Năm 2021, các học viện, trường trong Quân đội tiếp tục thực hiện tuyển sinh theo phương án: Sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng quân sự, cụ thể:
I. TỔ CHỨC SƠ TUYỂN ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG QUÂN SỰ
1. Các học viện, trường tuyển sinh
a) Đào tạo đại học quân sự Gồm 17 trường:
- 07 học viện: Kỹ thuật quân sự, Quân y, Biên phòng, Phòng không - Không quân, Khoa học quân sự, Hậu cần và Hải quân;
- 10 trường sĩ quan: Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Pháo binh binh, Thông tin, Không quân, Tăng Thiết giáp, Đặc công và Phòng hóa.
b) Đào tạo cao đẳng quân sự Gồm 01 trường: Trường Sĩ quan Không quân;
2. Đối tượng tuyển sinh
a) Đào tạo đại học quân sự
- Hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự, có thời gian phục vụ tại ngũ 12 tháng trở lên, tính đến tháng 4 năm tuyển sinh (quân nhân nhập ngũ từ năm 2020 trở về trước); Quân nhân chuyên nghiệp; Công nhân và viên chức quốc phòng phục vụ trong quân đội đủ 12 tháng trở lên, tính đến tháng 9 năm tuyển sinh.
Các đối tượng quy định tại mục này, nếu có nguyện vọng đăng ký dự tuyển, các đơn vị tổ chức sơ tuyển, lập hồ sơ sơ tuyển những trường hợp đủ tiêu chuẩn, nộp cho các trường theo đúng quy trình, nhưng phải bảo đảm đủ quân số thực hiện nhiệm vụ và sẵn sàng chiến đấu;
- Nam thanh niên ngoài Quân đội (kể cả quân nhân đã xuất ngũ và công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia công an nhân dân), số lượng đăng ký dự tuyển không hạn chế;
- Nữ thanh niên ngoài Quân đội và nữ quân nhân:
+ Tuyển 10% chỉ tiêu cho các ngành: Bác sĩ quân y tại Học viện Quân y và các ngành ngoại ngữ tại Học viện Khoa học quân sự,
+ Tuyển không quá 06% trên tổng chỉ tiêu vào đào tạo các ngành: Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Điện tử Y sinh, Khí tài quang, Địa tin học tại Học viện Kỹ thuật quân sự;
Đối với các ngành được giao tuyển sinh thí sinh nữ, mỗi ngành tuyển ít nhất 02 thí sinh.
Năm 2021, không tuyển sinh đào tạo ngành Tài chính tại Học viện Hậu cần và ngành Quan hệ quốc tế về quốc phòng tại Học viện Khoa học quân sự.
b) Đào tạo cao đẳng quân sự
Đối tượng tuyển sinh thực hiện như đào tạo đại học quân sự.
3. Về độ tuổi của thí sinh (tính đến năm dự tuyển)
a) Thanh niên ngoài Quân đội từ 17 đến 21 tuổi.
b) Quân nhân tại ngũ hoặc đã xuất ngũ và công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia công an nhân dân từ 18 đến 23 tuổi.
4. Vùng tuyển sinh
a) Đối với Trường Sĩ quan Lục quân 1 và Trường Sĩ quan Lục quân 2
- Trường Sĩ quan Lục quân 1: Tuyển thí sinh có hộ khẩu thường trú từ tỉnh Quảng Bình trở ra phía Bắc;
- Trường Sĩ quan Lục quân 2: Tuyển thí sinh có hộ khẩu thường trú từ tỉnh Quảng Trị trở vào phía Nam (thí sinh phải có hộ khẩu thường trú tính đến tháng 9 năm dự tuyển, phải đủ 3 năm thường trú liên tục trở lên và có ít nhất năm lớp 12 học và dự thi tốt nghiệp THPT tại các tỉnh phía Nam); xác định điểm chuẩn và chỉ tiêu tuyển sinh theo địa bàn từng quân khu (trong tổng chỉ tiêu của trường), như sau: Quân khu 4 (tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên-Huế): 03%, Quân khu 5: 37%, Quân khu 7: 35%, Quân khu 9: 25%.
b) Học viện Biên phòng tuyển 45% chỉ tiêu thí sinh có hộ khẩu thường trú ở phía Bắc (từ tỉnh Quảng Bình trở ra), thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh phía Nam được xác định đến từng quân khu: Quân khu 4 (tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên Huế): 04 %, Quân khu 5: 14%, Quân khu 7: 17%, Quân khu 9: 20%.
c) Các học viện: Quân y, Kỹ thuật quân sự, Hậu cần, Hải quân, Phòng không - Không quân và các trường sĩ quan: Chính trị, Pháo binh, Tăng - Thiết giáp, Phòng hóa, Đặc công, Công binh, Thông tin tuyển 65% chỉ tiêu thí sinh có hộ khẩu thường trú ở phía Bắc, 35% chỉ tiêu thí sinh có hộ khẩu thường trú ở phía Nam.
