Là Bảo tàng chuyên đề về tội ác, hậu quả chiến tranh xâm lược duy nhất trong cả nước, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh có một lợi thế vô cùng đặc biệt do nội dung trưng bày không trùng lắp với các bảo tàng bạn, có sức hấp dẫn thuyết phục cao, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khách tham quan Việt Nam cũng như quốc tế. Tuy nhiên, Bảo tàng không chủ quan, tự mãn mà luôn tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu, sáng tạo để có được một kịch bản trưng bày hấp dẫn và từ đó lựa chọn những giải pháp trưng bày độc đáo, phù hợp với từng chuyên đề. Đó chính là yếu tố quyết định việc thu hút công chúng đến với Bảo tàng.
Bảo tàng trở thành thành viên của Hệ thống Bảo tàng vì hòa bình thế giới (INMP) trực thuộc UNESCO năm 1998 và thành viên của Hội đồng Bảo tàng thế giới ICOM năm 2007.
Bảo tàng hiện có 8 chuyên đề trưng bày thường xuyên về tội ác, hậu quả của các cuộc chiến tranh xâm lược, về sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam. Các chuyên đề được xây dựng trên những kịch bản riêng, khoa học và hấp dẫn, được trình bày bằng những giải pháp mỹ thuật hợp lý bằng chính kinh phí, nguồn thu sự nghiệp của Bảo tàng chứ không phải bằng ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, hàng năm, Bảo tàng còn thực hiện từ 4-10 triển lãm chuyên đề ngắn ngày như: “Tình yêu trong chiến tranh”, “Trẻ em thời chiến”, “Áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh”, “Nhân đạo”… Những cuộc triển lãm này đã thực sự góp phần thu hút du khách đến với Bảo tàng nhiều lần để được tham quan, tiếp cận đến những vấn đề sâu sắc, độc đáo từ nhiều góc độ khác nhau của cuộc chiến tranh.
Theo bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, dù là một thiết chế văn hóa của TPHCM, Bảo tàng luôn nhận thức sâu sắc rằng hoạt động của Bảo tàng gắn bó mật thiết với ngành giáo dục và ngành du lịch. Bảo tàng đã nỗ lực tham gia các hoạt động ủng hộ sự phát triển của du lịch TPHCM và cả nước.
Đối với khách Việt Nam, gần 80% khách Việt Nam đến với Bảo tàng và các cuộc triển lãm lưu động tại địa phương là lớp trẻ. Trong điều kiện vật chất, phương tiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh vẫn nỗ lực học hỏi, tìm kiếm và xây dựng những chính sách phù hợp với những đối tượng trẻ như trẻ em từ 5-15 tuổi, thanh niên 15-25 tuổi. Vì hầu hầu hết những đối tượng giáo dục mà Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh muốn hướng tới là học sinh, sinh viên, công nhân, bộ đội nên các hình thức giáo dục cần mang tính hấp dẫn, sinh động.
Bên cạnh đó, Bảo tàng thường xuyên đưa triển lãm đến phục vụ các trường tiểu học, trung học, đại học, khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh trại quân đội, phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa từ Điện Biên Phủ cho đến hải đảo… Mỗi năm Bảo tàng tổ chức từ 20-30 cuộc triển lãm lưu động như vậy.
Chủ đề triển lãm lưu động rất phong phú, đa dạng như “Tình yêu trong chiến tranh”, “Phụ nữ Việt Nam qua khói lửa chiến tranh”, “Trẻ em thời chiến”… Bảo tàng còn kết hợp chiếu phim tư liệu phù hợp với từng chủ đề triển lãm để thu hút thanh thiếu niên.
Chia sẻ kinh nghiệm thu hút khách du lịch đến với bảo tàng, bà Huỳnh Ngọc Vân cho biết bảo tàng từ một nhà trưng bày trở thành điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước nhiều nhất là nhờ nỗ lực các hoạt động quảng bá, marketing. “Chúng tôi luôn xác định khách tham quan của bảo tàng là ai, gửi thư ngỏ đến các cơ quan, trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất... để thu hút họ đến với bảo tàng bằng các hoạt động mang tính về nguồn, giáo dục truyền thống lịch sử... Bên cạnh đó, chúng tôi thực hiện các loại hình hoạt động đa dạng: du lịch tham quan sám hối (du khách của các nước từng gây ra tội ác chiến tranh), du lịch khát vọng vì hòa bình, du lịch vì trẻ em tật nguyền bởi chất độc hóa học...”, bà Vân nói.
Bảo tàng thường xuyên tổ chức cho thanh niên giao lưu với cựu chiến binh, cựu tù chính trị, nạn nhân chất độc da cam để chia sẻ, động viên lẫn nhau trong cuộc sống. Những buổi giao lưu đẫm nước mắt đã đem đến nhiều bài học quý báu cho thanh thiếu niên trong quá trình học tập, rèn luyện.
Đặc biệt, ngày 10/8 hàng năm là Ngày vì nhạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Bảo tàng đã mời từ 100-150 tình nguyện viên là sinh viên, bộ đội, công an đến để giúp đỡ, chia sẻ với nạn nhân chất độc da cam… Điều này đã giúp cho thanh niên học hỏi được cách thông cảm, chia sẻ, giúp đỡ nạn nhân chiến tranh, học tập những gương vượt khó vươn lên.
