Ngày 03/10/2018, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế PRE-COP24: Việt Nam cần trở thành một thành viên với tham vọng lớn và đòi hỏi cao trong "các cuộc đàm phán khí hậu" quốc tế. Mục tiêu chính của hội thảo là: Hiểu rõ về những khó khăn, thách thức của Chính phủ trong quá trình rà soát và cập nhật NDC. Từ đó, các NGOs có thể xác định được những cách thức khả thi, những cơ hội để hỗ trợ Chính phủ trong quá trình cập nhật và thực hiện NDC sau này; Chia sẻ những quan điểm của CCWG về quá trình rà soát, cập nhật NDC hiện tại để Cục Biến đổi Khí hậu và các Chuyên gia trong Ban soạn thảo báo cáo có thể cân nhắc và xem xét những ý kiến và đề xuất của NGOs trong bản NDC cập nhật; Xác định cách thức CCWG và Chính phủ có thể hợp tác trong quá trình rà soát NDC để chuẩn bị cho Hội nghị COP24 với sự tham gia của Đoàn đàm phán Việt Nam bao gồm các thành viên của Chính phủ và NGOs.
Theo bản dự thảo Báo cáo kỹ thuật NDC cập nhật, Việt Nam đang cam kết mức giảm lượng phát thải khí nhà kính tương đối khiêm tốn đến năm 2030. Trong khi đó, tình hình biến đổi khí hậu trên thế giới vẫn chưa được đánh giá đúng mức cộng thêm quá trình ứng phó triển khai khá chậm chạp đang làm gia tăng rủi ro đối với sự phát triển của Việt Nam. Hội nghị các nước thành viên Công ước Khung về biến đổi khí hậu (COP) lần 24, Diễn đàn các nước dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu (CVF) tiếp theo và quá trình sửa đổi NDC đang diễn ra cho đến Quý 1 năm 2019 chính là những cơ hội quan trọng để chúng ta có thể thay đổi vị thế hiện nay của Việt Nam.
“Để đạt được kết quả mong đợi tại COP24 sắp tới, các nhà lãnh đạo cần phải nắm lấy thời cơ và tận dụng những thuận lợi hiện có. Thành công của COP24 sẽ được đánh giá dựa trên các yếu tố sau: liệu một bản quy tắc với tính ràng buộc cao có được phê chuẩn để triển khai Thỏa thuận Paris hay không? Liệu các nước có đặt ra các mục tiêu tham vọng hơn trong NDCs để giữ nhiệt độ toàn cầu dưới 2oC? Và làm sao để có được cơ chế tài chính khí hậu rõ ràng nhằm đảm bảo rằng sẽ có nhiều nguồn tài chính hơn dành cho nhóm người nghèo, những người phải chịu tác động nặng nề nhất từ khủng hoảng khí hậu? Nhìn chung, COP24 vẫn có thể có được kết quả khả quan nếu đạt được tất cả các mục tiêu trên.” Bà Yvonne Blos - Giám đốc Dự án Biến đổi Khí hậu, Viện Friedrich-Ebert-Stiftung tại Việt Nam chia sẻ.
Cuối tháng 8/2018, theo dự thảo đầu tiên của Báo cáo kỹ thuật NDC cập nhật do Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày, Chính phủ Việt Nam hiện cam kết giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính (GHG) tới năm 2030 bằng nguồn lực trong nước so với kịch bản thông thường. Mức phát thải CO2 trong kịch bản thông thường được nâng từ 787,4 triệu tấn lên 888,8 triệu tấn và năm cơ sở cập nhật là năm 2014 thay vì năm 2010 như trong Báo cáo ban đầu.
Nội dung sửa đổi chủ yếu của Báo cáo bao gồm việc điều chỉnh năm cơ sở, các mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản thông thường và bổ sung lĩnh vực mới cần tham gia vào công tác giảm thiểu được gọi là các quy trình công nghiệp bên cạnh những lĩnh vực đã được tính tới trong bản NDC trước (năng lượng, rác thải, sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất, lâm nghiệp (LULUCF) và nông nghiệp).
Mức độ dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu không chỉ phụ thuộc vào việc trực tiếp hứng chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan mà còn vào những phương thức chưa bình đẳng trong việc giải quyết những tác động của biến đổi khí hậu trong xã hội. Chúng ta cần có cách tiếp cận toàn diện để biến thách thức trở thành cơ hội, tạo ra sự hợp tác hiệu quả hơn giữa các bộ ngành liên quan và đảm bảo kết quả tốt đẹp hơn cho Việt Nam.
Việc giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi mô hình phát triển mà Thỏa thuận Paris khẩn thiết kêu gọi sẽ chỉ được đông đảo công chúng ủng hộ khi nó liên quan chặt chẽ với việc giảm thiểu sự bất bình đẳng kinh tế-xã hội đã gia tăng đáng kể trong thời gian qua. Các nước công nghiệp cần phải đi đầu nhưng Việt Nam, thông qua bản cập nhật NDC, cần thể hiện những cam kết và hành động vì khí hậu tham vọng hơn và cần được thực hiện ngay nhằm đảm bảo phát triển công bằng xã hội.
Quá trình rà soát và cập nhật NDC đang diễn ra là cơ hội hấp dẫn vốn đầu tư cho sự phát triển có mức phát thải thấp và sức chống chịu với biến đổi khí hậu tại Việt Nam, đồng thời, xây dựng được một khuôn khổ chính sách nhất quán. Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình triển khai các hành động vì khí hậu tham vọng hơn.
Trong quá trình rà soát và cập nhật NDC, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang rất tích cực, chủ động tham vấn với các bên liên quan và tổ chức xã hội thông qua nhiều cuộc hội thảo tham vấn ở các cấp, quy mô và đối tượng khác nhau. Với mong muốn được đóng góp vào những nỗ lực chung của quốc gia, với sự hỗ trợ tài chính của Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (Đức), CCWG tổ chức hội thảo quốc tế: Pre-COP24: Cơ hội và thách thức trong việc rà soát và thực hiện NDC để bày tỏ quan điểm và đề xuất vai trò và phương thức mà các NGOs có thể tham gia và đóng góp vào quá trình hoàn thiện NDC trước khi diễn ra Hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP 24) tại Ba Lan tháng 12 tới. Dự kiến tại COP24 sẽ diễn ra các cuộc thảo luận về mức cam kết đóng góp giảm GHG của mỗi quốc gia trong quá trình rà soát và cập nhật NDC.
Nguồn: dangcongsan.vn