d) Học viện Khoa học quân sự:
- Ngành Trinh sát kỹ thuật tuyển 75% chỉ tiêu thí sinh có hộ khẩu thường trú ở phía Bắc, 25% chỉ tiêu thí sinh có hộ khẩu thường trú ở phía Nam;
- Các ngành đào tạo ngoại ngữ: Không phân chia theo vùng miền (thực hiện một điểm chuẩn chung cho cùng một đối tượng thí sinh nam hoặc đối tượng thí sinh nữ trong cả nước).
e) Trường Sĩ quan Không quân: Không phân chia theo vùng miền (thực hiện một điểm chuẩn chung cho thí sinh nam trong cả nước).
g) Thí sinh có hộ khẩu thường trú phía Nam được tính từ Quảng Trị trở vào. Thời gian được tính hộ khẩu thường trú phía Nam tính đến tháng 9 năm dự tuyển phải đủ 03 năm thường trú liên tục trở lên và có ít nhất năm lớp 12 học và dự thi tốt nghiệp THPT tại các tỉnh phía Nam.
Ban TSQS các đơn vị, địa phương lập danh sách những thí sinh có hộ khẩu thường trú phía Nam nhưng không đủ điều kiện được tính điểm chuẩn theo khu vực phía Nam, bàn giao cho các học viện, trường cùng với hồ sơ đăng ký sơ tuyển của thí sinh.
5. Về hồ sơ
- Mỗi thí sinh phải làm 2 loại hồ sơ riêng biệt: 01 bộ hồ sơ đăng ký so tuyển do Ban TSQS Bộ Quốc phòng phát hành, 01 bộ hồ sơ đăng ký dự kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT phát hành;
- Mẫu biểu hồ sơ sơ tuyển: Ban TSQS Bộ Quốc phòng phát hành hồ sơ sơ tuyển thống nhất như năm 2020,
6. Thời gian tổ chức sơ tuyển và đăng ký sơ tuyển
a) Thời gian tổ chức sơ tuyển
- Ban TSQS các đơn vị, địa phương cấp tỉnh và tương đương tổ chức triển khai nhiệm vụ công tác tuyển sinh, sơ tuyển năm 2021 xong trong tháng 2-2021;
- Tổ chức sơ tuyển: Từ ngày 1-3-2021 đến ngày 25-4-2021.
b) Đăng ký sơ tuyển
- Thí sinh là thanh niên ngoài Quân đội đăng ký sơ tuyển và mua hồ sơ sơ tuyển tại Ban TSQS cấp huyện (quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh thành phố trực thuộc trung ương), nơi thí sinh đăng ký hộ khẩu thường trú (gọi chung là Ban TSQS cấp huyện); thí sinh là quân nhân đang tại ngũ đăng ký sơ tuyển và mua hồ sơ sơ tuyển tại đơn vị cấp trung đoàn hoặc tương đương (gọi chung là Ban TSQS cấp trung đoàn);
- Khi đăng ký sơ tuyển, thí sinh phải đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào trường nộp hồ sơ sơ tuyển; các nguyện vọng còn lại thí sinh đăng ký vào các trường ngoài Quân đội (thực hiện đăng ký theo quy định của Bộ GD&ĐT);
- Các trường Quân đội và trường Công an đều chỉ xét tuyển đối với thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất), Ban TSQS cấp huyện thông báo rộng rãi, hướng dẫn thí sinh chỉ làm hồ sơ sơ tuyển vào 1 trong 2 khối trường (thí sinh đã tham gia sơ tuyển vào các trường thuộc Bộ Công an thì không tham gia sơ tuyển vào các trường thuộc Bộ Quốc phòng) và chủ động phối hợp với cơ quan Công an cấp huyện để đối chiếu danh sách.
