Hội nghị Khu 7 trong kháng chiến chống Pháp. Ảnh: Tư liệu
Cuộc kháng chiến lần thứ hai của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược mở đầu ở thành phố Sài Gòn trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt phức tạp. Thực dân Pháp, với ưu thế hơn hẳn về quân số, vũ khí và kinh nghiệm trận mạc, lại vừa bước ra khỏi cuộc Đệ nhị thế chiến với tư cách kẻ chiến thắng, đang tiến chiếm thành phố Sài Gòn rồi các tỉnh Nam bộ, Nam Trung bộ. Lực lượng vũ trang cách mạng mới thành lập còn non yếu, thiếu sự thống nhất về tổ chức, trang bị và huấn luyện quân sự. Bên cạnh đó, có không ít tổ chức vũ trang cơ hội, giả danh cách mạng xuất hiện, do các “anh chị” lục lâm thảo khấu hoặc những tên phản động đội lốt tôn giáo đứng ra thành lập, chỉ huy như các sư đoàn dân quân cách mạng; các đơn vị vũ trang Bình Xuyên; các đơn vị vũ trang giáo phái Cao Đài của Lâm Văn Phát, Đặng Quang Dương; các đơn vị vũ trang vô chính phủ như bộ đội HT.29 của Hồng Tảo v.v... Vấn đề sàng lọc, tập hợp tất cả các tổ chức vũ trang về một mối, thành lực lượng thống nhất để chiến đấu chống quân xâm lược Pháp trở thành nhiệm vụ hết sức khẩn bách. Trong bối cảnh lịch sử nêu trên, đồng chí Nguyễn Bình, phái viên của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng ra triệu tập hội nghị cán bộ quân sự Nam bộ nhằm thống nhất các lực lượng vũ trang kháng chiến và phương hướng, kế hoạch chiến đấu chống quân Pháp xâm lược.
Hội nghị diễn ra vào ngày 20-11-1945, tại địa điểm nhà của ông Hồ Văn Thơ tại ấp Phú Trung, An Phú xã, quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Dự hội nghị có 49 đại biểu quân - dân - chính ở miền Đông Nam bộ. (Do khó khăn về thông tin liên lạc, các đại biểu miền Trung Nam bộ và miền Tây Nam bộ không kịp nhận được thông báo và về dự họp). Hội nghị biểu quyết chủ trương: Về chính trị: củng cố lại chính quyền cách mạng các cấp, tập hợp các đảng phái trong mặt trận chung chống Pháp, thống nhất chương trình hành động xây dựng tiềm lực kháng chiến và xây dựng căn cứ địa. Về quân sự: thống nhất các lực lượng vũ trang thành Giải phóng quân Nam bộ do Nguyễn Bình làm Tư lệnh, đồng chí Vũ Đức (Hoàng Đình Giong) làm Chính ủy, đồng chí Nguyễn Thành Phương làm Phó Tư lệnh. Các đơn vị vũ trang tổ chức thành chi đội (tương đương trung đoàn, mỗi chi đội có 3 đại đội, mỗi đại đội có 3 trung đội, mỗi trung đội có 3 phân đội, mỗi phân đội có 3 tiểu đội). Mỗi chi đội hoạt động gắn với địa bàn mỗi tỉnh. Về kinh tế: Lấy máy móc, vật liệu cao su để xây dựng binh công xưởng, quy định phương thức bảo đảm quân lương và thu thuế trong Nhân dân.
Nơi đặt căn cứ của Bộ Tư lệnh Giải phóng quân Nam bộ
Sau hội nghị ngày 20-11-1945, đồng chí Nguyễn Bình quyết định chọn An Phú xã làm nơi đứng chân, xây dựng căn cứ của Bộ Tư lệnh Giải phóng quân Nam bộ. “Tổng hành dinh”, nơi ở làm việc của đồng chí Nguyễn Bình và các bộ phận trực thuộc đặt tại nhà ông Hồ Văn Thơ ở ấp Phú Trung. Các bộ phận khác được chọn đặt tại nhà dân ở khu vực xung quanh. Cụ thể: Báo Giải phóng đặt ở Giồng Riềng, ấp Phú Hưng), Quân khí đặt tại nhà ông Hồ Trọng Nhân, ấp Phú Trung); Binh công xưởng (đặt tại nhà các ông Chín Ngữ, ấp Phú Yên); Quân y (đặt tại nhà ông Út Quả, ấp Phú Yên), Quân lương (đặt tại khu vực vàm Láng The sông Sài Gòn).
Lực lượng bảo vệ “Tổng hành dinh”, ngoài 4 tiểu đội (khoảng 70 người) thường xuyên túc trực, còn có các đơn vị bộ đội đóng xung quanh căn cứ như: 1 trung đội bộ đội địa phương (Vũ Công Định chỉ huy) đóng tại Giồng Riềng; 1 trung đội bộ đội Triệu Cải đóng tại Thạnh Hòa); 1 trung đội bộ đội Nguyễn Minh Sanh đóng tại An Hòa; 1 đại đội bộ đội Huỳnh Kim Trương đóng tại An Hiệp; 1 trung đội bộ đội Hoàng Thọ đóng ở Thạnh Hòa.
