“Đứa con” của phong trào Đồng Khởi
Ngày 20-7-1954, Hiệp định Geneve về chấp dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ miền Đông hành quân về huyện Hàm Tân, Xuyên Mộc của tỉnh BR-VT để tập kết ra miền Bắc. Riêng tỉnh Tây Ninh, chỉ có gần 300 cán bộ, đảng viên tập kết ra Bắc. Hơn 4.000 cán bộ, đảng viên ở lại, hòa mình vào quần chúng trên từng địa bàn được phân công, cùng ăn, cùng ở, cùng lao động sản xuất và đấu tranh với địch.
Đế quốc Mỹ với tham vọng làm bá chủ toàn cầu đã ngang nhiên phá hoại Hiệp định Geneve, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Sài Gòn trở thành thủ đô của chế độ ngụy quyền và là nơi đế quốc Mỹ đặt Nhà trắng và Lầu 5 Góc ở Đông Dương. Miền Đông Nam bộ trở thành vùng chiến thuật trọng yếu. Chúng bố trí nhiều đoàn thiện chiến và những đơn vị tinh nhuệ, như quân dù, thủy quân lục chiến. Đồng thời xây dựng, nâng cấp hàng loạt sân bay, bến cảng, kho tàng ở Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Vũng Tàu, Nhà Bè, Long Bình, thành Tuy Hạ và hệ thống các đường giao thông chiến lược chiến thuật tỏa dần khắp nơi.
Trong những năm đầu sau Hiệp định Geneve, Mỹ - Diệm thi hành chính sách “tố cộng, diệt cộng”, “đặt cộng sản ngoài vòng pháp luật”, ra đạo luật 10/59, thực hiện khẩu hiệu “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”, nhằm đè bẹp phong trào yêu nước của nhân dân ta. Chỉ trong 4 năm (từ 1955-1958), ở Nam Bộ chỉ còn khoảng 5.000 đảng viên so với 60.000 đảng viên trước đó.
Những cuộc khủng bố đẫm máu của Mỹ-Diệm đã đẩy nhân dân ta đứng trước sự lựa chọn không thể khác được. Đó là con đường tiếp tục cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước. Ánh sáng Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị tháng 5-1959: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân” đã đặt nền móng cho một chủ trương mới được ghi vào Nghị quyết Hội nghị Xứ ủy Nam bộ: con đường tiến lên của cách mạng miền Nam là phải dùng bạo lực giành chính quyền.
Ngày 26/1/1960, Xứ ủy Nam bộ quyết định tiêu diệt căn cứ Tua Hai, làm súng lệnh tiến công, châm ngòi cho phong trào Đồng khởi toàn miền Nam. Lực lượng tham gia trận đánh gồm Đại đội 59, Đại đội 60 và Đại đội 80 với tổng quân số khoảng 200 cán bộ, chiến sĩ. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến, đêm ngày 25 rạng ngày 26/1/1960 ta nổ súng tiến công. Chỉ sau một giờ chiến đấu, ta làm chủ hoàn toàn căn cứ, tiêu diệt và bắn sống hơn 500 tên địch, thu hơn 1.500 khẩu súng các loại.
Chiến thắng Tua Hai đã mở ra khả năng đánh thắng giặc Mỹ của quân và dân miền Đông Nam bộ. Vành đai diệt Mỹ hình thành và tỏa rộng ở Đồng Dù - Củ Chi, Lái Thiêu - Bến Cát, Rạch Kiến - Long An, Trảng Lớn - Tây Ninh.
Sau chiến thắng Tua Hai lịch sử, Tỉnh ủy Tây Ninh chủ trương xây dựng đơn vị vũ trang chủ lực của tỉnh. Trong phiên họp Tỉnh ủy từ ngày 30/01 đến 01/02/1960 tại Chiến khu Bời Lời, Trảng Bàng, Tây Ninh, khi bàn về việc đặt tên cho đơn vị vũ trang đầu tiên của tỉnh, đồng chí Võ Văn Truyện, Bí thư Tỉnh ủy lúc đó nói: “Xứ ủy đưa về cho tỉnh 14 chiến sĩ cách mạng, cứ lấy con số chẵn mà đặt tên, nay chúng ta có 14 chiến sĩ hãy đặt là Tiểu đoàn 14, sau này chắc chắn sẽ có thêm tiểu đoàn 16, tiểu đoàn 18, tiểu đoàn 20…”. Và ngày 01/02/1960 (ngày họp thứ hai của Tỉnh ủy) được lấy làm ngày truyền thống của Tiểu đoàn bộ binh 14.
Thiếu tướng Hoàng Đình Chung, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu tham quan phòng truyền thống Tiểu đoàn 14
Những ngày tháng Tư lịch sử, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 14 xúc động, tự hào được đón tiếp các đồng chí cựu chiến binh về thăm đơn vị. Đại tá Nguyễn Lương, còn gọi là Sáu Lương, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh, nguyên Tiểu đoàn trưởng kiêm Chính trị viên Tiểu đoàn 14 vui mừng, phấn khởi trước sự phát triển, trưởng thành của tiểu đoàn hôm nay.
Trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn, chú Sáu Lương vẫn nhớ như in 15 năm chiến đấu gian khổ, ác liệt, “lấy ngày làm đêm, lấy đêm làm ngày”, “nấu không khói, nói không tiếng”, xây dựng công sự, đào hầm bí mật liên hoàn, chiến đấu trực diện với quân địch. Từ những trận đánh nhỏ “diệt ác phá kềm” đến những trận đánh to thắng lớn, tiểu đoàn luôn cơ động nhanh, chiến đấu giỏi, kiên cường bám trụ vùng ven, trên các trục lộ giao thông huyết mạch, đập tan âm mưu bình định và lấn chiếm của địch, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Chiến sĩ thi đua của tiểu đoàn tại Đại hội chiến sĩ thi đua, dũng sĩ diệt Mỹ tỉnh Tây Ninh năm 1968
Để phá vỡ chiến thuật “nhả răng bừa” của địch, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn đã thực hiện phương châm “Bám đất, bám dân và bám địch để đánh”. Chú Sáu Lương nhớ lại: “Các hầm bí mật được tiểu đoàn xây dựng thành thế liên hoàn chiến đấu, khi hầm này lộ, thì hầm khác bật nắp nhảy lên đánh giải vây. Mỗi hầm trú ẩn vừa là một công sự chiến đấu, vừa là hầm chông đánh địch. Khi bộ đội đến trú ẩn thì nhổ chông lên, khi đi thì cắm chông xuống và ngụy trang”.
Sau gần 2 năm bám trụ “Quyết tử giữ Gò Dầu”, Tiểu đoàn 14 cùng các đơn vị bạn và du kích đã tạo thế mới, lực mới cho địa phương. Phạm vi hoạt động của ta ngày càng mở rộng, địch bị bao bó trong đồn bót, không dám manh động. Tuy nhiên, Tiểu đoàn 14 cũng chịu tổn thất không hề nhỏ: một phần ba quân số đã ngã xuống để bảo vệ mảnh đất này. Ngày 28/12/1971, Đại đội 2 của tiểu đoàn vinh dự được Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang giải phóng.
Đại tá Nguyễn Lương về thăm đơn vị, chụp hình lưu niệm cùng cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 14 hôm nay
Tiếp đó tháng 9/1973, tiểu đoàn phục kích tiêu diệt tiểu đoàn 2/trung đoàn 49 ngụy tại Thạnh Đức; tập kích, bao vây đồn Đất Mọi cũng tại xã Thạnh Đức vào tháng 5/1974, thiết thực góp phần đấu tranh buộc địch nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Paris. Tiểu đoàn đã cùng nhân dân vùng ven gỡ nhiều đồn bót, đánh thiệt hại nặng các đơn vị chủ lực và bảo an, đập tan kế hoạch tràn ngập lãnh thổ của địch, giành quyền làm chủ.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, từ ngày 26-30/4/1975, Tiểu đoàn 14 có nhiệm vụ phối hợp cùng các đơn vị địa phương và quân chủ lực Miền giải phóng thị xã Tây Ninh, ngăn chặn địch từ Tây Ninh tháo chạy về Sài Gòn. Trực tiếp chỉ huy đơn vị trong trận quyết chiến chiến lược, chú Sáu Lương xúc động bồi hồi: “Đêm 29/4 tiểu đoàn hành quân tiến công đồn Quy Thiện. Đồn bị hạ, Đại đội 2 dừng chân chiếm lĩnh. Tiểu đoàn tiếp tục tiến công đánh địch ở chợ Long Hoa. Sau 20 phút chiến đấu, tiểu đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “mở cửa”, Ban chỉ huy tỉnh đội chỉ thị cho tiểu đoàn tiến thẳng vào tiểu khu Tây Ninh. Tên đại tá tỉnh trưởng Bùi Đức Tài xin đầu hàng. 13 giờ ngày 30/4, thị xã Tây Ninh được giải phóng”.
Thị xã Tây Ninh ngày giải phóng
Trong 15 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ năm 1960 đến 1975, tiểu đoàn đã tham gia 4 chiến dịch lớn, đánh trên 400 trận, tiêu diệt trên 13.200 tên địch; diệt 19 đồn bót, 16 tháp canh; bắn cháy 218 xe tăng, thiết giáp, xe quân sự; bắn chìm 50 tàu địch; bắn rơi 29 máy bay các loại; thu hàng ngàn súng các loại, máy thông tin, đạn…
Chiến công của Tiểu đoàn 14 cũng là chiến công chung của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tây Ninh, hòa vào niềm vui đại thắng của dân tộc: Miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải. Tiểu đoàn 14 và Đại đội 2 vinh dự được Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân vào ngày 12/9/1975. Tiểu đoàn có 3 cá nhân được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân, đó là liệt sĩ Bùi Xuân Nguyên tuyên dương ngày 15/1/1976, liệt sĩ Trần Quốc Đại tuyên dương ngày 6/11/1978 và Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thành Nghĩa tuyên dương ngày 30/8/1995.
Trên chặng đường dài 15 năm chiến đấu, biết bao máu xương của cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn đã đổ xuống, theo số liệu thống kê có 648 cán bộ, chiến sĩ hy sinh; 1.403 đồng chí bị thương tật. Ngay trong ngày chiến thắng 30/4/1975 có 6 đồng chí hy sinh và 5 đồng chí bị thương, đã xây đắp nên truyền thống “trung dũng kiên cường, đánh nhanh diệt gọn, đi là đánh, đánh là thắng; tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, gắn bó máu thịt với dân, được nhân dân yêu mến, là bộ đội của dân, Bộ đội Cụ Hồ”.