7. Kê khai và nộp hồ sơ sơ tuyển
- Thí sinh phải tự mình viết kê khai các mẫu biểu, hồ sơ đăng ký sơ tuyển bằng một loại mực (xanh hoặc đen) và trực tiếp đến nộp hồ sơ đăng ký sơ tuyển theo đúng thời gian quy định tại Ban TSQS cấp huyện (đối với thanh niên ngoài Quân đội) hoặc tại Ban TSQS cấp trung đoàn (đối với quân nhân đang tại ngũ);
- Do mỗi trường có các tiêu chuẩn khác nhau, nhất là về tiêu chuẩn sức khỏe, vì vậy thí sinh phải đăng ký sơ tuyển và đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào một trường Quân đội và chỉ được đăng ký một nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất ngay từ khi sơ tuyển. Ban TSQS Bộ Quốc phòng phối hợp với các học viện, nhà trường kiểm tra toàn bộ danh sách thí sinh đăng ký sơ tuyển; trường hợp phát hiện thí sinh nộp từ 2 hồ sơ sơ tuyển trở lên, sẽ bị loại khỏi danh sách (không được đăng ký xét tuyển vào hệ quân sự của các trường trong Quân đội); cán bộ trực tiếp làm hồ sơ cho thí sinh và Ban TSQS đơn vị, địa phương có hồ sơ bị loại do làm 02 hồ sơ sơ tuyển trở lên sẽ bị xử lý vi phạm theo Khoản 2, Diều 83, Thông tư số 22 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 28 và Thông tư số 64);
- Trong hồ sơ đăng ký sơ tuyển TSOS, các thí sinh thuộc diện được cộng điểm ưu tiên theo đối tượng, nộp 01 giấy chứng nhận được hưởng ưu tiên hợp lệ;
- Khi đến nộp hồ sơ đăng ký sơ tuyển TSQS, thí sinh phải mang theo giấy chứng minh nhân dân (hoặc thẻ căn cước công dân), sổ hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân khác để cán bộ thu hồ sơ đối chiếu (thí sinh không phải nộp bản sao học bạ THPT hoặc bản sao trích lục học bạ THPT);
- Ban TSQS cấp huyện và Ban TSQS cấp trung đoàn, có trách nhiệm phối hợp với các địa điểm đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trên địa bàn; các trường THPT, Trung tâm giáo dục thường xuyên và Sở GD&ĐT địa phương để kiểm tra, đối chiếu danh sách thí sinh đủ điều kiện sơ tuyển với danh sách thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021;
- Những thí sinh không đủ tiêu chuẩn sơ tuyển vào các trường Quân đội, Ban TSQS cấp huyện và Ban TSQS cấp trung đoàn phải có kết luận rõ, công khai và thông báo bằng văn bản tới thí sinh.
8. Ảnh hồ sơ sơ tuyển
Thực hiện theo Khoản 3, Điều 19 Thông tư số 22 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 28 và Thông tư số 64).
- Mỗi thí sinh nộp 04 ảnh chân dung cỡ 4 x 6 cm, ảnh chụp thẳng (kiểu chứng minh nhân dân), trên nền phông màu xanh hoặc vàng, ảnh phải rõ, cùng kiểu, cùng loại, chưa qua xử lý bằng các phần mềm xử lý ảnh và mới chụp trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm đăng ký dự tuyển;
- Trường hợp không tổ chức chụp ảnh tập trung, thí sinh phải trực tiếp đến nộp ảnh cùng với hồ sơ sơ tuyển, cán bộ chuyên trách tuyển sinh khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển phải đối chiếu ảnh, người thật, giấy chứng minh nhân dân (hoặc thẻ căn cước công dân) và các giấy tờ tùy thân của thí sinh.
9. Tiêu chuẩn sức khỏe và tổ chức khám sơ tuyển sức khỏe
a) Tiêu chuẩn sức khỏe
- Tuyển chọn thí sinh (cả nam và nữ) đạt Điểm 1 và Điểm 2 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30/6/2016 của liên Bộ Y tế - Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự (sau đây viết tắt là Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP), theo các chỉ tiêu: thể lực (trừ chiều cao, cân nặng có quy định riêng); mắt (trừ tật khúc xạ cận thị có quy định riêng); tai-mũi-họng; răng-hàm-mặt; nội khoa; tâm thần kinh; ngoại khoa da liễu và sản phụ khoa (đối với nữ);
- Một số tiêu chuẩn quy định riêng cho từng đối tượng, như sau:
+ Các trường đào tạo sĩ quan chỉ huy, chính trị, hậu cần, gồm các học viện: Hậu cần, Phòng không - Không quân, Hải quân, Biên phòng và các trường sĩ quan: Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Pháo binh, Công binh, Tăng - Thiết giáp, Thông tin, Đặc công, Phòng hóa:
Thể lực: Thí sinh nam cao từ 1,65 m trở lên, cân nặng từ 50 kg trở lên;
Mắt: Không tuyển thí sinh mắc tật khúc xạ cận thị.
+ Các trường đào tạo sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, gồm các học viện: Kỹ thuật quân sự, Quân y, Khoa học quân sự; Hệ đào tạo kỹ sư hàng không thuộc Học viện Phòng không - Không quân; Hệ đào tạo cao đẳng quân sự tại Trường Sĩ quan Không quân:
Thể lực: Thí sinh nam cao từ 1,63 m trở lên, cân nặng từ 50 kg trở lên; thí sinh nữ (nếu có) phải đạt Điểm 1 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP (cao từ 1,54 m trở lên, cân nặng từ 48 kg trở lên),
Mắt: Được tuyển thí sinh (cả nam và nữ) mắc tật khúc xạ cận thị không quá 3 đi-ốp, kiểm tra thị lực sau chỉnh kính đạt Điểm 1 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP.
+ Thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên thuộc khu vực 1, hải đảo và thí sinh là người dân tộc thiểu số, dự tuyển vào các trường: Được tuyển thí sinh (cả nam và nữ) có thể lực đạt Điểm 1 và Điểm 2 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP, những thí sinh nam phải đạt chiều cao từ 1,62 m trở lên;
+ Thí sinh nam là người dân tộc thiểu số thuộc 16 dân tộc rất ít người theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người (gồm các dân tộc: Cống, Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ở Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lụ, Pà Thẻn, La Hủ) dự tuyển vào tất cả các trường: Được lấy chiều cao từ 1,60m trở lên, các tiêu chuẩn khác thực hiện như đối với thí sinh là người dân tộc thiểu số nói chung;
+ Đối tượng đào tạo sĩ quan của các quân, binh chủng nếu tuyển chọn sức khỏe theo các tiêu chuẩn riêng vẫn phải đảm bảo tiêu chuẩn chung;
+ Tuyển sinh phi công tại Trường Sĩ quan Không quân, chỉ tuyển chọn thí sinh đã được Quân chủng Phòng Không - Không quân tổ chức khám tuyển sức khỏe, kết luận đủ điều kiện xét tuyển vào đào tạo phi công quân sự.
b) Tổ chức khám sức khỏe sơ tuyển: Thực hiện theo quy định tại Điều 20 của Thông tư số 22 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 28 và Thông tư số 64). Nếu Bộ Quốc phòng điều chỉnh nội dung khám sơ tuyển, Ban TSQS Bộ Quốc phòng sẽ hướng dẫn bổ sung.
- Thời gian tổ chức khám sức khỏe cho thí sinh đăng ký sơ tuyển vào 2 đợt:
+ Đợt 1 vào tuần 3 và tuần 4 tháng 3 năm 2021;
+ Đợt 2 vào tuần 2 tháng 4 năm 2021.
- Thời gian cụ thể do Ban TSOS các đơn vị, địa phương bố trí cho phù hợp.
Sau khi khám sức khỏe đợt 2, trước khi kết thúc thời gian sơ tuyển (25-4-2021), nếu còn thí sinh đăng ký tham gia sơ tuyển, các địa phương, đơn vị. tiếp tục tổ chức khám sức khỏe cho số thí sinh đăng ký sơ tuyển.
10. Tổ chức xác minh chính trị
Thực hiện theo quy định tại Điều 21 của Thông tư số 22 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 28 và Thông tư số 64) và quy định tại Thông tư số 05/2014/TT-BQP ngày 16/01/2018 của Bộ Quốc phòng Quy định tiêu chuẩn chính trị của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
11. Lệ phí sơ tuyển
Các đơn vị thu lệ phí sơ tuyển theo Khoản 4, Điều 3, Thông tư số 135/2015/TT-BQP ngày 09/12/2015 của Bộ trưởng BQP quy định và hướng dẫn một số chế độ chi tiêu cho hoạt động giáo dục đào tạo tại các cơ sở đào tạo trong Quân đội (lệ phí sơ tuyển đối với thí sinh đăng ký sơ tuyển đại học, cao đẳng và trung cấp quân sự là 50.000đồng/hồ sơ, hồ sơ sơ tuyển giá 5.000đ/hồ sơ).
Năm 2021, việc đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT do Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố tổ chức thu hồ sơ và tổ chức thi, vì vậy Ban TSQS các đơn vị, địa phương không thu phí đăng ký dự thi và phí dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT.
12. Bàn giao hồ sơ sơ tuyển
a) Thời gian bàn giao hồ sơ sơ tuyển
Ban TSQS các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng tổng hợp và bàn giao hồ sơ sơ tuyển về các trường thí sinh đăng ký sơ tuyển và đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất):
- Phía Bắc vào ngày 7-5-2021;
- Phía Nam vào ngày 10-5-2021.
b) Địa điểm bàn giao hồ sơ sơ tuyển
- Phía Bắc: Các đơn vị, địa phương ở phía Bắc bàn giao hồ sơ đăng ký sơ tuyển đại học, cao đẳng và hồ sơ xét tuyển trung cấp chuyên nghiệp quân sự cho các học viện, trường tại Đoàn 871/TCCT (Số 676, đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, thành phố Hà Nội);
- Phía Nam: Các đơn vị, địa phương ở phía Nam bàn giao hồ sơ đăng ký sơ tuyển đại học, cao đẳng và hồ sơ xét tuyển trung cấp chuyên nghiệp quân sự cho các học viện, trường tại Cơ quan đại diện phía Nam Cục Hậu cần - Bộ Tổng Tham mưu (Số 18Bis, đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh).
