Hình minh họa
Chủ tịch UBND TPHCM: Thị trường bất động sẽ tích cực hơn vào năm 2025
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết năm 2024, thị trường Bất động sản tại TP.HCM có khởi sắc nhưng vẫn còn chậm. Trong 11 tháng của năm, có 12 dự án nhà ở thương mại được cấp phép; trong đó có những dự án mới khởi công, dự án cũ tái khởi động. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi các dự án có nhiều vướng mắc từ quy hoạch, tài chính, đến quan hệ hợp đồng...
Đối với các dự án Bất động sản, ông Mãi cho biết, UBND TP đã phân công Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường trực tiếp giải quyết các vướng mắc của các dự án này.
Năm 2024, Thành phố đang theo dõi 64 dự án vướng mắc và trong 11 tháng đã giải quyết 30/64 dự án. "Thành phố sẽ tập trung giải quyết các vướng mắc này và đây là một trong những giải pháp để thúc đẩy thị trường Bất động sản trong thời gian tới”, ông Mãi nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá năm 2025 thị trường bất động sẽ ấm hơn và tích cực hơn vào năm 2025. Để giải quyết vấn đề liên quan đất đai cho phát triển Bất động sản, người đứng đầu chính quyền Thành phố cho biết, Sở Xây dựng cũng đã có nghiên cứu và quy trình để tiến hành các thủ tục dự án Bất động sản, ngắn hơn. Ông đề nghị Sở Xây dựng cùng các sở, ngành phối hợp để thủ tục dự án nhanh nhất có thể để các chủ đầu tư nhân dịp thị trường đã được phục hồi sẽ triển khai. Bên cạnh đó, hàng tuần xem xét và giải quyết các vướng mắc thị trường Bất động sản.
TP.HCM dự chi 40 tỷ USD xây dựng 355km metro trong 10 năm tới
Ngoài tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên sắp vận hành, tuyến số 2 đang triển khai, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ hoàn thành 355km metro. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố cần số vốn đầu tư lên đến 40 tỷ USD.
TP.HCM đặt mục tiêu từ nay đến năm 2035 sẽ xây dựng hoàn chỉnh 7 tuyến đường sắt đô thị (từ tuyến số 1 đến số 7) với tổng chiều dài khoảng 355km.
Giai đoạn 10 năm tiếp theo, hệ thống metro sẽ được đầu tư thêm 155km, nâng tổng chiều dài metro lên 510km. Với mục tiêu này, trong 20 năm tới, mạng lưới đường sắt đô thị của TP.HCM sẽ tăng gấp 25 lần so với tuyến metro số 1(Bến Thành - Suối Tiên) sau hơn 10 năm khởi công.
Với quy mô mới này, TP.HCM cũng điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 40 tỷ USD từ nay đến 2035 (tăng 3 tỷ USD). Tổng nhu cầu vốn cho từng giai đoạn trên lần lượt khoảng 40 tỷ USD và gần 27 tỷ USD. Thời gian hoàn thành toàn bộ mạng lưới theo quy hoạch 510km được rút ngắn vào năm 2045, thay vì đến năm 2060 như trước.
Để thực hiện đề án đột phá này, TP kiến nghị 43 cơ chế thuộc 6 nhóm chính, bao gồm: Quy hoạch; chính sách huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục, thẩm quyền triển khai; giải phóng mặt bằng; quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ; quản lý, khai thác...
Việt Nam - Trung Quốc vừa trao Thỏa thuận hợp tác xây dựng 3 tuyến đường sắt
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị đẩy nhanh kết nối đường sắt, ưu tiên triển khai 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, khôi phục tuyến vận tải liên vận đường sắt quốc tế giữa hai nước.
Tạo điều kiện về slot máy bay cho các hãng hàng không của Việt Nam; vận hành an toàn Khu cảnh quan Bản Giốc – Đức Thiên.
Đề nghị Trung Quốc tiếp tục mở rộng nhập khẩu hàng hóa Việt Nam; khuyến khích doanh nghiệp uy tín đầu tư vào các dự án quy mô lớn, chất lượng cao, công nghệ hiện đại, tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị thúc đẩy đầu tư chất lượng cao của Trung Quốc vào Việt Nam; triển khai hiệu quả các khoản viện trợ của Trung Quốc; tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như nông nghiệp, môi trường, tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục đào tạo, mở ra những lĩnh vực hợp tác mới, động lực tăng trưởng mới cho quan hệ song phương.
Hà Nội sắp xây dựng tuyến đường 19km nối hai huyện Thường Tín và Phú Xuyên
Tuyến đường gom có tổng chiều dài gần 19km, điểm đầu tại nút giao với Tỉnh lộ 427 thuộc xã Vân Tảo (huyện Thường Tín) và điểm cuối tại đầu cầu chui đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ nối với nút Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên). Trong đó, dự án bao gồm một cầu vượt qua đường cao tốc với ba nhánh tuyến, tổng chiều dài khoảng 2,2km.
Dự án có tổng mức đầu tư 1.267 tỉ đồng, bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư gần 396 tỉ đồng, chí phí xây dựng hơn 778 tỉ đồng.
Để thực hiện dự án, hơn 425.000m2 đất sẽ được thu hồi, bao gồm 192.333m2 đất thuộc huyện Thường Tín (qua 9 xã) và 233.564m2 đất thuộc huyện Phú Xuyên (qua 6 xã).
Theo UBND TP Hà Nội, khi hoàn thành, tuyến đường sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông khu vực và cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Đồng thời, dự án cũng đóng góp vào sự phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp, phù hợp với định hướng kinh tế - xã hội của địa phương và quy hoạch chung đô thị vệ tinh Phú Xuyên.
Hoàng An