Ngày 15/5, UBND tỉnh Sóc Trăng vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành phố về việc đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển tỉnh Sóc Trăng, phục vụ các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường về thí điểm đầu tư xây dựng công trình đường bộ, theo Tuổi Trẻ Online.
Sóc Trăng đề nghị các tỉnh đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển làm cao tốc
Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” đã có kết quả bước đầu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đánh giá được tài nguyên khoáng sản cát biển khu B1 tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng cấp 333 và cấp 222 đạt 680 triệu m3. Trong đó, cấp tài nguyên 222 là 145 triệu m3 có thể đáp ứng được nhu cầu nguồn vật liệu xây dựng, san lấp phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các tuyến đường cao tốc vùng ĐBSCL.
UBND tỉnh Sóc Trăng cũng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bàn giao hồ sơ, tài liệu liên quan đến kết quả đánh giá tài nguyên cát biển khu B1 cho tỉnh Sóc Trăng để quản lý, khai thác, sử dụng theo quy định.
Nhằm tổng hợp nhu cầu sử dụng cát biển tỉnh Sóc Trăng phục vụ các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù, UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị các tỉnh, thành đăng ký cụ thể về nhu cầu, địa điểm sử dụng cát biển đối với 21 dự án trước ngày 27/5 để tỉnh tổng hợp, báo cáo Thủ tướng và xin ý kiến Bộ, ngành Trung ương.
Đồng thời, tỉnh Sóc Trăng đề nghị nhà thầu thi công các dự án liên hệ tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để được hướng dẫn về thủ tục đăng ký khai thác theo quy định.
Được biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ triển khai thi công 16 dự án giao thông trọng điểm được áp dụng chính sách đặc thù cho việc khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường.
Tổng nhu cầu vật liệu đắp nền đường cho các dự án này khoảng 70 triệu m3. Tuy nhiên, do thiếu nguồn cát san lấp nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ hoàn thành.
Thúy Hà