II. ĐĂNG KÝ DỰ KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT, DÙNG KẾT QUẢ THI XÉT TUYỂN VÀO CÁC HỌC VIỆN, TRƯỜNG TRONG QUÂN ĐỘI
1.Thí sinh là thanh niên ngoài Quân đội
Đăng ký dự thi tại địa điểm do các Sở GD&ĐT quy định.
2. Thí sinh là quân nhân đang tại ngũ
- Mua hồ sơ, làm thủ tục và đăng ký dự thi tại địa điểm của thí sinh tự do (số thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ năm 2020 trở về trước) do các sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố nơi đơn vị quân nhân đang đóng quân quy định;
- Ban TSQS cấp trung đoàn hoặc tương đương chịu trách nhiệm liên hệ, mua hồ sơ, hướng dẫn thí sinh làm thủ tục và đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT cho quân nhân đã sơ tuyển đủ tiêu chuẩn, tuyệt đối không để sai sót dẫn đến thí sinh không được dự thi;
- Thời gian đăng ký dự thi thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT.
3. Về môn thi
- Thí sinh chưa tốt nghiệp THPT phải dự thi các bài thi, môn thi để xét công nhận tốt nghiệp và đăng ký dự thi thêm các bài thi, môn thi phù hợp với bài thi, môn thi trong tổ hợp các môn thi để xét tuyển đại học, cao đẳng do các học viện, trường Quân đội quy định;
- Thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, đăng ký dự thi các bài thi, môn thi phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường đại học, cao đẳng mà thí sinh có nguyện vọng dự tuyển.
Thông tin về tổ hợp các môn thi để xét tuyển vào các học viện, trường trong Quân đội sẽ được đăng trên các trang thông tin điện tử (website của các trường, Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng (http://bqp.vn) và tài liệu "Những điều cần biết về tuyển sinh vào đào tạo đại học, cao đẳng trong Quân đội năm 2021".
III. ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG QUÂN SỰ
1. Đăng ký xét tuyển
Thí sinh phải đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào hệ đào tạo đại học, cao đẳng quân sự tại trường Quân đội đã nộp hồ sơ sơ tuyển; các nguyện vọng còn lại thí sinh đăng ký vào các trường ngoài Quân đội. Các học viện, trường trong Quân đội chỉ xét tuyển vào hệ đào tạo đại học, cao đẳng quân sự đối với các thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất).
2. Điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển
Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Đối với việc điều chỉnh đăng ký xét tuyển vào các trường Quân đội, cho phép thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo nhóm trường theo đúng vùng miền và đối tượng tuyển sinh, như sau:
- Nhóm 1: Gồm các học viện: Hậu cần, Hải quân, Biên phòng, Phòng không-Không quân (hệ Chỉ huy tham mưu) và các trường sĩ quan: Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Đặc công, Pháo binh, Tăng-Thiết giáp, Phòng hóa, Thông tin, Công binh.
- Nhóm 2: Gồm các học viện: Kỹ thuật quân sự, Quân y, Khoa học quân sự, Phòng không-Không quân (hệ Kỹ sư hàng không).
3. Một số điểm lưu ý trong tổ chức xét tuyển
a) Điểm chuẩn tuyển sinh
- Đối với các học viện, trường có xét tuyển đồng thời tổ hợp xét tuyển: Toán, Lý, Hóa (tổ hợp A00) và tổ hợp xét tuyển: Toán, Lý, tiếng Anh (tổ hợp A01): Thực hiện một điểm chuẩn chung cho tổ hợp xét tuyển A00 và tổ hợp xét tuyển A01;
- Học viện Quân y xét tuyển đồng thời tổ hợp xét tuyển: Toán, Lý, Hóa (tổ hợp A00) và tổ hợp xét tuyển: Toán, Hóa, Sinh (Tổ hợp B00): Thực hiện một điểm chuẩn chung cho tổ hợp xét tuyển A00 và tổ hợp xét tuyển B00;
- Thí sinh được tính điểm chuẩn theo hộ khẩu thường trú phía Nam phải có đủ các điều kiện sau:
+ Có hộ khẩu thường trú từ tỉnh Quảng Trị trở vào;
+ Thời gian có hộ khẩu thường trú từ tỉnh Quảng Trị trở vào (tính đến tháng 9 năm dự tuyển) phải đủ 3 năm thường trú liên tục trở lên;
+Có ít nhất năm lớp 12 học và dự thi tốt nghiệp THPT tại các tỉnh phía Nam.
b) Tiêu chí phụ trong xét tuyển
Trong trường hợp có nhiều thí sinh bằng điểm nhau, số thí sinh trúng tuyển vượt quá chỉ tiêu được giao, sử dụng điểm của các môn trong tổ hợp xét tuyển làm các tiêu chí phụ để xét tuyển. Quy định về tiêu chí phụ trong xét tuyển tại các học viện, trường trong Quân đội được cụ thể trong tài liệu "Những điều cần biết về tuyển sinh vào đào tạo đại học, cao đẳng trong Quân đội năm 2021).
