(QK7 Online) - Sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố về việc chưa công nhận quy chế nền kinh tế thị trường (KTTT) ở Việt Nam, lợi dụng điều này, các thế lực thù địch, phản động đưa ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc bản chất, phủ định thành tựu của nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta.
Chúng tăng cường các chiêu trò bôi đen, đả phá nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam, cổ xúy việc Mỹ chưa công nhận quy chế KTTT cho Việt Nam. Mục đích chống phá Đảng, Nhà nước ta, xuyên tạc lấy cớ phải có sự chuyển hướng, thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam, loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chuyển sang đa nguyên, đa đảng thì mới có thể phát triển KTTT.
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới”. Có thể thấy, từ năm 1986 đến nay Đảng ta luôn kiên trì thực hiện nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, tạo ra một bản sắc mới của riêng Việt Nam.
Gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam luôn nằm trong nhóm những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, với mức tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm. Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) không ngừng được mở rộng, năm 2023 đạt khoảng 4.300 tỷ đôla Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người tăng 58 lần, lên mức khoảng 4.300 đôla Mỹ năm 2023; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008 và đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
Việc hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và đa dạng đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế nước ta. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam được mở rộng đến 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân trên 10%/năm. Môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá về nền KTTT của Việt Nam: “Từng là một trong những quốc gia nghèo nhất vào giữa những năm 1980, Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp vào năm 2010. Công cuộc Đổi mới năm 1986 đã khởi đầu một quá trình chuyển đổi kinh tế trên diện rộng, xóa bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa, mở cửa nền kinh tế, bước ra thị trường và thương mại quốc tế, đồng thời khởi xướng các cải cách theo hướng ủng hộ các hoạt động đầu tư, kinh doanh. Sau những chính sách này, Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đưa đất nước trở thành nền KTTT mới nổi chỉ trong vòng 25 năm”. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng ghi nhận, chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang KTTT đã giúp Việt Nam đạt nhiều thành tựu. Hiện tại, Việt Nam là một trong những quốc gia năng động nhất khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.
Đến nay 72 nước đã công nhận Việt Nam là nền KTTT, bao gồm các nền kinh tế lớn như Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh … Việt Nam cũng đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với hơn 60 đối tác thương mại trên thế giới. Những thành tựu đổi mới của Việt Nam đã cho thấy, việc xây dựng nền KTTT định hướng XHCN không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết rất tốt những vấn đề xã hội.
Chính nhờ sự kiên định trong việc phát triển KTTT theo định hướng XHCN, hòa nhập nhưng không hòa tan, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Mỗi chúng ta cần nêu cao cảnh giác với các thế lực thù địch lợi dụng việc Mỹ chưa công nhận quy chế KTTT cho Việt Nam để đưa ra những luận điệu sai trái, phủ nhận kết quả lãnh đạo của Đảng, xuyên tạc đường lối phát triển nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam.
Trần Rô