Phối cảnh Cầu Tứ Liên. Ảnh: Sở QHKT Hà Nội
Dự án này được UBND thành phố Hà Nội đề xuất, có tổng chiều dài khoảng 5,15 km, đi qua các quận Tây Hồ, Long Biên và huyện Đông Anh. Điểm đầu của cầu Tứ Liên kết nối với đường Nghi Tàm (quận Tây Hồ), điểm cuối tại nút giao với đường Trường Sa. Cầu chính vượt sông Hồng dài 1 km, rộng 43 m, cùng với đó là cầu vượt sông Đuống dài 0,3 km, rộng 44 m và cầu vượt đê tả Đuống dài 0,08 km, rộng 35 m. Hệ thống cầu dẫn phía Tây Hồ và Long Biên có tổng chiều dài 1,4 km, rộng từ 27,5 m đến 44 m, trong khi cầu dẫn phía Đông Anh (vượt trục TC13) dài khoảng 0,4 km, rộng 35 m.
Ngoài cầu, dự án còn bao gồm đường dẫn hai đầu cầu. Đường dẫn phía Tây Hồ có cầu cạn và đường song hành, trong khi đường dẫn phía Đông Anh được quy hoạch rộng 60 m, ngoại trừ phần đã đầu tư trong dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia và khu đô thị mới tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm. Dọc tuyến cũng sẽ có các nút giao quan trọng như nút giao với trục TC5, nút giao Bãi Giữa và nút giao với trục TC13.
Bên cạnh đó, công trình sẽ có hầm chui với quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, tổng chiều dài phần hầm khoảng 1,265 km, trong đó bao gồm hầm kín trước Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia (0,16 km), hầm kín tại nút giao đường Trường Sa (0,1 km) và hầm hở nối giữa hai hầm kín (1,05 km).
Dự án sẽ được chia thành 4 phần, bao gồm ba dự án giải phóng mặt bằng và một dự án đầu tư xây dựng. Với tổng mức đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng, nguồn vốn sẽ được huy động từ ngân sách thành phố Hà Nội.
Các nút giao trên tuyến cầu Tứ Liên sẽ gồm: nút giao với trục TC5, nút giao Bãi Giữa, nút giao với trục TC13, và nút giao với đường LK52 (Vĩnh Ngọc - Xuân Canh - Đông Ngàn), dự kiến sẽ được nghiên cứu đầu tư trong các dự án khác.
Dự án này sẽ kéo dài từ năm 2025 đến 2027, với kỳ vọng hoàn thành trước năm 2027.
Theo UBND thành phố Hà Nội, việc triển khai dự án cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu sẽ cải thiện kết nối giao thông qua sông Hồng, thúc đẩy đô thị hóa khu vực, giảm áp lực giao thông cho trung tâm thành phố và giảm tải cho các cầu hiện hữu như Chương Dương, Long Biên, Nhật Tân, Thăng Long và Vĩnh Tuy. Dự án cũng góp phần hoàn thiện quy hoạch chung của Thủ đô, đảm bảo an ninh quốc phòng và phát triển không gian đô thị hiện đại hai bên sông Hồng.
Trước đó, vào tháng 10/2024, Tập đoàn Vingroup đã đề xuất tham gia đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Đến tháng 11/2024, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Sỹ Thanh, đã thống nhất chủ trương đầu tư dự án này.
Dự kiến, tờ trình về dự án sẽ được xem xét và thông qua tại kỳ họp chuyên đề của HĐND thành phố Hà Nội vào ngày 25/2/2025.
Trước khi xem xét phê duyệt dự án cầu Tứ Liên, thành phố Hà Nội đã thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng ba cây cầu lớn vượt sông Hồng trong giai đoạn 2025-2030, bao gồm: cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi. Các dự án này sẽ được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công, nhằm cải thiện hạ tầng giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Ngoài ra, thành phố cũng đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường dẫn hai đầu cầu, với tổng chiều dài 5,226 km và tổng mức đầu tư hơn 7.302 tỷ đồng. Dự án này nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực.
Bên cạnh đó, Hà Nội đang tập trung nguồn lực để xây dựng thêm 9 cầu vượt sông Hồng, trong đó đã phê duyệt dự án cho 3 cầu: Hồng Hà, Mễ Sở và Vân Phúc. Việc đầu tư này nhằm tăng cường kết nối giao thông, giảm tải cho các cầu hiện có và thúc đẩy phát triển đô thị hai bên bờ sông Hồng.
Sự xuất hiện của cầu Tứ Liên và các cây cầu mới khác dự kiến sẽ làm tăng giá trị bất động sản ở các khu vực xung quanh. Các chuyên gia bất động sản nhận định rằng các quận như Long Biên, Đông Anh sẽ trở thành điểm nóng thu hút nhà đầu tư và người mua nhà, khi khoảng cách giữa các khu vực ngoại thành và trung tâm Hà Nội được rút ngắn.
Theo giới quan sát, việc xây dựng các cây cầu mới đã tác động mạnh đến thị trường bất động sản xung quanh. Điển hình như dự án cầu Trần Hưng Đạo khiến giá đất khu vực Long Biên tăng mạnh, với mức giá trung bình từ 150-250 triệu đồng/m². Cầu Tứ Liên cũng được kỳ vọng sẽ đẩy giá đất ở khu vực Đông Anh lên cao nhờ kết nối thuận tiện với trung tâm Hà Nội.
Tuy nhiên, cũng có những cảnh báo về khả năng tạo ra "sóng" giá đất, có thể dẫn đến tình trạng bong bóng bất động sản. Các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ về quy hoạch, tiến độ triển khai và tiềm năng phát triển thực sự của khu vực trước khi quyết định rót vốn.
Tâm An