IV, TUYỂN SINH NGÀNH QUÂN SỰ CƠ SỞ
1. Tổ chức sơ tuyển
a) Tiêu chuẩn tuyển sinh thực hiện theo Điều 68 Thông tư số 22 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 28 và Thông tư số 64), riêng đối tượng cử tuyển thực hiện theo Nghị định số 141/2020/NĐ-CP ngày 08/12/2020 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số.
b) Tổ chức sơ tuyển thực hiện theo Điều 70 Thông tư số 22 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 28 và Thông tư số 64).
c) Hồ sơ tuyển sinh theo Điều 71 Thông tư số 22 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 28 và Thông tư số 64).
Thí sinh dự tuyển đại học, cao đẳng ngành quân sự cơ sở hệ chính quy phải qua sơ tuyển, đăng ký và dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Quốc phòng mới được đăng ký xét tuyển. Việc sơ tuyển và đăng ký xét tuyển theo chỉ tiêu đã phân bổ cho các quân khu.
Thí sinh dự tuyển đào tạo văn bằng 2, liên thông từ cao đẳng lên đại học, liên thông từ trung cấp lên cao đẳng ngành quân sự cơ sở phải qua sơ tuyển, có đủ tiêu chuẩn theo quy định và tham dự kỳ thi do các trường tổ chức.
2. Đăng ký dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT
- Việc đăng ký dự thi và nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại địa điểm cho thí sinh tự do (số thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ năm 2020 trở về trước) do Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố quy định;
- Ban TSOS các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi và đi dự thi theo đúng quy định.
3. Tổ hợp môn xét tuyển, môn thi, thời gian thi
a) Tổ hợp môn xét tuyển, môn thi:
- Tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy: Tổ hợp môn xét tuyển: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý;
- Tuyển sinh liên thông hệ đào tạo vừa làm vừa học từ trình độ trung cấp lên cao đẳng và từ cao đẳng lên đại học: Thi 3 môn: Ngữ văn; Công tác Đảng, Công tác chính trị và môn Chuyên ngành quân sự địa phương;
- Tuyển sinh đại học văn bằng 2: Thi 2 môn: Tư tưởng Hồ Chí Minh và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.
b) Thời gian thi:
- Tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy: Thời gian thi theo quy định của Bộ GD&ĐT;
- Tuyển sinh liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học hệ vừa làm vừa học và đại học văn bằng 2, thi trong 02 ngày: Ngày 14 và 15 tháng 7 năm 2021.
4. Tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển
Thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều 27 Thông tư số 22 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 28 và Thông tư số 64).
Thí sinh phải đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào hệ đào tạo đại học, cao đẳng quân sự tại trường Quân đội đã nộp hồ sơ sơ tuyển ngành Quân sự cơ sở; các nguyện vọng còn lại thí sinh đăng ký vào các trường ngoài Quân đội.
Trường sĩ quan Lục quân 1 và Trường Sĩ quan Lục quân 2 chỉ xét tuyển vào hệ đào tạo đại học, cao đẳng quân sự ngành Quân sự cơ sở đối với các thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất).
V. TUYỂN SINH TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP QUÂN SỰ
1. Đối tượng, tiêu chuẩn và hồ sơ tuyển sinh
- Thực hiện theo Điều 39, Điều 55 và Điều 6 Thông tư số 22 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 28 và Thông tư số 64);
- Về tiêu chuẩn văn hóa (áp dụng cho cả đối tượng đào tạo dài hạn, ngắn hạn, chuyển loại trung cấp), như sau: Tính đến thời điểm xét tuyển đã tốt nghiệp THPT (theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên) hoặc đã tốt nghiệp trung cấp. Người tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT phải học và được công nhận hoàn thành các môn văn hóa THPT theo quy định.
- Về tiêu chuẩn sức khỏe:
+ Tuyển chọn thí sinh đạt Điểm 1 và Điểm 2 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP theo các chỉ tiêu: Thể lực; mắt; tai-mũi-họng, hàm-mặt; nội khoa; tâm thần kinh, ngoại khoa; da liễu và sản phụ khoa đối với nữ (nếu có); được lấy đến sức khỏe đạt Điểm 3 về răng
+ Thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên thuộc khu vực 1, hải đảo, phía Nam (từ tỉnh Quảng Trị trở vào) và thí sinh là người dân tộc thiểu số: Được lấy đến sức khỏe đạt Điểm 3 về thể lực.
