Bác sĩ Võ Đức Chiến (bìa trái) khám bệnh cho già làng xã Đăk Ơ
Ấm tình biên cương
Đã bước qua tuổi 50 nhưng bà KGrao vẫn là lao động duy nhất trong gia đình. Chồng mất sớm, không để lại gia tài gì ngoài một mảnh đất nhỏ và hai người con trai. Bất hạnh ập xuống khi người con đầu gặp tai nạn giao thông, giờ nằm một chỗ. Con trai thứ hai từ nhỏ đã nhiễm chất độc da cam nên chậm phát triển, tuổi trưởng thành nhưng không giúp gì nổi cho gia đình. Bao nhiêu năm qua, cả nhà trông cậy vào công việc làm thuê lúc có, lúc không của bà. Nơi gia đình trú ngụ, gọi là “nhà” cho... giống người ta chứ nhìn vào giống túp lều hơn, vách là mấy tấm liếp ghép bằng tre, nứa; đứng trong nhà, ngẩng lên thấy ngay trời xanh. Mùa mưa, nước trút lênh láng; mùa khô, nắng xuyên qua mái xuống tới nền đất. Sống trong môi trường ẩm thấp nên bệnh tình hai người con ngày một nặng thêm. Khi đoàn công tác TPHCM đến thăm, bà KGrao ra tận đường đón vào nhà. Nghe bà tâm sự, giãi bày, mọi người xúm vào hỏi han, động viên. Một số cá nhân bỏ tiền túi ra tặng gia đình mua thêm gạo, đồ dùng. Biết gia đình mình được TPHCM hỗ trợ xây nhà tình thương, bà nước mắt ngắn, nước mắt dài, cảm ơn không ngớt.
Rời nhà bà KGrao, ban tổ chức Nghĩa tình biên giới đến thăm gia đình các già làng, thương binh, liệt sĩ trong xã. Không nề hà đường đi xa xôi, hiểm trở, bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, mang theo một ba lô đồ nghề, khám bệnh cho người cao tuổi, ân cần hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe, kê đơn thuốc. Ở trạm y tế xã Đăk Ơ, bà con xếp hàng nhận quà từ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN), Hội Chữ thập đỏ TPHCM, chờ y bác sĩ của TP khám bệnh, phát thuốc miễn phí.
Chương trình Nghĩa tình biên giới do Hội LHPN phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Hội Chữ thập đỏ và Tổng Công ty Điện lực TPHCM thực hiện tại huyện Bù Gia Mập với nhiều hoạt động ý nghĩa, như: hỗ trợ xe nước mía, máy khâu cho phụ nữ nghèo, khám bệnh, phát thuốc, giúp hộ nghèo sửa chữa, thay thế thiết bị điện... Đây là tình cảm của người dân TP mang tên Bác gửi đến biên cương.
Gửi ân tình ra nơi đầu sóng
Không những dành cho đồng bào vùng biên giới mà tấm lòng người dân TPHCM còn gửi ra nơi đầu sóng, biển, đảo thân thương.
Năm 2016, lần đầu tiên TP tổ chức đoàn đại biểu ra thăm cán bộ, chiến sĩ canh giữ vùng trời, vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Dưới sự hỗ trợ của Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 5, các đoàn công tác đến 5 điểm đảo, động viên cán bộ, chiến sĩ vững vàng công tác, nhân dân trên đảo xây dựng cuộc sống và thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia. Nhiều bài thơ, ca khúc ra đời ngay trên tàu, trên đảo. Liên đoàn Lao động TPHCM cũng vận động góp gần 2 tỷ đồng chăm lo ngư dân, cảnh sát biển ở TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Đặc biệt, Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc” huy động hơn 50 tỷ đồng, dùng chăm lo cho các lực lượng bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo và thực hiện chính sách hậu phương quân đội.
Đánh giá về công tác tuyên truyền về biên giới, biển, đảo Tổ quốc năm 2016, đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM nhận xét: “Các phong trào, hoạt động hướng về biên cương, biển, đảo ngày một thiết thực, có chiều sâu và sức lan tỏa. Không ít tổ chức, cá nhân bằng những hình thức năng động, sáng tạo của mình đã chủ động phối hợp với các đơn vị quân đội thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa. Kết quả trên thể hiện sự đồng thuận của nhân dân với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước”
nguồn: sggp.org.vn