Người lính đặc công huyền thoại
Đã 72 năm trôi qua nhưng chiến thắng tháp canh cầu Bà Kiên (19-3-1948) vẫn luôn là niềm tự hào của người dân Tân Uyên nói riêng và Bình Dương nói chung. Bởi vùng đất Tân Uyên - Chiến khu Đ chính là nơi khởi phát của cách đánh này; gắn liền với tên tuổi người anh hùng đại tá Trần Công An (tên thật Trần Văn Kìa, tên thường gọi Hai Cà). Hiện nay, dấu tích của trận đánh được lưu giữ tại Bia tưởng niệm 19-3 ở khu phố Dư Khánh, phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên với một góc nền bằng đá xanh rất kiên cố ngay đầu cầu Bà Kiên.
Vào những ngày chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2019), chúng tôi tìm về xã Thạnh Hội, thăm lại quê hương của người lính đặc công huyền thoại Hai Cà. “Từ đất cồn Rùa địa linh nhân kiệt/ Tay không trói giặc, trọn đời theo Đảng vì dân/ Tiêu diệt tua bằng thang tre lựu đạn/ Mở đầu cách đánh đặc công bằng FT, Peta/ Tinh nhuệ, bí mật, bất ngờ, chắc thắng/ Chiến công nối tiếp chiến công/ Đời riêng gắn với việc công/ Cầu Bà Kiên, sân bay Biên Hòa, Tổng kho Long Bình/ Rạng danh người anh hùng chân đất…”. Những dòng chữ được khắc trên tấm bia trước phần mộ của Đại tá Trần Công An chính là sự ghi nhận dấu ấn của người lính đặc công huyền thoại. Theo đại tá Nguyễn Đức Khánh, Chính ủy Lữ đoàn Đặc công 429, ông Hai Cà là người có công đầu trong việc xây dựng, hình thành lối đánh đặc công. Vì vậy, hiện nay, hình ảnh của ông được đặt ở vị trí trang trọng nhất ở Phòng truyền thống Lữ đoàn Đặc công 429 tại huyện Phú Giáo.
Ngược dòng lịch sử hơn 70 năm về trước, chàng trai Trần Văn Kìa thoát ly theo cách mạng từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, luôn nung nấu ý chí giải phóng quê hương. Đầu năm 1948, quân Pháp triển khai chiến thuật De Latour, xây dựng hàng trăm đồn bót, tháp canh trên các trục lộ dọc đường 16, từ Tân Ba lên thị trấn Tân Uyên, đến Sở cao su Phước Hòa và dọc lộ 24, từ ấp Cây Đào đến Rạch Đông để đàn áp phong trào cách mạng. Với cách bố phòng này, quân Pháp vừa bảo vệ an toàn đường giao thông của chúng trên các trục lộ giao thông, đồng thời cắt đứt giao thông liên lạc đường bộ của lực lượng kháng chiến.
Lúc bấy giờ, Bộ Chỉ huy Khu 7 xác định phá hệ thống tháp canh của giặc Pháp, đánh bại chiến thuật De Latour là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của lực lượng vũ trang miền Đông nói chung và Tỉnh đội Biên Hòa nói riêng. Nhưng lúc này, vũ khí, trang bị của ta còn quá thô sơ, chưa có loại nào có sức công phá các bờ tường dày của hệ thống tháp canh, nên nhiệm vụ phá tháp canh tưởng chừng như không thể. Được Ban Chỉ huy Huyện đội Tân Uyên giao nhiệm vụ phá tháp canh, phụ trách Đội du kích Tân Uyên, ông Hai Cà trong lòng rất lo lắng. Trở về hậu cứ, ông dành nhiều thời gian nghiên cứu cách đánh. Mục tiêu đầu tiên ông chọn là tháp canh ở đầu cầu Bà Kiên, nằm trên lộ 24 nối liền Biên Hòa - Vĩnh Cửu với Chiến khu Đ.