2. Tổ chức tuyển sinh
Các đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng tổ chức sơ tuyển, tuyển chọn, lập hồ sơ đăng ký xét tuyển, nộp về trường theo chỉ tiêu được giao.
CÔNG TÁC TUYỂN SINH SAU ĐẠI HỌC
I. CÔNG TÁC TẠO NGUỒN
1. Các học viện, trường tổ chức tạo nguồn cho thí sinh dự tuyển (thực hiện theo Công văn số 1516/CT-CB ngày 17/8/2017 của Tổng cục Chính trị về tổ chức dự khóa đào tạo sau đại học). Thời gian như sau:
- Dự khóa Nghiên cứu sinh: Từ tháng 11-2020 đến tháng 5-2021;
- Dự khóa đào tạo trình độ thạc sĩ: Từ tháng 2-2021 đến tháng 5-2021; riêng dự khóa đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Y từ tháng 11-2020 đến tháng 5-2021.
2. Các cơ quan đơn vị chú trọng công tác tạo nguồn, bồi dưỡng nguồn đảm bảo số lượng, chất lượng nhất là các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy chế đào tạo sau đại học. Việc chuẩn bị điều kiện về ngoại ngữ bằng hình thức đào tạo chính khóa và ngoại khóa. Cán bộ đi đào tạo Văn bằng thứ 2 về ngoại ngữ phải báo cáo và được cấp có thẩm quyền xét duyệt theo quy định.
I. TỔ CHỨC TUYỂN SINH
1. Thi tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ
Việc tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ được thực hiện theo Thông tư số 15; cần chú ý một số điểm sau:
- Về đối tượng dự thi: Chỉ tuyển sinh đào tạo tạo hệ quân sự. Các cơ sở đào tạo khi nhận hồ sơ, kiểm tra bằng đại học, xác định ngành đúng, ngành phù hợp hoặc ngành gần với chuyên ngành đăng ký dự thi để yêu cầu thí sinh học bổ sung kiến thức và phải thông báo thời gian hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi trước ngày 1-4-2021;
- Về điều kiện dự thi: Kiểm tra chặt chẽ hồ sơ đăng ký dự thi và chỉ đưa vào danh sách dự thi những thí sinh có đầy đủ các điều kiện dự thi theo Điều 8 Thông tư số 15. Tổ chức học bổ sung kiến thức cho các đối tượng theo đúng quy chế trước khi dự thi. Trường hợp thí sinh được miễn thi môn ngoại ngữ, các cơ sở đào tạo rà soát, thẩm định và chịu trách nhiệm về tính xác thực của văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ; kiểm tra văn bằng chứng chỉ của cơ sở đào tạo đó cần phải được Bộ GD&ĐT cho phép tổ chức đào tạo, cấp Văn bằng 2 hoặc cấp chứng chỉ trong thời hạn 02 năm (24 tháng) tính đến ngày đăng ký dự thi; chứng chỉ trình độ ngoại ngữ tối thiểu phải đạt từ bậc 3/6 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương. Đối với văn bằng ngoại ngữ của các cơ sở đào tạo đang được Bộ GD&ĐT thanh tra chưa có kết luận thì không sử dụng để xét duyệt;
- Các cơ sở tổ chức thi tại cơ sở chính (Học viện Kỹ thuật quân sự và Học viện Quân y, khi tổ chức thi ở cơ sở đào tạo phía Nam phải báo cáo Ban TSQS Bộ Quốc phòng và đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép trước khi ra thông báo tuyển sinh); thực hiện nghiêm quy định ra đề thi, quy trình nhân sao đề thi và tổ chức thi bảo đảm an toàn, đúng quy định;
- Bảo đảm đầy đủ hồ sơ, văn bản của kỳ thi, báo cáo kết quả chuẩn bị và tổ chức thi khi có Đoàn Thanh tra của Bộ Quốc phòng, Bộ GD&ĐT đến làm việc.
