Theo Kế hoạch, tỉnh Ninh Thuận sẽ chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ xây dựng, hoàn thiện thể chế của Vùng, xác định những đề án trọng tâm, trọng điểm có ý nghĩa tạo đột phá cho phát triển Vùng, phát triển ngành (cả nước).
Đồng thời, chủ động nghiên cứu xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, đề án, chương trình phù hợp với yêu cầu phát triển tỉnh Ninh Thuận và quy định pháp luật để huy động các nguồn lực thực hiện quy hoạch; trong đó, nghiên cứu xây dựng các đề án thay thế (nếu cần thiết) để bảo đảm duy trì ổn định công tác quản lý nhà nước và định hướng phát triển của tỉnh.
Một số quy hoạch, chương trình, đề án, cơ chế chính sách phát triển quan trọng của tỉnh Ninh Thuận: Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch Quốc gia Ninh Chữ; Đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh; Đề án xây dựng trung tâm quốc gia về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận; Đề án xây dựng Trung tâm Công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại Ninh Thuận; Đề án phát triển sản xuất vùng tưới hệ thống thủy lợi Tân Mỹ…
Cũng theo Kế hoạch, tỉnh Ninh Thuận phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, kết nối nội vùng và liên vùng; tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển theo "4 vùng lãnh thổ, 3 vùng động lực và 03 hành lang phát triển" được xác định trong Quy hoạch tỉnh.
Ưu tiên đầu tư các dự án, chương trình có sức lan tỏa, có vị trí, ý nghĩa quan trọng, giải quyết nhu cầu bức thiết về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trọng tâm là Hạ tầng thiết yếu thúc đẩy 5 cụm ngành quan trọng, đột phá trong Quy hoạch tỉnh, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng cho phát triển kinh tế biển, hạ tầng phát triển kinh tế đô thị, các khu công nghiệp, hạ tầng thông tin và truyền thông, chuyển đổi số và hạ tầng thủy lợi, bảo vệ nguồn nước.
Tỉnh cũng tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đối với dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, tỉnh Ninh Thuận sẽ huy động tối đa nguồn vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI, nhất là các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có tiềm lực mạnh, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh đầu tư, sản xuất kinh doanh phát triển nhanh, bền vững, tạo động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp khác; ưu tiên thu hút đầu tư vào 05 cụm ngành quan trọng, đột phá đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh.
Đồng thời, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định; nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các chính sách khuyến khích của tỉnh về đầu tư, khởi nghiệp, kinh doanh đổi mới công nghệ, phát triển ngành năng lượng, năng lượng tái tạo, phát triển mạnh các loại hình du lịch chất lượng cao và các sản phẩm công nghiệp chủ lực, các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu ứng dụng công nghệ cao.
Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và mở rộng thị trường xuất khẩu. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.
Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư toàn tỉnh Ninh Thuận lũy kế đến năm 2030 cần khoảng 270.000-280.000 tỷ đồng
Lê Lê