Hình minh họa
NHNN hạ lãi suất khoản cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội về 4,7%/năm
Mức lãi suất của các NHTM áp dụng trong năm 2025 đối với dư nợ của những khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại ba thông tư trên là 4,7%/năm. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025 và thay thế quyết định trước đó.
Như vậy, theo quyết định mới, mức lãi suất được áp dụng cho chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở năm 2025 sẽ giảm 0,1 điểm % so với năm 2024 (năm 2024 mức lãi suất được quy định là 4,8%/năm).
17 NHTM có dư nợ cho vay tái cấp vốn thực hiện cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02 ngày 7/1/2013 của Chính phủ gồm các ngân hàng BIDV; Vietcombank; VietinBank; Agribank; SHB; SeABank; TPBank; Eximbank; PVcomBank; OCB; Nam A Bank; LPBank; VietBank; NCB; VIB; VPBank; SCB.
Đến nay, trên cả nước đã triển khai 644 dự án nhà ở xã hội với quy mô 580.109 căn, trong đó 96 dự án đã hoàn thành, cung cấp 57.652 căn; 133 dự án đang được khởi công với quy mô 110.217 căn và 415 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, quy mô 412.240 căn.
Hà Nội thu gần 18.600 tỷ đồng từ đấu giá đất, tăng gấp đôi so với trước
Năm 2024, UBND thành phố Hà Nội giao chỉ tiêu thu tiền từ đấu giá quyền sử dụng đất trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu chi ngân sách là 25.105 tỉ đồng. Thống kê đến hết tháng 11/2024, số tiền thu được gần 18.600 tỉ đồng, đạt 74,08% so với kế hoạch.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, việc tổ chức tốt công tác đấu giá đất giúp đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đảm bảo hiệu quả cho tiếp cận và sử dụng đất đai. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, Hà Nội thừa nhận việc đấu giá đất trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại. Điển hình là tình trạng giá khởi điểm thấp do được tính theo bảng giá đất tại Điều 159 Luật đất đai 2024. Nhiều nơi có bảng giá đất thấp hơn giá thị trường, không có khả năng bù đắp được chi phí giải phóng mặt bằng hay đầu tư hạ tầng.
Để khắc phục tình trạng trên, UBND các quận, huyện đã quy định đấu giá nhiều vòng bắt buộc với bước giá cụ thể nhằm đảm bảo mức giá sau các vòng sát với thị trường.
Tuy nhiên, Luật đất đai và Luật Đấu giá tài sản vẫn chưa điều chỉnh đầy đủ các nội dung như tiền đặt cọc thấp (bằng 20% giá khởi điểm); chưa có quy định nghiêm cấm hành vi thông đồng nâng giá hoặc “thổi” giá, dẫn đến tình trạng người tham gia đấu giá trả giá cao hơn giá thị trường để trúng đấu giá, sau đó không nộp tiền trúng đấu giá (bỏ tiền đặt cọc) hoặc không tiếp tục trả giá ở vòng tiếp theo, làm thất bại cuộc đấu giá và gây loạn giá thị trường.
Thủ tướng yêu cầu trình Quốc hội dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng trong tháng 2/2025
Theo quy hoạch, đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng có tổng chiều dài 417 km, đi qua 9 địa phương (Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng); kết nối với cảng biển quốc tế Hải Phòng, kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc; đáp ứng nhu cầu vận tải với chất lượng cao, nhanh chóng, thuận tiện và an toàn.
Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và các bộ, cơ quan liên quan đẩy nhanh hơn nữa tiến độ chuẩn bị trình dự án, trong tháng 1/2025 phải trình Chính phủ để trong tháng 2/2025 trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án và các cơ chế, chính sách đặc thù, chậm nhất trong 12/2025 phải khởi công tuyến đường sắt này.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, tính toán lại hướng tuyến, các ga, tốc độ thiết kế của dự án… với hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, không bám tuyến đường sắt cũ mà đi theo tuyến mới; điều chỉnh số lượng và vị trí các ga hợp lý….
Theo Thủ tướng, việc xây dựng, triển khai dự án cần nghiên cứ đa dạng hóa nguồn vốn, gốm vốn đầu tư công, nguồn phát hành trái phiếu, vốn vay, có thể kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư khai thác các ga, phát triển đô thị dựa trên giao thông công cộng (TOD)… Thủ tướng yêu cầu tách dự án giải phóng mặt bằng thành dự án riêng, giao các địa phương làm; tăng cường nhân lực chuyên trách để chuẩn bị, xây dựng dự án do một Thứ trưởng Giao thông vận tải phụ trách.
9 trường hợp bắt buộc đổi sổ đỏ, sổ hồng từ năm 2025 người dân cần phải biết
Theo quy định hiện hành, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không bắt buộc cấp đổi Giấy chứng nhận sang mẫu mới. Tuy nhiên có 9 trường hợp bắt buộc phải cấp đổi Giấy chứng nhận đã cấp (sổ đỏ, sổ hồng cũ).
1. Người sử dụng đất có nhu cầu đổi Giấy chứng nhận đã được cấp trước ngày 01/8/2024 sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
2. Giấy chứng nhận đã cấp bị ố, nhòe, rách hoặc hư hỏng;
3. Giấy chứng nhận đã cấp chung cho nhiều thửa đất mà thực hiện cấp riêng cho từng thửa đất theo nhu cầu của người sử dụng đất và trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận đối với trường hợp có nhiều thửa đất cấp chung 01 Giấy chứng nhận mà có một/một số thửa thuộc một trong các trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận.
4. Mục đích sử dụng đất ghi trên Giấy chứng nhận đã cấp tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận đã cấp khác với mục đích sử dụng đất theo phân loại đất quy định hiện hành;
5. Vị trí thửa đất thể hiện trên Giấy chứng nhận đã cấp không chính xác so với vị trí thực tế sử dụng đất tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận đã được cấp;
Hoàng An