Một đoạn đường trên địa bàn huyện Hoài Đức. Ảnh: Tiền Phong
Theo đó, thành phố phê duyệt điều chỉnh danh mục đề xuất bổ sung vào kế hoạch quy hoạch gồm: Quy hoạch phân khu đô thị phía Tây Vành đai 4 - Phân đoạn 1 (Bắc sông Hồng); Quy hoạch phân khu đô thị phía Tây Vành đai 4 - Phân đoạn 2 (từ Nam sông Hồng đến Đại lộ Thăng Long); Quy hoạch phân khu đô thị phía Tây Vành đai 4 - Phân đoạn 3 (từ Đại lộ Thăng Long đến trục đường Ngọc Hồi - Phú Xuyên) và Quy hoạch phân khu đô thị phía Tây Vành đai 4 - Phân đoạn 4 (từ tuyến đường Ngọc Hồi - Phú Xuyên đến đê sông Hồng).
Trong đó, Quy hoạch phân khu đô thị phía Tây Vành đai 4 – Phân đoạn 1 (Bắc sông Hồng) có quy mô 3.300ha, được thực hiện trên phạm vi các xã: Hiền Ninh, Thanh Xuân, Tân Dân (huyện Sóc Sơn) và các xã: Kim Hoa, Thanh Lâm, Thạch Đà, Hoàng Kim, Tam Đồng, Văn Khê (huyện Mê Linh).
Quy hoạch phân khu đô thị phía Tây Vành đai 4 - Phân đoạn 2 (từ Nam sông Hồng đến Đại lộ Thăng Long) có quy mô 3.100ha, được thực hiện trên phạm vi thị trấn Phùng và các xã Hồng Hà, Hạ Mỗ, Song Phương (huyện Đan Phượng) và các xã: Cát Quế, Tiền Yên, Đức Thượng, Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, Yên Sở, Đắc Sở, Tiền Yên, Vân Côn (huyện Hoài Đức).
Quy hoạch phân khu đô thị phía Tây Vành đai 4 - Phân đoạn 3 (từ Đại lộ Thăng Long đến trục đường Ngọc Hồi - Phú Xuyên) có quy mô 4.980ha, được thực hiện trên phạm vi các phường Đồng Mai, Yên Nghĩa (quận Hà Đông); các xã Đông La, Vân Côn, An Thượng, Đông La (huyện Hoài Đức) và các xã Bích Hòa, Bình Minh, Cự Khê, Tam Hưng, Thanh Thùy, Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai).
Quy hoạch phân khu đô thị phía Tây Vành đai 4 - Phân đoạn 4 (từ tuyến đường Ngọc Hồi - Phú Xuyên đến đê sông Hồng) có quy mô 4.900 ha, được thực hiện trên phạm vi các xã Hòa Bình, Liên Phương, Vân Tảo, Hồng Vân, Hà Hồi, Quất Động và thị trấn Thường Tín (huyện Thường Tín).
Đơn vị lập là Ban Quản lý đồ án quy hoạch kiến trúc, thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, với nguồn vốn từ ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện và hoàn thành dự kiến trong năm 2025.
Theo thiết kế, đường Vành đai 4 Hà Nội sẽ gồm 6 làn xe cao tốc và đường gom đô thị. Mặt đường rộng từ 90 m đến 135m. Chiều dài toàn tuyến là 112,8km; đi qua 15 quận, huyện, thị xã, thành phố gồm: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín (Hà Nội), Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm (Hưng Yên); Thuận Thành, Gia Bình, Quế Võ, thành phố Bắc Ninh (Bắc Ninh); trong đó đoạn qua Hà Nội dài 58,2km, đoạn qua Hưng Yên dài 19,3km và đoạn qua Bắc Ninh 35,3km. Đường Vành đai 4 sẽ vượt các sông Hồng, sông Đuống. Vị trí bắt đầu đường Vành Đai 4 Vùng Thủ đô khu vực phía Tây thành phố Hà Nội nằm trên huyện Đan Phượng là đê Hữu Hồng, nơi giáp ranh với sông Hồng nối sang huyện Mê Linh (thành phố Hà Nội) với dự án cầu Hồng Hà sẽ được khởi công trong thời gian tới. Dự án cắt ngang Đại lộ Thăng Long và sẽ có một dự án cầu vượt rất lớn được thi công ở đây. Chi phí dự kiến cho dự án là 65 nghìn tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức BOT. Đường Vành đai 4 chính thức khởi công xây dựng vào ngày 25/6/2023 và dự kiến hoàn thành vào năm 2027. Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, với quỹ đất lớn, đô thị hai bên Vành đai 4 sẽ là cơ sở để thực hiện hóa giấc mơ đô thị xanh, đô thị thông minh cho Vùng Thủ đô. |
Tâm An