PV: Bác Hà Văn Cán đã viết: “Cảm ơn các thủ trưởng sư đoàn đã giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền vừa hồng, vừa chuyên, tận tâm với công việc, sống có nghĩa, có tình...”. Nghe những lời khen ấy, chính ủy sư đoàn có cảm tưởng gì?
Thượng tá Đỗ Xuân Tụng: Là người lãnh đạo, chỉ huy, chúng tôi cảm thấy rất vui vì cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã giao tiếp, ứng xử có văn hóa nên để lại ấn tượng tốt đẹp cho mọi người khi đến thăm, làm việc tại đơn vị. Trong suốt thời gian qua, chúng tôi thường xuyên, bền bỉ để tạo dựng, bồi đắp nhân cách, văn hóa cho quân nhân.
PV: Vậy những việc làm đó là gì, thưa đồng chí?
Thượng tá Đỗ Xuân Tụng: Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của yếu tố văn hóa có ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến việc xây dựng, hoàn thiện nhân cách quân nhân và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, Đảng ủy-chỉ huy sư đoàn đã xác định: Phải làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi hoạt động quân sự, xây dựng mỗi cơ quan, đơn vị là một điểm sáng văn hóa, xây dựng mỗi quân nhân trở thành một chiến sĩ văn hóa. Biện pháp cơ bản nhất là thường xuyên định hướng, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ các cấp phải sống có văn hóa, làm việc có văn hóa, lãnh đạo, chỉ huy có văn hóa. Điều này được cụ thể hóa đến từng đối tượng cán bộ. Đối với cán bộ trung đội, đại đội, trọng tâm là giao tiếp, ứng xử có văn hóa với bộ đội, gần gũi, yêu thương và tôn trọng chiến sĩ, tạo điều kiện cho anh em rèn luyện, phấn đấu trưởng thành, tiến bộ. Đối với cán bộ tiểu đoàn, trung đoàn, trọng tâm là nêu cao trách nhiệm, gương mẫu về lời nói và việc làm, quan tâm chăm lo tạo điều kiện thuận lợi để cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị không chỉ có đời sống vật chất tốt, mà còn được hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú. Đối với cán bộ sư đoàn, trọng tâm là giữ gìn tư cách đạo đức, lối sống văn hóa, thật sự mực thước về suy nghĩ và việc làm, xứng đáng là đội ngũ cốt cán để trở thành những tấm gương lan tỏa trong toàn đơn vị.
PV: Đối với chiến sĩ là lực lượng đông đảo nhất đơn vị, sư đoàn đã chú ý đến vấn đề gì để yếu tố văn hóa ngày càng thấm sâu vào trái tim, khối óc bộ đội?
Thượng tá Đỗ Xuân Tụng: Trước hết là giáo dục chiến sĩ có ý thức vượt khó, tự khép mình vào khuôn khổ tổ chức, nắm vững và thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, đề cao thái độ sống có văn hóa, sống có trách nhiệm với đồng đội, với tập thể, ứng xử chan hòa với anh em đồng chí. Là đơn vị có nhiều thành phần chiến sĩ thuộc nhiều dân tộc thiểu số với phong tục, tập quán khác nhau, vì vậy, chúng tôi đã chú trọng giáo dục bộ đội nêu cao tinh thần đoàn kết, gắn bó, tôn trọng truyền thống, bản sắc văn hóa của nhau; đồng thời tạo môi trường, cơ hội thuận lợi để bộ đội có thể phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc mình thông qua việc tăng cường tổ chức các buổi sinh hoạt, giao lưu văn nghệ tập thể, tìm hiểu phong tục, tập quán của các dân tộc thiểu số trên địa bàn Quân khu 2...
PV: Chúng tôi được biết, chú trọng chăm lo cho những quân nhân có điều kiện khó khăn cũng là một trong những nét đẹp văn hóa của sư đoàn. Đồng chí có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Thượng tá Đỗ Xuân Tụng: Là sư đoàn chủ lực đủ quân, hằng năm chúng tôi tiếp nhận một số lượng lớn chiến sĩ nhập ngũ từ các tỉnh trên địa bàn Tây Bắc. Trong số đó, nhiều chiến sĩ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Thông qua “Hồ sơ thông tin chiến sĩ”, chúng tôi đã nắm rõ hoàn cảnh các chiến sĩ này để có biện pháp động viên kịp thời, phù hợp như: Viết thư động viên thăm hỏi gia đình; vận động cán bộ, chiến sĩ quyên góp, ủng hộ những gia đình chiến sĩ đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện về thời gian cho chiến sĩ đi tranh thủ về thăm gia đình, vợ con... Qua theo dõi, hiện nay sư đoàn có 12 quân nhân hiếm muộn. Đối với các trường hợp này, ngoài việc hợp lý hóa về công việc, điều chỉnh vị trí công tác để có điều kiện gần gia đình, sư đoàn còn thường xuyên tạo thuận lợi về thời gian cho đi khám sức khỏe theo nguyện vọng của cá nhân. Qua tìm hiểu, thống kê, hiện toàn sư đoàn có hơn 60 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp gần 30 tuổi trở lên chưa lập gia đình. Với các trường hợp này, chúng tôi vừa tế nhị động viên, vừa tạo điều kiện cho anh em về tranh thủ cuối tuần, tăng cường giao lưu kết nghĩa với các đoàn thể, nhà trường trên địa bàn để anh em có cơ hội hơn trong việc gặp gỡ, tìm hiểu, kết thân.
PV: Nếu khái quát một cách ngắn gọn, đồng chí có thể nói gì về “phong cách văn hóa quân nhân mang nét đặc trưng của sư đoàn 316” mà toàn đơn vị đang tập trung xây dựng, hướng tới?
Thượng tá Đỗ Xuân Tụng: Đó là hình ảnh quân nhân Sư đoàn 316 vừa mang những nét văn hóa chung của Bộ đội Cụ Hồ, vừa thấm nhuần tinh thần cộng đồng sâu sắc, hội tụ ý chí vượt khó, vượt qua hoàn cảnh, vượt lên chính mình để thực hiện tốt mọi nhiệm vụ, xứng đáng là những người chiến sĩ kiên trung trên địa bàn Tây Bắc của Tổ quốc.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
HẢI KIÊN(thực hiện)
20436 lượt xem