Hình minh họa
Đồng Nai chọn phương án xây cầu thay phà Cát Lái
Chiều 30/12, UBND tỉnh Đồng Nai làm việc với đơn vị tư vấn về tiến độ thực hiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng cầu thay phà Cát Lái kết nối Đồng Nai với TP.HCM.
Tại buổi làm việc, đơn vị tư vấn đã phân tích ưu nhược điểm của từng phương án xây dựng. Cụ thể, nếu xây cầu thì tổng chi phí đầu tư khoảng 19.000 tỷ đồng; còn làm hầm vượt sông (hầm dìm) thì mức đầu tư lên đến 24.500 tỷ đồng; trường hợp làm hầm khoan chi phí tăng lên hơn 33.000 tỷ đồng.
Mặt khác, việc thi công hầm dìm ở độ sâu khoảng 3 m so với mặt đất, với chiều dài vượt sông khoảng 800 m (gấp đôi so với hầm Thủ Thiêm, TP.HCM) nên quá trình xây dựng sẽ gặp nhiều thách thức. Đối với hầm khoan, phải xây dựng ở độ sâu hàng chục mét so với mặt đất hiện hữu mới đảm bảo an toàn. Phương án thi công hầm khoan rất phức tạp, chỉ phù hợp khi làm hầm dài hàng chục km.
Đó là chưa kể hầm vượt sông khi đưa vào vận hành mỗi năm cần khoảng 100 tỷ đồng để vận hành, bảo dưỡng. Trong khi chi phí vận hành, bảo dưỡng cầu sẽ thấp hơn nhiều.
Hơn 1.450 tỷ đồng đầu tư tuyến vành đai TP. Bạc Liêu
Tuyến đường Vành đai TP. Bạc Liêu có tổng chiều dài khoảng 15km, quy mô 4 làn xe sẽ được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 1.450 tỷ đồng. Dự án vừa được HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa X nhiệm kỳ 2021-2026 bố trí vốn giai đoạn 1. Công trình có tổng chiều dài khoảng 15 km, 4 cầu, dự kiến hoàn thành năm 2026.
Đường Vành đai ngoài - thành phố Bạc Liêu (giai đoạn 1) có điểm đầu tại nút giao Cầu Sập (còn gọi là cầu Dần Xây, phường 8, thành phố Bạc Liêu); điểm cuối giao với dự án cầu Bạc Liêu 4 và đường nối ra đê biển, được chia thành 5 đoạn.
Tổng diện tích đất trồng lúa bị thu hồi phục vụ thi công tuyến đường là 153.049m2 chiếm khoảng 45% diện tích của toàn tuyến đường, với 113 hộ dân của các phường 1, phường 5 và xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu.
Những dự án hạ tầng giao thông nổi bật hoàn thành trong năm 2024
Trong năm 2024, nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng trên cả nước đã hoàn thành. Trong số này có dự án đã thi công kéo dài hơn 10 năm đầu tư xây dựng. Ngày 22/12, tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên chính thức vận hành khai thác thương mại sau 12 năm đầu tư xây dựng.
Được phê duyệt từ năm 2007, Metro Bến Thành - Suối Tiên mất 17 năm mới có thể đưa vào khai thác vì quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc. Toàn tuyến dài 19,7 km, gồm 14 nhà ga, trong đó ba ga ngầm ở khu trung tâm lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.
Ngày 28/4, Bộ GTVT khánh thành, đưa vào khai thác dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, đoạn từ Diễn Châu đến nút giao quốc lộ 46B, qua địa phận các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên (Nghệ An).
Cao tốc nối Nghệ An và Hà Tĩnh dài hơn 49 km, được khởi công tháng 5/2021 với tổng vốn đầu tư hơn 11.150 tỷ đồng. Điểm đầu tuyến tại xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, kết nối cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu.
Đồng Nai sắp khởi công khu tái định cư hơn 31ha phục vụ tuyến cao tốc hơn 17.800 tỷ đồng
Khu tái định cư nhằm phục vụ người dân bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, sẽ được khởi công xây dựng trong quý I/2025. Đây là bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển hạ tầng đô thị của tỉnh, vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân vừa thúc đẩy tiến độ của các dự án hạ tầng trọng điểm.
Khu tái định cư này được triển khai tại phường Tam Phước, với tổng diện tích hơn 31,5ha và được quy hoạch để phục vụ khoảng 6.000-6.500 người dân. Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án đã được phê duyệt, với tổng mức đầu tư hơn 717 tỷ đồng.
Quy mô khu tái định cư sẽ bao gồm quỹ đất nhà ở tái định cư khoảng 11,2ha với 1.280 lô đất nhà liền kề và quỹ đất dự trữ phát triển nhà ở tương lai với diện tích 1,1ha. Ngoài ra, dự án cũng được đầu tư đồng bộ, bao gồm hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước, giao thông nội khu, trường mầm non, công trình thương mại - dịch vụ và công viên cây xanh.
Dự kiến, công tác thi công sẽ cơ bản hoàn thành và bàn giao Đất nền cho người dân vào quý III/2025, sớm hơn so với thời gian tối đa 4 năm được quy hoạch.
Hoàng An