Hình minh họa
Nhiều tập đoàn ngỏ ý hợp tác phát triển Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM
Tối 21/1 theo giờ địa phương, tại Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại tọa đàm "Ứng dụng AI trong sản xuất thông minh và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM".
Tại sự kiện, các đại biểu khẳng định Việt Nam hội tụ nhiều yếu tố, điều kiện cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành trung tâm tài chính quốc tế và khu vực.
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho biết Thành phố đang tập trung tái cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững, cam kết mạnh mẽ về phát triển các ngành then chốt như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), hạ tầng số…
Thành phố đang hình thành cơ chế khuyến khích trí tuệ nhân tạo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Tháng 9/2024 vừa qua, với sự phối hợp chặt chẽ của WEF, Trung tâm C4IR TP.HCM đã hình thành và đi vào hoạt động. Đây là một nỗ lực lớn, có tính đột phá để hướng tới Thành phố dịch vụ công nghiệp hiện đại.
Thủ phủ công nghiệp phía Bắc sắp có thêm 2 khu công nghiệp hơn 5.000 tỷ đồng
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định 198 ngày 21/1/2025 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Song Mai – Nghĩa Trung. Dự án có quy mô diện tích 197,1ha, được thực hiện tại xã Nghĩa Trung, thị xã Việt Yên và xã Song Mai, phường Đa Mai, thành phố Bắc Giang.
Tổng vốn đầu tư của dự án là 2.806,210 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 434,963 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Phó Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án là Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Hà Nội – Bắc Giang.
UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang quy định cụ thể tiến độ thực hiện dự án tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng không quá 30 tháng kể từ ngày quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Kiến nghị nâng cấp quốc lộ 17B qua tỉnh Hải Dương
Phản hồi kiến nghị trên, Bộ GTVT cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Qquốc lộ 17B có tổng chiều dài khoảng 41 km, quy mô 2 làn xe. Hiện nay, Quốc lộ 17B đoạn qua địa bàn tỉnh Hải Dương (dài 27 km) có quy mô 2 làn xe, bề rộng nhỏ hẹp 7,5m - 9m, trong đó có đoạn qua địa bàn huyện Kim Thành.
Bộ GTVT thống nhất với sự cần thiết nghiên cứu mở rộng Quốc lộ 17B đoạn qua địa bàn huyện Kim Thành theo kiến nghị của cử tri để đáp ứng nhu cầu vận tải, tăng cường an toàn giao thông trên đoạn tuyến. Tuy nhiên, do còn khó khăn về nguồn lực nên chưa thể bố trí vốn để đầu tư đoạn tuyến nêu trên trong giai đoạn 2021 - 2025. Bộ GTVT ghi nhận kiến nghị của cử tri và sẽ phối hợp với UBND tỉnh Hải Dương để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, đầu tư cải tạo, nâng cấp đoạn tuyến trong giai đoạn 2026 - 2030.
Các doanh nghiệp Thụy Sĩ đã đầu tư hơn 50.500 tỷ đồng vào Việt Nam
Nhân chuyến công tác tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos ngày 21/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter. Cuộc gặp gỡ mang tính bước ngoặt này đã khẳng định cam kết của hai bên trong việc đưa quan hệ song phương lên Đối tác Toàn diện, phản ánh các ưu tiên và lợi ích chung trong hợp tác hiện nay.
Theo thống kê, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Thụy Sĩ đạt khoảng 2 tỷ USD/năm. Việt Nam xuất khẩu sang Thụy Sĩ các sản phẩm như dệt may, giày dép, nông sản, thủy sản, trong khi nhập khẩu máy móc, thiết bị chính xác, hóa chất và dược phẩm từ Thụy Sĩ.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp Thụy Sĩ đã đầu tư gần 2 tỷ USD vào Việt Nam thông qua hơn 100 dự án, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, tài chính ngân hàng và dịch vụ. Ngược lại, Việt Nam cũng có tiềm năng lớn để thu hút thêm đầu tư từ các công ty Thụy Sĩ trong thời gian tới, đặc biệt trong các lĩnh vực tài chính xanh và đổi mới sáng tạo.
Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tăng cường nỗ lực để sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA). Hiệp định này, khi được ký kết, hứa hẹn sẽ tạo đòn bẩy thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng mạnh mẽ hơn, đồng thời mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai nước.
Tổng thống Karin Keller-Sutter cũng khẳng định Thụy Sĩ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua Chương trình Hợp tác phát triển giai đoạn 2025-2028, tập trung vào các mục tiêu phát triển bền vững, tăng cường khả năng tự cường của nền kinh tế Việt Nam.
Hoàng An