(QK7 Online) - Trước khi khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra, thực dân Pháp thường xuyên bắt bớ những người yêu nước, chiến sĩ cách mạng, rồi gõ mõ tập hợp dân làng đến xem chúng tra tấn. Bởi vậy, tiếng mõ trở nên ai oán, là nỗi khiếp sợ với dân làng. Vì thế, tổ chức cách mạng phân công ba đồng chí đột nhập vào đồn của địch lấy cấp chiếc mõ. Đêm 22, rạng sáng ngày 23/11/1940, tiếng mõ Nam Lân gióng lên dồn dập, trở thành hiệu lệnh tập hợp toàn dân Bà Điểm - Hóc Môn vùng dậy chống giặc.
Tiếng mõ Nam Lân thúc giục quân - dân nhất tề đứng lên làm nên khởi nghĩa Nam Kỳ (Ảnh mInh họa).
Chiếc mõ Nam Lân được làm từ gỗ mù u, khi về với cách mạng, mỗi khi tiếng mõ vang lên theo hồi, nhịp đã được thống nhất là tất cả bà con xã Bà Điểm hưởng ứng khua thùng, thau, chậu và cùng hô vang khiến giặc hoảng sợ không dám ra khỏi bót. Nhân cơ hội đó, các cơ sở chính trị tuyên truyền, thống nhất kế hoạch chuẩn bị cho khởi nghĩa Nam Kỳ. Trong gia đình có nhiều người tham giam hoạt động cách mạng, ông Mai Công Tài thường xuyên được các bác, cha, chú kể về những gương chiến đấu, hy sinh của quân - dân ta để làm nên lịch sử hào hùng của 18 thôn vườn trầu. Vì thế, nhiều năm qua, ông đã say mê với công việc sưu tầm kỷ vật, tập hợp tư liệu viết sách, ông Tài được xem như “người giữ hồn cho tiếng mõ Nam Lân”, gìn giữ những trang sử vàng về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, ông cũng dành nhiều tâm huyết mang ý nghĩa lịch sử này để giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.
Qua lời kể của ông Mai Công Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Bà Điểm: “Trong khởi nghĩa Nam Kỳ, cái mõ cũng là hiệu lệnh, gióng lên để tập hợp thanh niên đi huấn luyện, đi hội họp. Có quy định riêng đối với từng hồi mõ, ví dụ đánh làm sao để bà con trong xóm biết là Tây đổ bộ ở đâu thì người ta tìm cách tránh cuộc càn quét của địch và cái mõ Nam Lân này đi theo tiến trình lịch sử, từ chỗ nô lệ, xiềng xích, bị bóc lột…thì chúng ta lại vùng lên cướp được chính quyền, làm chủ vận mệnh của mình”.
Ông Mai Công Tài kể cho các bạn trẻ nghe những câu chuyện về truyền thống cách mạng 18 thôn vườn trầu.
Chiếc mõ Nam Lân hiện được trưng bày tại Nhà truyền thống xã Bà Điểm, được người dân xem như kỷ vật quý giá, gợi nhớ bao kỷ niệm bi thương, hào hùng của quê hương 18 thôn vườn trầu. Cách đây 83 năm, chiếc mõ này được lão thành cách mạng Nguyễn Thanh Trà (tức Năm Chà) đi khắp làng trên, xóm dưới gõ mõ, tiếng mõ vang lên thúc giục quân – dân ta xung trận, nhất tề đứng lên làm cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.
Chiếc mõ Nam Lân hiện được trưng bày tại Nhà truyền thống xã Bà Điểm.
Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương 18 thôn vườn trầu, LLVT huyện Hóc Môn luôn duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, phối hợp với lực lượng chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Ban chỉ huy Quân sự huyện luôn chú trọng công tác xây dựng LLVT vững mạnh, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, thường xuyên tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng, gắn phát triển kinh tế với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân và khu vực phòng thủ vững chắc. Dưới bóng những hàng cau, bên những luống trầu truyền thống, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ LLVT càng sáng lên vẻ đẹp đặc trưng, ấn tượng.
Dân quân Nguyễn Ngọc Tuấn, Ban CHQS xã Bà Điểm chia sẻ: “Thanh niên chúng tôi luôn trau dồi đạo đức cách mạng, nỗ lực học tập tốt, huấn luyện tốt, ra sức cống hiến cho quê hương, xứng đáng với công lao của ông cha ta. Chúng tôi cũng thường xuyên chăm sóc, cải tạo cảnh quan các khu di tích lịch sử trên địa bàn và tuyên truyền ý nghĩa lịch sử của vùng đất anh hùng 18 thôn vườn trầu”.
LLVT huyện Hóc Môn tổ chức huấn luyện chiến đấu trong diễn tập.
Với quyết tâm và tinh thần cách mạng 18 thôn vườn trầu, người dân đã nỗ lực vươn lên vượt qua khó khăn, cùng với chính sách của Đảng, Nhà nước, Thành phố đang mang lại sức sống mới trên mảnh đất này. Từ một vùng đất thuần nông, xã Bà Điểm hôm nay đang tập trung xây dựng nông thôn mới gắn với thương mại, dịch vụ và du lịch, tiểu thủ công nghiệp, từng bước phát triển mô hình nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, hàng loạt các dự án đã, đang và sẽ được triển khai, mang dáng dấp nhộn nhịp phố thị.
Trao đổi với phóng viên, đồng chí Nguyễn Minh Thảo, Chủ tịch UBND xã Bà Điểm cho biết: “Phát huy tinh thần quật khởi của khởi nghĩa Nam Kỳ trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước giai đoạn hiện nay, xã Bà Điểm phấn đấu đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn nâng cao năm 2025. Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân xã Bà Điểm hết sức quan tâm giáo dục truyền thống cho các thế hệ”.
Hội trại truyền thống “Tiếng mõ Nam Lân” lần thứ 5 với nhiều hoạt động ý nghĩa.
“Tham gia Hội trại, tôi và các bạn trại sinh có dịp tìm hiểu về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, tôi xúc động trước tinh thần anh dũng, kiên trung của các thế hệ cha anh đi trước, qua đây đã bồi đắp cho bản thân lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống cách mạng vẻ vang”. Bạn Hồ Ngọc Hoài Linh, Sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng chia sẻ.
Tiếng mõ Nam Lân – biểu tượng về tinh thần đoàn kết, đồng lòng trong khởi nghĩa Nam Kỳ vẫn còn âm vang mãi, tiếp thêm dũng khí để thế hệ trẻ hôm nay có trách nhiệm nối tiếp truyền thống cách mạng, đem công sức, trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.
BẠCH THIẾT