Mục tiêu của chương trình “Hướng dẫn viên nhí” là giáo dục lịch sử, văn học, ngoại ngữ cho học sinh thông qua hoạt động thể nghiệm hướng dẫn tham quan tại Bảo tàng. Đối tượng tham gia chương trình là học sinh Tiểu học, THCS. Học sinh được các hướng dẫn viên của Bảo tàng truyền đạt nội dung thuyết minh, cách diễn đạt, cách di chuyển như một hướng dẫn viên thực thụ. Sau 1-2 tuần học hỏi và thực hành, học sinh sẽ được phép hướng dẫn cho các học sinh lớp nhỏ hơn. Thành quả của việc học tập và thực hành tại Bảo tàng sẽ được “trả công” bằng “Ngày lương đầu tiên” với mục đích là giúp các em cảm nhận thực sự về kết quả mà các em có được sau khi lao động.
Bảo tàng còn tổ chức chương trình giao lưu đặc biệt “Ông bà cháu cùng đến với bảo tàng”. Hàng năm, Bảo tàng mời 5 gia đình đã có những kinh nghiệm tiêu biểu trong chiến tranh với ông bà và các con, cháu cùng tham quan bảo tàng. Trong quá trình tham quan, ông hoặc bà sẽ kể lại những câu chuyện thật mà bản thân đã từng trải nghiệm trong chiến tranh nhằm giáo dục cho con cháu về truyền thống yêu nước của gia đình và truyền thống giữ nước hào hùng của dân tộc. Qua các buổi giao lưu này, Bảo tàng đã xây dựng nên một mạng lưới cộng tác viên mới – chính là các gia đình đã có kinh nghiệm trong chiến tranh.
Trò chơi vận động “Vượt qua tuyến lửa” là một hoạt động giáo dục hết sức mới mẻ, lần đầu tiên được Bảo tàng thể nghiệm vào dịp kỷ niệm 45 năm Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Để có thể thấu hiểu những nỗi khó khăn, vất vả mà các chiến sĩ cách mạng đã phải trải qua khi tham gia cuộc Tổng tiến công, Bảo tàng đã tổ chức trò chơi này như một cơ hội để bộ đội trẻ, sinh viên trải nghiệm những thử thách, gian nan mà dân công hỏa tuyến đã thực hiện như: Tiếp tế lương thực, vận chuyển vũ khí, tải thương vượt qua “cầu khỉ”, đồng bưng, giao thông hào. Hầu hết những “chướng ngại vật” đều được tham khảo ý kiến từ những dân công hỏa tuyến xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh-TPHCM, nơi đã xảy ra vụ thảm sát 32 dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc vào tháng 6/1968. Bên cạnh trò chơi vận động “Vượt qua tuyến lửa”, bộ đội trẻ, sinh viên còn được lắng nghe những câu chuyện xúc động có thật của những chiến sĩ, dân công đã trực tiếp tham gia vào cuộc Tổng tiến công năm 1968.
Hội nhập quốc tế
Không chỉ quan tâm đầu tư về nội dung trưng bày phục vụ du khách ngay tại chỗ, Bảo tàng còn phối hợp với nhiều tổ chức hòa bình, hữu nghị quốc tế tổ chức triển lãm lưu động ở Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đan Mạch… “Sau những hoạt động ấy, rất nhiều khách quốc tế đã quyết định đến thăm Việt Nam”, bà Vân cho hay.
Đặc biệt, một số công ty du lịch đã thường xuyên đề nghị Bảo tàng tạo điều kiện cho du khách gặp gỡ, lắng nghe, chia sẻ với những nhân chứng chiến tranh. Giám đốc Huỳnh Ngọc Vân cho biết Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã xây dựng được một đội ngũ cộng tác viên gồm các cựu chiến binh, cựu tù chính trị, cựu tù binh, nạn nhân chất độc da cam… và hướng dẫn cho họ kể chuyện giao lưu với khách quốc tế có nhu cầu học tập, tìm hiểu thực tế về cuộc chiến tranh đã qua.
Hằng năm, Bảo tàng đã tổ chức từ 40-50 buổi giao lưu giữa khách quốc tế và nhân chứng. Bên cạnh những buổi chuyện trò, chia sẻ, hai bên còn giao lưu bằng âm nhạc, hội họa, thậm chí còn dùng biện pháp massage để xoa dịu những nỗi đau do vết thương chiến tranh gây ra.
Đối với các chuyên gia quốc tế về chính sách công chúng thì du khách thường là các đối tượng được đánh giá là “khách tham quan không thủy chung” vì họ thường chỉ đến thăm các bảo tàng một lần mà thôi. Tuy nhiên, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã đạt được thành công đặc biệt khi đã có nhiều du khách xác nhận rằng họ đến với Bảo tàng hơn một lần, cá biệt có những người đến 6-7 lần. Đây là thành công không chỉ đối với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh mà còn là thành công của ngành du lịch TPHCM khi gây dựng được một điểm đến không thể thiếu đối với du khách khi tới Thành phố.