Lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định được phát triển đến đỉnh cao trong “chiến tranh cục bộ” (1965 - 1968). Dưới sự lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp của Khu ủy, Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Định, Phân khu 6, lực lượng Biệt động với lối đánh táo bạo, lập nên những chiến công vang dội. Tiêu biểu là các trận tấn công Phái bộ viện trợ Mỹ (MAAG), rạp hát Kinh Đô, các khách sạn (là nơi ở và giải trí của sĩ quan, cố vấn Mỹ - ngụy) như Caravelle, Brink, Metropol, Victoria, tàu chở máy bay US Card, Đại sứ quán Mỹ, Tổng nha Cảnh sát, lễ quốc khánh ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, nhà hàng nổi Mỹ Cảnh.
Những trận đánh của lực lượng Biệt động đều mang ý nghĩa “kép”, vừa là đòn cảnh cáo, tiêu diệt, vừa cổ vũ Nhân dân chống Mỹ, vừa phối hợp với hậu phương lớn miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, tạo nên tiếng vang lớn đối với chính trường và nhân dân Mỹ, khích lệ tinh thần yêu chuộng hòa bình của nhân dân thế giới chống chiến tranh phi nghĩa mà Mỹ đang gây ra ở Việt Nam.
Những trận đánh của Biệt động diễn ra chớp nhoáng, “xuất quỷ nhập thần”, với hiệu suất rất lớn, là nỗi kinh hoàng của bọn xâm lược và tay sai. Đặc biệt trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng Biệt động được chuẩn bị tốt về tinh thần, trang bị, vào trận chiến đấu với khát vọng hòa bình, không có gì quý hơn độc lập tự do.
Các đội Biệt động đã bất ngờ đồng loạt tấn công vào các mục tiêu trọng yếu của Mỹ - ngụy, gồm Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Đài phát thanh, Bộ tư lệnh Hải quân, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, làm chủ trận địa nhiều giờ, vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng quân và dân miền Nam giành thắng lợi.
Thực hiện nhiệm vụ đột phá vào các mục tiêu trọng yếu trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Biệt động Sài Gòn - Gia Định đã phát huy cao độ nghệ thuật quân sự độc đáo, tổ chức chỉ huy đánh địch ở đô thị với tinh thần dũng cảm tuyệt vời của các chiến sĩ cách mạng.
Năm đội Biệt động với tổng số gần 100 đồng chí trực tiếp chiến đấu trong sào huyệt, đầu não của địch, với vũ khí bộ binh đã đánh trả xe tăng, thiết giáp, máy bay địch và lực lượng bộ binh tinh nhuệ Mỹ - ngụy gấp nhiều lần, với tinh thần dũng cảm cao độ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Hầu hết cán bộ, chiến sĩ Biệt động trực tiếp chiến đấu đã anh dũng hy sinh hoặc bị thương, bị sa vào tay địch. Ý chí, xương máu, công lao của lực lượng Biệt động đã dựng thành những tượng đài bất tử của Xuân Mậu Thân 1968.
Sài Gòn dưới chế độ Mỹ - ngụy là thành phố lớn nhất miền Nam, là “thủ đô” của địch, nơi tập trung các cơ quan đầu não của địch, trung tâm điều hành bộ máy chiến tranh xâm lược; là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Đông Nam Á, nơi phát đi các mệnh lệnh đàn áp lực lượng cách mạng, đàn áp Nhân dân ta; vì vậy được bố phòng, bảo vệ vô cùng cẩn mật.
Chúng tổ chức ra 3 vành đai phòng thủ để ngăn chặn ta từ xa, trong nội thành và ven đô chúng bố trí mạng lưới an ninh, cảnh sát, mật thám, phòng vệ dân sự... dày đặc. Hệ thống khủng bố của địch cực kỳ tàn bạo, được đúc kết từ kinh nghiệm ở nhiều nơi trên thế giới.
