(QK7 Online) - Tối 6/4, chương trình cầu truyền hình "Bản trường ca hòa bình" do Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Thành ủy - UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy - UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Quân khu 5, Quân khu 7 được truyền hình trực tiếp tại 3 điểm cầu Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh (Hội trường Thống Nhất) và tỉnh Đắk Lắk (Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột).
Dự điểm cầu Hà Nội có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; đồng chí Bùi Thanh Sơn, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; đồng chí Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội.
Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, Quân khu 7 và lãnh đạo TPHCM dự điểm cầu TPHCM.
Đại biểu dự chương trình tại điểm cầu TPHCM.
Dự điểm cầu TPHCM có Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; đồng chí Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước; Thượng tướng Trần Đơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thiếu tướng Trần Vinh Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7; Thiếu tướng Hồ Văn Thái, Chính ủy Quân khu 9; đồng chí Trần Tiến Dũng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long; đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; đồng chí Trần Thị Diệu Thuý, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.
Đông đảo cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân dự chương trình với niềm tự hào dân tộc.
Tại các điểm cầu còn có sự tham dự của lãnh đạo đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng LLVT Nhân dân, các cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử cùng đông đảo đại biểu các tầng lớp Nhân dân.
Chương trình cầu truyền hình "Bản trường ca hòa bình" được dàn dựng công phu, hoành tráng.
Trong không khí trang trọng và thiêng liêng của dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chương trình trở thành điểm nhấn văn hóa đặc biệt, tái hiện thành công những trang sử hào hùng của dân tộc, khẳng định giá trị trường tồn của độc lập, tự do và tinh thần đại đoàn kết. Đặc biệt, chương trình đã tái hiện đầy xúc động, chân thực hành trình 21 năm gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng hào hùng của dân tộc Việt Nam, hành trình tựa như một bản trường ca bi tráng và vinh quang, mà trong đó, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 chính là chương đẹp nhất, rực rỡ nhất.
Trình diễn 3D Mapping “Việt Nam vươn mình”.
“Bản trường ca hòa bình” được đầu tư công phu và sáng tạo. Là kết hợp đa dạng giữa các loại hình nghệ thuật truyền thống và đương đại không chỉ mang đến trải nghiệm mới mẻ, mà còn làm sâu sắc cảm xúc và sự thấu hiểu của khán giả đối với những câu chuyện lịch sử. Các màn biểu diễn thực cảnh, 3D mapping, laser, khói lửa và pháo hoa… tạo nên khung cảnh hoành tráng, sống động đưa khán giả trở về với không gian và thời gian của những năm tháng lịch sử hào hùng.
Phút giây cảm động giữa những người đồng chí, đồng đội được tái ngộ tại điểm cầu truyền hình Hội trường Thống Nhất.

Các cựu chiến binh không thể kìm được nỗi đau và thương tiếc khi nhắc về đồng đội.
Xen kẽ giữa những màn trình diễn nghệ thuật mãn nhãn là các thước phim tư liệu quý giá, khắc họa đậm nét những chiến công hiển hách của quân và dân ta trong suốt chiều dài lịch sử. Chương trình khéo léo lồng ghép nhiều khoảnh khắc lắng đọng khi ghi lại hành trình trở về chiến trường xưa của những người lính Bộ đội Cụ Hồ. Mỗi bước chân trên mảnh đất năm xưa, mỗi nén hương thơm tưởng nhớ đồng đội mãi mãi nằm lại nơi chiến địa, đều là những thước phim chân thực và lay động lòng người, gợi nhắc về những hy sinh thầm lặng mà vĩ đại, để thế hệ hôm nay thêm trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập, tự do. Tại điểm cầu TPHCM, khán giả được giao lưu với cựu chiến binh Trần Bình Yên, Nguyễn Ngọc Quý, họ là những chiến sĩ lái xe và pháo thủ của kíp xe tăng 846, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 tiến vào dinh Độc Lập năm xưa.


Đại thắng mùa xuân năm 1975 đưa đất nước vào kỷ nguyên thống nhất, độc lập, tự do.
Đây là chương trình giao lưu chính luận, nghệ thuật quy mô lớn được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sự thành công của chương trình được thể hiện rõ nét qua tinh thần hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo khán giả thuộc mọi lứa tuổi và tầng lớp xã hội. Từ những người cựu chiến binh đã trực tiếp tham gia chiến đấu, đến những thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trong hòa bình, tất cả đều tìm thấy ở chương trình này những giá trị tinh thần to lớn, những bài học lịch sử quý báu và cảm xúc thiêng liêng về quê hương, đất nước.

Nét đẹp văn hóa, lòng yêu nước được thể hiện qua các tiết mục văn nghệ đặc sắc.
“Bản trường ca hòa bình” sẽ sống mãi trong trái tim của người dân Việt Nam, góp phần củng cố niềm tin vào sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước ngày càng phồn thịnh, văn minh.
Ý nghĩa ba điểm cầu truyền hình
Theo ban tổ chức, Hà Nội biểu trưng cho sự chỉ đạo, quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Bác Hồ đối với công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và sự chi viện của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Buôn Ma Thuột biểu trưng cho Chiến thắng Buôn Ma Thuột (ngày 10-3-1975), mở màn thắng lợi, tạo bước ngoặt lịch sử cho Đại thắng mùa xuân năm 1975.
Hội trường Thống Nhất là biểu tượng của chiến thắng, hòa bình, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, là nơi đánh dấu giờ phút thiêng liêng của dân tộc ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thiên Nhi, Lê Trầm