Phối hợp với lực lượng bảo vệ căn cứ, Chi bộ Đảng An Phú xã chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang, mỗi ấp có từ một đến hai tiểu đội dân quân. Các tiểu đội dân quân này ngày đêm tổ chức tuần tra canh gác để giữ gìn trật tự, an toàn xóm ấp. Dọc sông, rạch, tại các địa điểm như Vườn Tiêu, Lò Lá, Lò Ghè, Cây Trám, ngã ba Đình, Vàm Láng The, bộ đội và du kích xây dựng các vọng gác. Trong các ấp cũng có các trạm gác, mỗi trạm luôn có từ 2 đến 3 người thay phiên nhau trực làm nhiệm vụ quan sát đánh mõ hoặc thổi tù và báo hiệu khi có địch. Lực lượng dân quân còn xây dựng những bãi cọc ở các vàm lớn như Vàm Ông Chi, Vàm Rạch Kè, Vàm Láng The… nhằm ngăn cản tàu chiến của địch tiến vào xã.
Từ “Tổng hành dinh” An Phú xã, Tư lệnh Giải phóng quân Nam bộ chỉ đạo các đơn vị vũ trang kiện toàn lực lượng, xây dựng thành các chi đội, mở trường quân chính đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho các đơn vị bộ đội và dân quân các địa phương. Đồng thời, Tư lệnh Nguyễn Bình trực tiếp đi vào Sài Gòn khảo sát, chỉ đạo tổ chức lực lượng vũ trang nội thành: Trinh sát, Hành động, Cảm tử, Phá hoại, Trừ gian, Ám sát... Nhiệm vụ của lực lượng này là vừa tác chiến tiêu diệt địch, vừa làm trinh sát, liên lạc, phát động quần chúng, xây dựng cơ sở nội thành.
Vừa chấn chỉnh, xây dựng lực lượng, tại An Phú xã, Tư lệnh Giải phóng quân Nam bộ vừa chỉ đạo các đơn vị vũ trang chiến đấu chống quân Pháp mở rộng phạm vi đánh chiếm, lấy vũ khí của địch để trang bị cho bộ đội, tiêu biểu như các trận Bàu Đồn (Tây Ninh), Bến Ông Khương (Thủ Dầu Một), Đức Hòa (Chợ Lớn), An Phú Đông, Long Phước Thôn, Trung Hưng-Ràng (Gia Định), Tân Uyên (Biên Hòa), trụ sở Cao ủy Pháp D’Argenlieu và trại lính Pháp trên đường Fèdéric Drouhet (Sài Gòn).
Ngày 10-12-1945, tại Bình Hòa Nam bên bờ hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông, Xứ ủy Nam bộ triệu tập hội nghị mở rộng. Hội nghị quyết định chia Nam bộ thành 3 khu 7, 8, và 9. Khu 7 (còn gọi là Chiến khu 7), một tổ chức hành chánh - quân sự ra đời gồm thành phố Sài Gòn và các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn, Bà Rịa, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh. Bộ Tư lệnh Khu 7 gồm: Nguyễn Bình - Khu bộ trưởng, Trần Xuân Độ - Chủ nhiệm Chính trị bộ, Dương Văn Dương - Khu bộ phó. Từ Bình Hòa Nam trở về, Nguyễn Bình ký ban hành thông báo hủy quyết nghị An Phú xã ngày 20-11 để chấp hành chủ trương mới của Xứ ủy Nam bộ. Ông cũng quyết định rời An Phú xã, đặt sở chỉ huy Khu 7 tại căn cứ mới ở Chiến khu Đ (Biên Hòa). Tháng 4-1946, khi Chiến khu Đ bị quân Pháp bao vây tiến công liên tục, Khu bộ trưởng Nguyễn Bình còn quay trở lại An Phú xã lập căn cứ một lần nữa, trước khi chuyển sở chỉ huy Khu 7 về chiến khu Đông Thành, Đồng Tháp Mười.
Các sự kiện quân sự kể trên gắn liền với hoạt động thống nhất lực lượng vũ trang ở Nam bộ trong giai đoạn đầu kháng chiến. Hoạt động ấy gắn liền với vai trò của Tư lệnh Nguyễn Bình, như đánh giá của Thượng tướng Trần Văn Trà, người có mặt trong hội nghị An Phú xã ngày 20-11-1945: “Mỗi giai đoạn lịch sử có con người của nó. Với tư cách là phái viên Trung ương được Bác Hồ cử vào Nam bộ, cộng với bản lĩnh riêng của mình, Nguyễn Bình đã giải quyết được nhiều vấn đề lớn đặt ra trong giai đoạn đầu kháng chiến”. Những “vấn đề lớn” ấy của Tư lệnh Nguyễn Bình gắn với một trong những địa danh nổi tiếng ở Nam bộ: An Phú xã!
Đại tá, PGS, TS Hồ Sơn Đài