Các đơn vị bảo đảm có công rất lớn trong phục vụ chiến đấu nội thành qua hai cuộc kháng chiến, đặc biệt là trong thời kỳ chống Mỹ. Như chúng ta đã biết, trong một cuộc chiến tranh, muốn thắng địch không chỉ có lực lượng trực tiếp chiến đấu, mà phải có công tác bảo đảm hậu cần, hậu phương vững chắc.
Trong hoàn cảnh bị địch ngày đêm rình rập, bố ráp, bắt bớ, ngăn chặn, chia cắt, triệt phá liên tục, thì công tác đảm bảo vật chất không chỉ đơn giản là “súng đạn, cơm áo, gạo tiền” mà là một trận chiến đầy cam go, dũng cảm, kiên cường, hy sinh đối với cơ sở cách mạng, cán bộ, chiến sĩ làm công tác bảo đảm, vì vậy, phải có căn cứ trong vùng địch; và đó chỉ có thể là căn cứ lòng dân vững chắc.
Để có vũ khí đánh địch trong thành phố, ngay từ khi hình thành các đội Biệt động nội đô, Khu ủy, Bộ Chỉ huy Quân khu đã kiên trì, bền bỉ gầy dựng hệ thống bảo đảm hết sức công phu từ vùng căn cứ vào nội thành; coi đây là nhiệm vụ hàng đầu của lực lượng Biệt động.
Việc đánh địch trong nội đô khó khăn bao nhiêu, thì việc xây dựng cơ sở, vận chuyển, trữ giấu bí mật, an toàn vũ khí, phương tiện... càng thử thách, gian truân hơn gấp nhiều lần. Vì thế, lực lượng bảo đảm được tổ chức đa dạng và rất công phu, kiên trì, dựa vào Nhân dân, xây dựng căn cứ lòng dân để công tác và chiến đấu; thực hiện tốt phương châm 3 hóa (hợp pháp hóa, nghề nghiệp hóa, quần chúng hóa) để tồn tại và phát triển ngay trong lòng địch.
Qua tổng kết về công tác bảo đảm, một chiến sĩ Biệt động trực tiếp chiến đấu ở nội đô, cần có 10 người làm công tác phục vụ chiến đấu. Đây là bí quyết độc đáo của lực lượng “giấu mặt” này, là biểu hiện sống động của ngành hậu cần đặc biệt, của lòng dân, khi mà từ già đến trẻ, từ nhà tư sản đến chị tiểu thương, anh kỹ sư đến người đạp xích lô... đều thực hiện nhuần nhuyễn, hiệu quả.
Chính lòng yêu nước nồng nàn, sắt son với cách mạng, một lòng vững tin vào thắng lợi của cách mạng, ngày sạch bóng quân xâm lược, hòa bình, thống nhất, độc lập, lòng kính yêu Bác Hồ vô hạn đã tạo nên những căn cứ lòng dân vững chãi.
Chuẩn bị Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ta đã xây dựng được 14 hầm chứa vũ khí, 19 lõm chính trị, bao gồm 325 gia đình, tạo nên 400 điểm ém quân từ vùng trung tuyến đến nội thành.
Điển hình căn cứ lòng dân là vùng lõm chính trị - căn cứ cách mạng Bảy Hiền có nhiều đơn vị, cơ sở cách mạng hoạt động, nhưng chưa bao giờ bị lộ.
Nhiều đồng chí cán bộ đến đây đã chỉ đạo xây dựng phong trào cách mạng như đồng chí Trần Trọng Tân, Nguyễn Văn Thuyền, Hoàng Thị Khánh, Trương Mỹ Lệ, Đỗ Duy Liên, Lê Thanh Hải, Phan Tấn Thành...
Và nơi đây còn là điểm xuất phát của các đơn vị, các tổ Biệt động đánh vào các mục tiêu đầu não của Mỹ - ngụy tại nội đô Sài Gòn. Là vùng lõm chính trị - căn cứ cách mạng Bàn Cờ từng là nơi hoạt động, địa điểm sinh hoạt hội họp của các đồng chí lãnh đạo như đồng chí Trần Bạch Đằng, Lê Thị Riêng, Nguyễn Thị Ráo (Ba Thi), kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, đồng chí Võ Văn Kiệt, bác sĩ Dương Quang Trung… và có nhiều cơ sở cách mạng hoạt động tại Bàn Cờ.
