
Tại buổi học có nhiều thảo luận chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng về lập kế hoạch, xây dựng quy trình trong công tác chăm sóc, tư vấn, hướng dẫn và giáo dục sức khỏe cho người bệnh. Đưa ra nhiều tình huống thực hành quá trình tác động nhằm thay đổi kiến thức, thái độ và thực hành của người bệnh.
Chương trình tập huấn giúp cho các điều dưỡng viên Bệnh viện Quân dân y miền Đông thể hiện được tính chuyên nghiệp trong thi hành nhiệm vụ chuyên môn. Giúp hoàn thành sứ mệnh của người thầy thuốc mà xã hội và Nhân dân trao gửi. Giúp người thầy thuốc khẳng định vị thế của mình và tránh được các hạn chế trong giao tiếp, ứng xử có thể gây nên những bức xúc không đáng có trước người bệnh và người nhà người bệnh.
Bên cạnh đó, giúp tạo dựng được niềm tin của người bệnh, người nhà người bệnh với cán bộ y tế. Giúp tăng cường được hiệu quả điều trị, đảm bảo được quyền của người bệnh được chăm sóc toàn diện và quyền được tôn trọng. Từ đó, tăng cường sự hài lòng của người bệnh và Nhân dân với bệnh viện, nâng cao chất lượng phục vụ, xây dựng thương hiệu bệnh viện và góp phần giúp bệnh viện phát triển ngày càng vững mạnh.
Trong bệnh viện, điều dưỡng là những người thường xuyên tiếp xúc với người bệnh, thống kê cho thấy trung bình một ngày người bệnh nhận được sự tiếp xúc từ 15-20 phút với bác sĩ, nhưng nhận được gấp 6-8 lần sự tiếp xúc với điều dưỡng, tức là thời gian tiếp xúc với điều dưỡng khoảng 2-2,5 giờ. Hơn nữa, đội ngũ điều dưỡng chiếm tỷ lệ khá cao khoảng hơn 50% nhân lực toàn bệnh viện. Do đó, giao tiếp là một hoạt động hết sức quan trọng trong thực hành chăm sóc của điều dưỡng và là một chỉ số đánh giá chất lượng bệnh viện. Vì vậy, vai trò giao tiếp của điều dưỡng bệnh viện cần được quan tâm để hướng tới chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày một hiệu quả hơn.