2. Xét tuyển nghiên cứu sinh
Việc tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện theo Thông tư số 08; cần chú ý một số điểm sau:
- Về đối tượng dự xét tuyển: Các cơ sở đào tạo chỉ xét tuyển nghiên cứu sinh hệ quân sự;
- Về điều kiện dự xét tuyển: Đối với người dự tuyển nghiên cứu sinh phải có bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên hoặc bằng thạc sĩ;
- Về bài báo: Là tác giả 01 bài báo hoặc báo cáo liên quan đến lĩnh vực dự định nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành có phản biện trong thời hạn 03 năm (36 tháng) tính đến ngày việc xác minh tính hợp lệ của bài báo); đăng ký dự tuyển (các tiểu ban xét tuyển nghiên cứu sinh có trách nhiệm trong năng lực ngoại ngữ, cụ thể:
- Về ngoại ngữ: Có một trong những văn bằng, chứng chỉ chứng minh về năng lực ngoại ngữ, cụ thể:
+ Bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng thạc sĩ do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp cho người học toàn thời gian ở nước ngoài mà ngôn ngữ sử dụng trong trình học tập là tiếng Anh hoặc tiếng nước ngoài khác: Sau khi nhận hồ sơ dự tuyến, các cơ sở đào tạo chủ động gửi công văn đề nghị Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT xác minh tính pháp lý văn bằng hoặc công nhận tương đương trình độ của văn bằng,
+ Bằng tốt nghiệp đại học các ngành ngôn ngữ nước ngoài do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp (kể cả đại học văn bằng 2 tiếng Anh);
+ Chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 45 trở lên hoặc Chứng chỉ IELTS (Academic Test) từ 5.0 trở lên do một tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận cấp trong thời hạn 02 năm (24 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển: Cơ sở đào tạo kiểm tra trên cổng thông tin điện tử của tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận cấp chứng chỉ TOEFL hoặc Chứng chỉ IELTS (Academic Test) để đối chiếu thông tin của người đăng ký dự xét tuyển với danh sách những thí sinh được cấp chứng chỉ của tổ chức khảo thí.
+ Người có bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng thạc sĩ do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp cho người học toàn thời gian ở nước ngoài mà ngôn ngữ không phải là tiếng Anh; bằng tốt nghiệp đại học các ngành ngôn ngữ nước ngoài do các cơ sở đào tạo ở Việt Nam cấp không phải là tiếng Anh hoặc có các chứng chỉ tiếng nước ngoài khác tiếng Anh ở trình độ tương đương TOEFL iBT 45 trở lên hoặc Chứng chỉ IELTS từ 5.0 còn trong thời hạn 02 năm (24 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển, nhưng phải có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh trong chuyên môn, có thể diễn đạt những vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên môn cho người khác hiểu bằng tiếng Anh và hiểu được người khác trình bày những vấn đề chuyên môn bằng tiếng Anh (do Hội đồng tuyển sinh cơ sở đào tạo thẩm định): Sau khi nhận hồ sơ, các cơ sở đào tạo chủ động gửi công văn đề nghị Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT xác định cơ sở đào tạo cấp văn bằng 2 đó có được Bộ GD&ĐT cho phép không, tiến hành thẩm định, xác định trình độ ngoại ngữ và có công văn đề nghị cơ sở đào tạo cấp văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ xác minh tính pháp lý của văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ (kể cả đại học văn bằng 2 tiếng Anh) theo quy trình tại Hướng dẫn số 1595/HD-NT ngày 11 tháng 9 năm 2018 của Cục Nhà trường. Hội đồng tuyển sinh của cơ sở đào tạo không vận dụng xét tuyển nghiên cứu sinh trong các trường hợp: Có văn bằng đại học, thạc sĩ do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp nhưng chưa có xác nhận của Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT về tính pháp lý văn bằng hoặc công nhận tính tương đương trình độ của văn bằng, người dự tuyển có văn bằng 2 ngôn ngữ nước ngoài nhưng chưa có xác nhận của cơ sở đào tạo cấp bằng về tính pháp lý của văn bằng, người dự tuyển đang chờ cấp văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ hoặc có văn bằng 2 của cơ sở đào tạo cấp đang được Bộ GD&ĐT thanh tra, chưa có kết luận;
3. Thời gian tuyển sinh
- Thi tuyển sinh trình độ thạc sĩ: Tổ chức trong 2 ngày 15 và 16-5-2021;
- Xét tuyển nghiên cứu sinh: Căn cứ vào tình hình cụ thể, Thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định xét tuyển 1 hoặc 2 đợt và phải nêu rõ trong thông báo tuyển sinh;
+ Đợt 1 (tháng 5): Xét tuyển những thí sinh đã nộp đủ hồ sơ dự tuyển trước ngày 30-4-2021; thời gian xét tuyển từ ngày 18-5-2021 đến ngày 30-5-2021 (thời gian cụ thể do Thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định);
+ Đợt 2 (tháng 10): Xét tuyển những thí sinh đã nộp đủ hồ sơ dự tuyển trước ngày 30-9-2021; thời gian xét tuyển từ ngày 1-10-2021 đến ngày 30-10-2021 (thời gian cụ thể do Thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định).
NGỌC HÂN
Nguồn: qdnd.vn