Đây là nội dung tại Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19.
Cũng theo Chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người từ 00 giờ ngày 28 tháng 3 đến hết ngày 15/4/2020:
Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.
Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.
Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần đóng cửa.
Hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo hạn chế các chuyến bay và các hoạt động vận chuyển hành khách từ Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến các nơi khác trên toàn quốc. Tạm dừng hoặc tổ chức lại hoạt động giao thông công cộng để hạn chế đi lại, tập trung đông người, trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa.
Thủ tướng Chính phủ, cấp có thẩm quyền sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm, kỷ luật nghiêm đối với người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra tụ tập đông người.
* Theo Thông báo số 118/TB-VPCP ngày 21/3/2020 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 20/3/2020 về phòng, chống dịch COVID-19, tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài vào Việt Nam, áp dụng từ 0 giờ ngày 22/3/2020. Riêng đối với trường hợp nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và các trường hợp đặc biệt (khách nước ngoài tham dự, phục vụ các hoạt động đối ngoại quan trọng; chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao...), Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan thực hiện cấp thị thực (nếu cần) và các thủ tục kiểm tra, khai báo y tế bắt buộc tại khu vực riêng và được cách ly phù hợp tại cơ sở lưu trú theo đúng quy định. Cơ quan đại diện các nước tại Việt Nam có hình thức cam kết thực hiện giám sát y tế đối với công dân nước mình trong thời gian công tác ở Việt Nam.
Tạm dừng nhập cảnh vì lý do dịch bệnh đối với tất cả các trường hợp mang Giấy miễn thị thực được cấp cho người gốc Việt Nam và thân nhân, áp dụng từ 0 giờ ngày 22/3/2020. Giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
* Tại Thông báo 122/TB-VPCP ngày 24/3/2020 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 23/3/2020 về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện và hoàn thành trước 12 giờ 00 ngày 25/3/2020 việc rà soát tất cả các trường hợp người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài đã nhập cảnh Việt Nam từ ngày 8/3/2020, yêu cầu cách ly tại nhà, nơi lưu trú, thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe, kịp thời phát hiện các trường hợp mắc bệnh, tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
* Trong tuần, Thủ tướng Chính phủ cũng đã gửi thư động viên các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên ngành y tế. Trong thư nêu rõ, thay mặt Đảng và Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những cống hiến, tận tâm hết mình, không quản ngày đêm, vất vả gian nan, hiểm nguy của những chiến sĩ áo trắng trên mọi miền Tổ quốc, các anh các chị xứng đáng là lực lượng tinh nhuệ tiên phong trong cuộc chiến chống COVID-19.
Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trước tác động của COVID-19
Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về việc tổ chức Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân trước tác động của dịch COVID-19 (Hội nghị) vào cuối tháng 3/2020.
Hội nghị sẽ thảo luận 3 nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và nhóm giải pháp bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người lao động.
Chính phủ chưa xem xét, đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu phát triển KTXH
Tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu đầy đủ các ý kiến, chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan và tham khảo ý kiến các chuyên gia, hoàn thiện dự thảo Báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19.
Trong đó lưu ý, chưa xem xét, đề xuất việc điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã được nêu tại Kết luận số 63-KL/TW ngày 18/10/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 85/2019/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Chính sách hỗ trợ xã ATK, vùng ATK cách mạng
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về chính sách hỗ trợ xã an toàn khu (ATK), vùng ATK cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục xem xét, công nhận các xã ATK, vùng ATK cách mạng nhằm kịp thời ghi nhận công lao của nhân dân các dân tộc vùng chiến khu cách mạng. Triển khai đồng bộ các chính sách mới, hoàn thiện các chính sách đang triển khai phù hợp với điều kiện hiện nay theo hướng ưu tiên cho các xã ATK cách mạng là địa bàn có điều kiện khó khăn về kinh tế - xã hội, đồng thời có công với cách mạng.
Đồng thời, tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng cơ sở, các dự án có tính lan tỏa, các dự án ở vùng trung tâm ATK; bảo tồn, tôn tạo các di tích cách mạng như hang động, hầm hào, công sự, trạm kỹ thuật, xưởng công binh; phục dựng các di tích lịch sử của quân đội nhân dân, các bộ ngành Trung ương tại các căn cứ ATK cách mạng nhằm thu hút phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại các xã ATK, vùng ATK cách mạng.
Bên cạnh đó, khuyến khích, động viên và tạo điều kiện để nhân dân và các nhà đầu tư tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh, dịch vụ du lịch, tạo điều kiện thu hút đầu tư, các nguồn lực xã hội hóa cho các xã ATK cách mạng nhất là trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng ATK cách mạng.
Phạt nặng hành vi xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước
Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Trong đó, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức.
Nghị định quy định cụ thể mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Theo đó, phạt tiền từ 220-250 triệu đồng đối với hành vi xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước.
Quy định mới về xác định thị trường liên quan và thị phần
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 35/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh, trong đó quy định cụ thể về xác định thị trường liên quan và thị phần.
Về xác định thị trường liên quan, Nghị định quy định, thị trường liên quan được xác định trên cơ sở thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan. Trong quá trình xác định thị trường liên quan, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có quyền tham vấn ý kiến của các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có chuyên môn.
Tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới
Theo văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về kiểm tra, đánh giá nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính và các cơ quan liên quan thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ chốt, rà soát, kiểm tra, đánh giá về nguồn cung thóc gạo, tình hình xuất khẩu gạo và thực hiện dự trữ lưu thông, tình hình thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo; trên cơ sở đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo theo đúng quy định của Luật quản lý ngoại thương, Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và các quy định pháp luật khác có liên quan, trước ngày 28/3/2020.
Trong khi chờ báo cáo đánh giá của Đoàn kiểm tra liên ngành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới; đối với hợp đồng xuất khẩu gạo đã được ký kết theo đúng quy định của pháp luật sẽ được xử lý cụ thể sau khi nghe Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo. Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Công Thương và các bộ, ngành cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu vừa qua.
65 dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCQG năm 2020
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 411/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia năm 2020. Theo đó, có 65 dịch vụ công được ưu tiên tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia năm 2020 gồm: Nhóm dịch vụ công liên quan đến một số chỉ số môi trường kinh doanh (nhóm về chỉ số khởi sự kinh doanh và nhóm chỉ số tiếp cận điện năng); nhóm dịch vụ công thiết yếu, số lượng đối tượng thực hiện cao.
Chí Kiên
Nguồn: chinhphu.vn