Mặc dù địch ra sức kìm kẹp, khủng bố, bắt bớ, chúng muốn xóa trắng các vùng lõm chính trị như Bảy Hiền, Bàn Cờ... nhưng ngay trong lòng địch, dù khó khăn gian khổ đến mấy, ngọn lửa cách mạng vẫn âm thầm nhen nhóm, các tổ chức cách mạng do Đảng lãnh đạo vẫn bí mật hình thành và không ngừng phát triển, phục vụ đắc lực cho cuộc kháng chiến đến ngày thắng lợi hoàn toàn.
Biết rằng, nếu bị địch phát hiện, bắt bớ, chắc chắn sẽ bị tù đày, tra khảo, tịch biên tài sản và có thể bị tử hình; trong quá trình hoạt động nhiều cơ sở cách mạng bị địch bắt, dù bị tra tấn rất dã man, vẫn một lòng, một dạ trung thành với Đảng dù phải hy sinh để bảo vệ cơ sở, bảo vệ tổ chức.
Để có những trận đánh địch vang dội, hiệu quả ở đô thị và đặc biệt là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, nhiều cơ sở cách mạng đã sống trên “kho” vũ khí hàng năm trời như gia đình các đồng chí Năm Lai, Ba Căn, Năm Mộc, Bảy Rau Muống.
Gia đình chị Hai Phê - địa điểm xuất phát tấn công Đại sứ quán Mỹ, sau Tết Mậu Thân, bị địch bắt đày ra Côn Đảo. Tại tiệm phở Bình là gia đình ông Ngô Toại, số 7, đường Yên Đổ (nay là đường Lý Chính Thắng), quận 3, nơi Sở Chỉ huy tiền phương Bộ Chỉ huy Phân khu 6 phát lệnh tổng tiến công; ngay sau khi quân ta nổ súng tiến công các mục tiêu của địch, cả gia đình ông bị địch bắt, đánh đập, tra tấn rất dã man, sau đó bị đày đi Côn Đảo.
Điển hình tiêu biểu trong công tác vận chuyển vũ khí từ căn cứ về điểm tập kết như vợ chồng ông nông dân Chín Khổ, ông Chín Ten... bất chấp hiểm nguy, nhiều lần chuyển vũ khí cho lực lượng Biệt động. Biết bao gia đình, cơ sở cách mạng, hầm chứa vũ khí sau Mậu Thân bị địch bắt bớ, tù đày, tra tấn rất dã man, tịch biên tài sản,...
Với bề dày truyền thống và thành tích chiến đấu đặc biệt xuất sắc, Biệt động Sài Gòn - Gia Định đã được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng 16 chữ vàng Đoàn kết một lòng, mưu trí vô song, dũng cảm tuyệt vời, trung kiên bất khuất; đã được Đảng, Nhà nước ta phong tặng, truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho 5 đơn vị và 31 cá nhân(2); càng tôn vinh truyền thống tự hào của lực lượng Biệt động Anh hùng.
Từ đáy lòng mình, chúng ta cảm nhận sâu sắc rằng, sự hy sinh, mất mát để có được hòa bình, độc lập là vô giá; bởi đó là xương, là máu của nhiều thế hệ người Việt Nam, là nước mắt chảy lòng của những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ liệt sĩ, những mất mát, hy sinh cho ngày toàn thắng không thể lấy gì bù đắp được! Mỗi chúng ta bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đến các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ, đồng bào thuộc nhiều giới, nhiều dân tộc, tôn giáo... ở mọi miền Tổ quốc đã cùng viết nên thiên anh hùng ca Xuân Mậu Thân 1968, những người còn sống và những người đã mãi mãi trở thành “dáng đứng Việt Nam” anh hùng; xin bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến các gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình có công với cách mạng tại thành phố và cả nước đã có người thân hy sinh trong Xuân Mậu Thân 1968 và trong suốt chiều dài của cuộc trường kỳ kháng chiến để giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Năm tháng sẽ qua đi, nhưng với cả nước, với miền Nam thành đồng, với thành phố mang tên Bác, những chiến công vang dội của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 sẽ sống mãi với các thế hệ Việt Nam. Mỗi chúng ta và các thế hệ đời sau có thể nhìn rõ ở đó sức mạnh phi thường của lòng yêu nước nồng nàn, của trí tuệ Việt Nam. Đó là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của khí phách Việt Nam, lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, Nhân dân, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp giải phóng và trường tồn của dân tộc.
