![](/fileman/Uploads/tbNews/10745/thumb/trump_xi_1_3885_1491635602.jpg)
Sau vòng xung khắc thương mại đầu tiên bắt đầu hồi tháng 6 năm nay, với việc hai bên áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với 50 tỷ USD giá trị hàng hóa của bên này xuất khẩu vào thị trường bên kia. Vòng xung khắc thứ hai được hai bên kích hoạt ngày 24.9 với mức độ Mỹ áp dụng là 200 tỷ USD và Trung Quốc đáp trả là 60 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Trump lại đe dọa sẽ tiến hành vòng xung khắc thứ ba, với mức giá trị là 267 tỷ USD; mà nếu gộp cả ba lần lại với nhau, thì tổng giá trị hàng hóa của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế quan bảo hộ thương mại sẽ vượt quá cả giá trị hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ trong năm 2017.
Trong khi Trung Quốc đã ra tuyên bố, nước này sẽ “không chịu lùi bước” trước lời đe dọa của Donald Trump và cho rằng, “Mỹ không nên xem thường quyết tâm và ý chí của Bắc Kinh”. Trung Quốc sẽ dừng đàm phán thương mại song phương và đưa ra “Sách trắng” về quan hệ trao đổi thương mại giữa hai nước. Trung Quốc coi chính sách của Mỹ là “độc tài kinh tế”, cáo buộc Mỹ theo đuổi ý đồ khuất phục Trung Quốc về kinh tế.
Sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ ảnh hưởng mức tăng trưởng của cả hai quốc gia vào năm 2019 và sẽ tổn hại nghiêm trọng tới hệ thống thương mại thế giới. Thế giới sẽ trở thành một “nơi nghèo và nguy hiểm hơn”. Giới quan sát cho rằng thông điệp này của Bắc Kinh cho thấy cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ còn tiếp diễn trong thời gian dài với quyết tâm “chiến đấu đến cùng” từ cả hai phía. Trong cuộc chiến đó, chiến lược của cả Mỹ và Trung Quốc đều là lôi kéo thật nhiều đồng minh về phía mình để gây sức ép với đối phương. Mỹ vừa ký hiệp định thương mại mới với Mexico và Canada, đồng thời, cũng đang tìm cách đàm phán để ký thỏa thuận tương tự với Nhật và Liên minh châu Âu, nhằm tăng sức ép thương mại tối đa lên Trung Quốc. Cuối tháng 9, Mỹ cũng đã ký hiệp định thương mại với Hàn Quốc, được Trump ca ngợi là “cột mốc lịch sử về thương mại” song phương! Những thỏa thuận thương mại Mỹ vừa ký cho thấy các nước chỉ cần đưa ra một số nhượng bộ nhỏ là đủ làm hài lòng Trump và có thể tiếp tục hưởng lợi từ các hiệp định thương mại song phương với Mỹ. Đối thủ duy nhất mà Trump muốn dồn sức đối phó là Trung Quốc.
Nếu Trump quyết tâm thực hiện lời đe dọa áp thuế với gần như toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, các nhà sản xuất ở châu Âu sẽ được hưởng lợi thế cạnh tranh trước sản phẩm Trung Quốc trên thị trường Mỹ. Trong khi đó, việc Bắc Kinh trả đũa bằng đòn áp thuế tương tự với hàng hóa của Washington sẽ khiến giá các mặt hàng này tăng lên, tạo lợi thế cho hàng sản xuất ở châu Âu và châu Á.
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ gặp nhau tại Buenos Aires, Argentina trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20 vào cuối tháng 11. Các vấn đề có thể sẽ được đưa ra thảo luận là thương mại, Biển Đông và Đài Loan. Hy vọng, cuộc gặp này, sẽ tạo cơ hội để hai nước hạ nhiệt căng thẳng thương mại đang leo thang.
Giới chức Mỹ từng cảnh báo ông Trump sẽ không đàm phán về thương mại với ông Tập tại G20, nếu Trung Quốc không đưa ra danh sách gồm những nội dung nhượng bộ.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Cui Tiankai đã chỉ trích “Mỹ không cho thấy thiện chí giải quyết tranh chấp, đồng thời liên tục thay đổi lập trường, không biết cái gì là ưu tiên. Trong khi Bắc Kinh sẵn sàng thỏa thuận và đi đến nhượng bộ, thì Mỹ lại tìm cách buộc Trung Quốc phải chấp thuận các điều khoản vô lý, kiểu như, Mỹ sẽ có 100%, còn Trung Quốc không có gì cả. Thật vô lý”!.
“Miếng bánh” này có thể sẽ ngày càng lớn hơn cùng với mức độ khốc liệt trong đòn áp thuế “ăn miếng, trả miếng” giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ hiện nay đang áp mức thuế 10% với hơn 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và có thể tăng lên tới 25% vào năm sau, (cao gấp 10 lần mức thuế trung bình mà Mỹ áp với hàng nhập khẩu từ các nước khác)! Như vậy, giá trị hàng hóa chịu thuế của Trung Quốc rõ ràng sẽ tăng lên đáng kể!.