Có thể nói, những chiến sĩ mới này là lực lượng góp phần to lớn trong việc xây dựng từng đơn vị nói riêng, LLVT quân khu nói chung ngày càng chính qui, vững mạnh đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời đây cũng chính là nguồn nhân lực quan trọng, nguồn nhân lực chất lượng cao cho các địa phương khi họ xuất ngũ trở về gia đình.
Tuy nhiên, để những tân binh này nhanh chóng hòa nhập môi trường mới; tích cực, tự giác phấn đấu trở thành người chiến sĩ ưu tú của Quân đội nhân dân Việt Nam, đòi hỏi từng đơn vị, địa phương và cả gia đình đều có sự chung tay để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chiến sĩ mới học tập, huấn luyện và rèn luyện trưởng thành.
Hướng dẫn sắp xếp nội vụ
Đối với các đơn vị huấn luyện tân binh không chỉ chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất; doanh trại, nơi ăn chốn ở khang trang, sạch đẹp; tổ chức huấn luyện chặt chẽ, đúng kế hoạch… mà còn hết sức chú trọng quân tâm công tác giáo dục, động viên kịp thời. Đội ngũ cán bộ mà nhất là cán bộ tiểu đội, trung đội, đại đội phải thực sự mẫu mực, thực sự chăm lo cho chiến sĩ; bằng cả tình thương và trách nhiệm, bằng cả sự tận tình và nghiêm khắc để tiếp cận, cảm hóa, truyền lửa cho tân binh ngay từ những ngày đầu về đơn vị, để họ ý thức sâu sắc về trách nhiệm, vinh dự của người lính trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Từng đơn vị cũng cần nhận rõ rằng, trong thời bình hiện nay, những chiến sĩ trẻ chính là những “cậu ấm”, “cục cưng”, “cục vàng”… của nhiều gia đình. Bởi vậy, khi mỗi một thanh niên nhập ngũ vào môi trường quân đội- một trường học lớn để rèn luyện thanh niên, là bao hi vọng, tin tưởng, gửi gắm của từng gia đình vào sự trưởng thành của con em mình. Vì thế, chăm lo, giáo dục người chiến sĩ hôm nay, không chỉ đào luyện họ về kỹ năng người lính mà còn về kỹ năng sống, ứng xử, giao tiếp… và trên hết đó là nhân cách của một thanh niên, biết yêu thương, cống hiến, biết dấn thân để rèn luyện trưởng thành, trở thành một con người có ích cho xã hội, gia đình.
Đương nhiên, để làm được điều đó, ngoài sự nỗ lực, quyết tâm cao, trách nhiệm lớn của lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị; sự quan tâm, dìu dắt, chia sẽ với tình cảm sâu sắc: “đơn vị là nhà, cán bộ- chiến sĩ là anh em”, còn phải có sự đồng tâm hiệp lực của các địa phương, gia đình chiến sĩ. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương cần có sự phối hợp thường xuyên với đơn vị, tạo điều kiện hỗ trợ về vật chất, tinh thần, ưu tiên bố trí việc làm, dạy nghề… nhất là khi bộ đội xuất ngũ, tạo niềm tin, động lực cho mỗi chiến sĩ an tâm công tác. Các gia đình quân nhân cũng cần kết nối chặt chẽ với đơn vị, có sự quan tâm giáo dục, xử lí linh hoạt các tình huống tư tưởng, kịp thời giải quyết các vướng mắc; qua đó động viên, khích lệ chiến sĩ phấn đấu vươn lên.
“… Gian nan rèn luyện ắt thành công”, những ngày đầu trong quân ngũ của các tân binh hôm nay sẽ gặp không ít những thử thách, gian nan và vất vả. Nhưng tin chắc rằng họ sẽ nhanh chóng vượt qua, cùng với thời gian họ sẽ được tôi luyện, trở thành những người lính dạn dày, cứng cáp và kiên trung.