Lịch sử dân tộc ta gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng chống giặc ngoại xâm. Trong những năm tháng kháng chiến, Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định rất kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo đề ra nghị quyết, chủ trương, quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân, dựa vào dân để bám trụ địa bàn, lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh cách mạng ngay tại sào huyệt, đầu não của thực dân, đế quốc và chế độ tay sai.
Dù khó khăn, gian khổ, ác liệt đến mấy, Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, miền Nam thành đồng Tổ quốc vẫn hướng về cách mạng, niềm tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng, bài học “thế trận lòng dân” mãi mãi trường tồn trong chiến tranh giải phóng cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong 2 cuộc kháng chiến thực tiễn đã minh chứng, không có căn hầm nào đủ sâu, rộng, bền vững bằng lòng dân, không có địa đạo nào đủ dài, vững chắc, an toàn bằng căn cứ lòng dân.
Nối tiếp truyền thống vẻ vang của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, truyền thống yêu nước và cách mạng kiên cường của dân tộc, ngày nay đất nước ta đang tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Chúng ta hiểu rõ khó khăn, thách thức, song với tinh thần Xuân Mậu Thân 1968 nhắc nhở chúng ta phải luôn luôn nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, thực hiện thật tốt các chính sách an dân, coi trọng việc phát huy cao độ những tiềm năng to lớn của Nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; biết tận dụng mọi thời cơ và thuận lợi vượt qua mọi khó khăn, thách thức; thành phố Hồ Chí Minh luôn vì cả nước, cùng cả nước, xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, luôn xứng đáng Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, Thành phố Anh hùng.
––––––––––––––––––––––
(1) Đợt 1 Tổng tiến công và nổi dậy từ đêm 30 rạng 31-1-1968, kết thúc ngày 28-2-1968; đợt 2 mở màn từ đêm 4 rạng ngày 5-5-1968, kết thúc ngày 18-6-1968.
(2) + Anh hùng liệt sĩ: Lê Văn Thọ, Nguyễn Văn Trỗi, Phạm Văn Hai (Cả nhì), Bành Văn Trân, Nguyễn Văn Kịp (Đồng Đen), Lê Tấn Quốc, Trần Phú Cường (Năm Mộc), Trần Văn Đang, Lê Văn Việt, Nguyễn Đình Chính, Võ Văn Hát, Nguyễn Văn Lém (Bảy Lớp), Nguyễn Văn Rí (Tám A), Nguyễn Hoài Thanh (Nguyễn Phổ), Nguyễn Thanh Tuyền (Bời), Tô Hoài Thanh (Tô Văn Phó), Nguyễn Gia Lộc.
+ Anh hùng: Bùi Văn Ba, Phạm Văn Ry, Nguyễn Văn Tăng, Đỗ Tấn Phong, Nguyễn Thị Thu Trang, Phạm Thị Mỹ (Oanh), Nguyễn Thị Thanh Tùng, Trần Thị Mai, Đoàn Thị Ánh Tuyết, Ngô Thanh Vân (Ba Đen), Nguyễn Đức Hùng, Nguyễn Thị Lan (Lan Mê Linh), Nguyễn Thanh Xuân (Bảy Bê), Lê Thị Thu Nguyệt.
LÊ THANH HẢI - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh