân sách...; qua đó kịp thời chỉ đạo, can thiệp kỹ thuật khi có sự cố, nâng cao khả năng SSCĐ, tạo điều kiện thuận lợi để ngành làm tốt công tác BĐKT cho toàn Quân khu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống.
PV: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện CĐS được triển khai như thế nào, thưa đồng chí?
Đại tá Lê Hoài Nam: Thời gian qua, ngành Kỹ thuật Quân khu chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CĐS trong ngành Kỹ thuật, triển khai quyết định thành lập Ban chỉ đạo CĐS ngành Kỹ thuật Quân khu giai đoạn 2022-2025; phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị kỹ thuật trong tổ chức, triển khai toàn diện CĐS trong toàn Quân khu; thường xuyên quán triệt, cụ thể hóa các văn bản của trên về CĐS, phát triển Chính phủ điện tử, ứng dụng hiệu quả phần mềm công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý, thực hiện công tác kỹ thuật (CTKT), từng bước số hóa tài liệu, quy trình nghiệp vụ; bước đầu tạo lập hệ thống dữ liệu số của ngành Kỹ thuật. Các cơ quan, đơn vị chủ động, tích cực đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng CNTT, mạng máy tính quân sự; từng bước kết nối an toàn, thông suốt giữa cơ quan, đơn vị trong toàn Quân khu và cơ quan, cơ sở kỹ thuật.
Năm 2023, hệ thống chỉ đạo điều hành và giám sát an toàn tập trung của Quân khu, truyền dữ liệu giữa Sở chỉ huy Quân khu với đơn vị, cơ sở kỹ thuật trực thuộc đã phủ khắp các đầu mối Quân khu; triển khai hệ thống quản lý báo cáo tổng hợp, phân tích số liệu ngành Kỹ thuật, thí điểm đến một số cơ quan, đơn vị và chuyên ngành Kỹ thuật; bước đầu hình thành hệ thống nền tảng thống nhất kết nối, xử lý số liệu CTKT trong toàn ngành; triển khai công cụ số hóa tài liệu Kỹ thuật, kho tài liệu số ngành kỹ thuật; ban hành quy định khung mã định danh điện tử, từng bước triển khai hướng dẫn xây dựng danh mục mã định danh điện tử TBKT, vật tư kỹ thuật do ngành kỹ thuật quản lý.
Đại tá Lê Hoài Nam: Thời gian qua, ngành đang triển khai nhiều giải pháp CĐS trong các hoạt động hành chính quân sự; hoạt động quản lý và nghiệp vụ chuyên ngành, góp phần đẩy nhanh hiệu quả, chất lượng công việc.
![](/fileman/Uploads/tbNews/34965/thumb/h1_20230929155000191.jpg)
Ngành Quân khí: Triển khai cho địa phương, đơn vị của Quân khu và đơn vị bộ đội biên phòng trên địa bàn về phần mềm quản lý số hiệu vũ khí, quản lý lô đạn dược; phần mềm đã được đầu tư, nâng cấp, cập nhật thường xuyên các phiên bản góp phần dễ dàng triển khai trên các nền tảng máy tính, dễ thao tác, sử dụng.
Ngoài ra, các chuyên ngành kỹ thuật, cơ quan tham mưu kỹ thuật đã và đang triển khai, sử dụng phần mềm quản lý cán bộ, nhân viên kỹ thuật từ cơ quan đến đơn vị cơ sở, góp phần đồng bộ dữ liệu ở các cấp nhanh chóng, chính xác, tạo hiệu quả trong công tác quản lý, xây dựng ngành.
Bên cạnh đó, cơ quan, địa phương, đơn vị thường xuyên đầu tư, củng cố hạ tầng mạng máy tính quân sự, đáp ứng nhu cầu khai thác, phát triển các ứng dụng CNTT, quản lý chỉ đạo, trao đổi dữ liệu; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhân viên kỹ thuật có đủ năng lực, trình độ, nhất là tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng số để chỉ đạo, điều hành, sử dụng thành thạo công cụ số trong triển khai, xử lý công việc, thực hiện chia sẻ tài nguyên số, ứng dụng công nghệ số, tạo nền tảng vững chắc cho công tác CĐS trong ngành Kỹ thuật.
PV: Trong quá trình thực hiện CĐS đặt ra những khó khăn gì và giải pháp khắc phục như thế nào, thưa đồng chí?
Đại tá Lê Hoài Nam: Ngành Kỹ thuật Quân khu đang quản lý số lượng lớn các loại TBKT với nhiều chủng loại, xuất xứ từ nhiều nước và được quản lý, bảo quản, cất giữ ở nhiều vùng miền. Nhiều TBKT, vật tư kỹ thuật không có đủ tài liệu kỹ thuật từ nhà sản xuất; chưa có sự thống nhất, chuẩn hóa về quy trình quản lý các cấp, các chuyên ngành kỹ thuật. Trong khi đó, CTKT đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác tuyệt đối, không được phép sai sót. Do vậy, việc xây dựng định danh điện tử TBKT trong toàn Quân khu cũng như việc thống nhất quy trình, hồ sơ điện tử trong thực hiện CTKT rất phức tạp, khó khăn.
Các cơ sở kỹ thuật đóng quân không tập trung, nhiều đơn vị ở vùng sâu, vùng xa rất khó kết nối vào mạng truyền số liệu quân sự. CĐS cũng là nội dung mới đòi hỏi cán bộ, nhân viên phải có trình độ khoa học công nghệ hiện đại. Ngoài ra, phần mềm quản lý của các chuyên ngành kỹ thuật được xây dựng trên nhiều nền tảng khác nhau, chưa đồng bộ dẫn đến quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu, tổng hợp báo cáo còn gặp nhiều khó khăn; một số phần mềm đến nay vẫn đang từng bước hoàn thiện.
Từ đó, ngành cũng đề ra một số giải pháp nhằm khắc phục, nâng cao hiệu quả CĐS như: Tích cực, chủ động phát triển hạ tầng CNTT và mạng TSLqs có bảo mật cơ yếu đến cơ quan, đơn vị trực thuộc, đẩy mạnh CĐS tại đơn vị; phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Kỹ thuật triển khai CĐS ngành Kỹ thuật. Cụ thể: Tham gia xây dựng danh mục mã định danh điện tử TBKT nhóm 2, vật tư kỹ thuật do ngành Kỹ thuật quản lý; Chủ động chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, quy trình nội bộ, hồ sơ điện tử, dữ liệu số làm cơ sở CĐS trong CTKT tại đơn vị; Triển khai áp dụng, kết nối phần mềm, công cụ nền tảng dùng chung của ngành Kỹ thuật và các chuyên ngành kỹ thuật trong thực hiện CTKT tại cơ quan, đơn vị theo hướng dẫn Tổng cục Kỹ thuật, cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng.
PV: Định hướng công tác CĐS ngành Kỹ thuật trong thời gian tới là gì, thưa đồng chí?
Đại tá Lê Hoài Nam: Để thực hiện hiệu quả công tác CĐS ngành Kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ngành Kỹ thuật Quân khu đề nghị ngành Kỹ thuật các đơn vị tiếp tục quán triệt, tích cực triển khai thực hiện đầy đủ nội dung, kế hoạch CĐS của Bộ Quốc phòng, ngành Kỹ thuật Quân khu và đơn vị. Trong đó, ưu tiên hạ tầng kết nối mạng máy tính quân sự; chuẩn hóa hồ sơ, quy trình quản lý; xây dựng danh mục mã định danh điện tử TBKT, vật tư trang bị do ngành quản lý làm cơ sở thống nhất trong thực hiện CĐS của đơn vị và toàn ngành. Đặc biệt, cán bộ ngành Kỹ thuật phải chủ động tham mưu với lãnh đạo, chỉ huy đơn vị những nội dung thúc đẩy CĐS tại đơn vị bảo đảm khoa học, phù hợp thực tiễn; sẵn sàng triển khai, kết nối, ứng dụng hiệu quả những công cụ nền tảng số của ngành Kỹ thuật Quân khu và Bộ Quốc phòng.
Cục Kỹ thuật phấn đấu đến năm 2024, thực hiện giao ban trực tuyến đến các đầu mối trực thuộc Cục khi các điều kiện về công tác bảo mật, bảo đảm an toàn đáp ứng yêu cầu.
Định hướng đến năm 2030: Quân khu hoàn thành cơ bản xây dựng hạ tầng CNTT quân sự đồng bộ, hiện đại, cơ động, an toàn, đáp ứng yêu cầu về tổ chức, vận hành, xây dựng môi trường làm việc số, sử dụng hiệu quả hệ thống tự động hóa chỉ huy của Quân khu, thực hiện mục tiêu xây dựng LLVT Quân khu hiện đại; trong đó ngành Kỹ thuật cũng thực hiện các nội dung CĐS đồng thời.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!