Để cho trận đánh chắc thắng, ông Hai Cà còn nhiều lần đi điều nghiên hệ thống bố phòng ở tháp canh cầu Bà Kiên để chỉnh sửa phương án tác chiến và cho đội du kích thực tập cách đánh đến khi thật nhuần nhuyễn. Khi thấy không còn sai sót gì, ông báo cáo cấp trên xin lệnh đánh tháp canh cầu Bà Kiên. Đêm 18 rạng sáng 19-3-1948, ông Hai Cà chỉ huy một tổ gồm 2 du kích Trần Văn Nguyên và Hồ Văn Lung bí mật xâm nhập trận địa. Phía bên ngoài, ông cử 2 du kích Nguyễn Văn Ai và Trần Văn Hỏi làm nhiệm vụ cảnh giới. Nhờ ngụy trang tốt và giữ được yếu tố bất ngờ, cả 3 người xâm nhập thành công vào trận địa cùng với chiếc thang dùng để leo tường.
Theo sự phân công, du kích Nguyên leo lên tầng tháp trên, du kích Lung leo lên tầng giữa, ông Hai Cà ở tầng dưới vừa đánh vừa chỉ huy, mỗi người thống nhất ném vào mỗi lỗ châu mai 3 quả lựu đạn. Sau khi ném 3 quả lựu đạn, nghi bọn địch chưa chết hết, ông Hai Cà “tặng” chúng thêm một khối thuốc nổ. Sức nổ quá mạnh khiến ông bịthương, nhưng trận đánh đã giành thắng lợi lớn, ta tiêu diệt 11 tên địch, thu 8 súng và 20 lựu đạn.
Luồn sâu đánh hiểm
Từ kinh nghiệm đó, tháng 11- 1949, Bộ Chỉ huy Khu 7 tổ chức hội nghịchuyên đề về đánh tháp canh, ông Hai Cà được chọn báo cáo kinh nghiệm và cách đánh tháp canh của địch. Và đến ngày 19-3-1967, tại trường bổ túc cán bộ dân tộc Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố thành lập Binh chủng Đặc công. Tại buổi lễ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã huấn thị: “Đặc công tức là công tác đặc biệt, vinh dự đặc biệt, cần phải cố gắng đặc biệt. Các chiến sĩ đặc công được tin tưởng đặc biệt, bất kỳ nhiệm vụ gì, bất kỳ nhiệm vụ đặc biệt nào cũng phải hoàn thành và hoàn thành cho tốt, bất kỳ khó khăn đặc biệt nào cũng phải vượt qua, khắc phục cho kỳ được”.
Đại tá Nguyễn Đức Khánh tự hào cho biết sau khi Binh chủng Đặc công được thành lập, trước yêu cầu nhiệm vụ của chiến trường miền Đông Nam bộ, Trung ương Cục và Quân ủy Miền quyết định xây dựng lực lượng đặc công với quy mô lớn hơn, đẩy mạnh tác chiến đặc công nhằm tiêu diệt sinh lực và phương tiện chiến tranh quan trọng của địch. Trên cơ sở đó, ngày 4-2-1969, Bộ Chỉ huy Miền quyết định thành lập Trung đoàn Đặc công 429 tại Chiến khu Dương Minh Châu (thuộc địa bàn tỉnh Tây Ninh), đây là đơn vị đặc công chủ lực cơ động đầu tiên trên chiến trường miền Đông Nam bộ. Lữ đoàn phát huy cao độ lối đánh “Bí mật, bất ngờ, luồn sâu đánh hiểm” của bộ đội đặc công, góp phần đưa nghệ thuật tác chiến của binh chủng lên một bước phát triển mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và làm nhiệm vụ quốc tế.
Phát huy truyền thống vẻ vang của cha ông đi trước và Bình Dương - nơi khởi nguồn lối đánh đặc công; cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công Bộ 429 hôm nay đã vượt qua mọi gian nan, khó khăn trong luyện tập, nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống, phòng chống “Diễn biến hòa bình”, “Bạo loạn lật đổ”, chống khủng bố, phòng chống cháy nổ, tìm kiếm cứu nạn… Đơn vịluôn nêu cao ý thức tự lực, tự cường, đoàn kết, nhất trí khắc phục khó khăn, từng bước chuyển biến, tiến bộ toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cấp trên giao, góp phần vào thành công chung trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.