Những phần quà ấm áp nghĩa tình
Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, để hỗ trợ lực lượng sư đoàn thực hiện nhiệm vụ chống dịch tại TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Hội Phụ nữ sư đoàn làm 80kg chà bông thịt heo; 380 hộp thịt hộp và hàng trăm hộp đậu phộng rang muối với tổng trị giá 45 triệu đồng tặng cán bộ, chiến sĩ.
![](/fileman/Uploads/tbNews/27362/thumb/h5_20220308074958923.jpg)
Phụ nữ sư đoàn làm chà bông, thịt hộp tặng lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Đại úy Đặng Thị Mai Xuân, Chủ tịch Hội Phụ nữ sư đoàn chia sẻ: “Để có được số lượng chà bông và thịt hộp trên, sư đoàn hỗ trợ đoàn thanh niên, Hội phụ nữ gần 500kg thịt heo từ sản phẩm chăn nuôi của đơn vị; kinh phí bảo đảm mua gia vị, hũ đựng chà bông, thịt hộp được các cơ quan, đơn vị ủng hộ và trích một phần từ kinh phí hoạt động hội. Đây là những phần quà gửi đến cán bộ, chiến sĩ sư đoàn trên tuyến đầu chống dịch, bảo đảm sức khỏe bộ đội hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
![](/fileman/Uploads/tbNews/27362/thumb/h4.jpg)
Những phần quà ấm áp, nghĩa tình được vận chuyển đến cho người dân có hoàn cảnh khó khăn do đại dịch.
Hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế
Hưởng ứng Phong trào “Phụ nữ Quân khu giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, Hội Phụ nữ sư đoàn có nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả, huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ hội viên hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.
![](/fileman/Uploads/tbNews/27362/thumb/h3.jpg)
Phụ nữ sư đoàn thăm, tặng quà lực lượng tuyến đầu chống dịch trên địa bàn TP.HCM.
Năm 2020, Đại úy QNCN Lê Thị Hòe, nhân viên quân nhu Ban Quân nhu, Phòng Hậu cần sư đoàn vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn của Hội phụ nữ đầu tư vào chăn nuôi heo. Nhờ chú trọng đến công tác phòng bệnh, vệ sinh chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi phù hợp nên trong năm đầu tiên gia đình chị xuất chuồng 3 lứa heo, trừ các khoản chi phí đầu tư, thu lãi gần 90 triệu đồng. Hiện nay gia đình chị luôn duy trì đàn heo hơn 50 con cho thu nhập ổn định. Từ nguồn lãi chăn nuôi chị mở rộng diện tích trồng rẫy và cây ăn trái.
Cũng như chị Hòe, Thượng úy QNCN Đặng Thị Nguyệt, Tổ trưởng Tổ 2, Chi hội Trung đoàn 88, Sư đoàn 302 có hoàn cảnh khó khăn, nuôi 2 con nhỏ, cha mẹ già yếu nên cuộc sống gia đình rất vất vả. Được sự động viên, hỗ trợ vay vốn của hội, chị Nguyệt vay mượn thêm người thân đầu tư nuôi heo rừng lai, gà vịt. Để chăn nuôi đạt hiệu quả cao, hội còn tạo điều kiện cho chị tham quan, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi từ chị em trong hội và các mô hình kinh tế trên địa bàn. Hiệu quả từ việc chăn nuôi mang lại cho gia đình chị nguồn thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Chị có thêm điều kiện lo cho con ăn học, mua sắm trang thiết bị phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình.
Đại úy QNCN Đặng Thị Mai Xuân, Chủ tịch Hội Phụ nữ sư đoàn cho biết: “Mỗi năm hội duy trì bình xét cho 8-10 hội viên vay vốn. Ngoài nguồn vốn Bộ Quốc phòng, Quân khu, nguồn tiết kiệm tại hội, hội còn có tổ nhóm tiết kiệm mỗi tổ từ 10 đến 15 người mỗi tháng đóng 2 triệu đồng để giúp những hội viên có hoàn cảnh khó khăn nhận trước giải quyết việc gia đình. Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm quyền lợi, lợi ích chính đáng của phụ nữ, hội thường xuyên sâu sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình, quan tâm chăm lo đời sống chị em, kịp thời đề ra các hướng giải quyết, khắc phục khó khăn”.
Từ hiệu quả Phong trào “Phụ nữ Quân khu giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” cho thấy vai trò của phụ nữ ở đơn vị cơ sở ngày càng được phát huy. Việc hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên, từ đó chị em luôn an tâm tư tưởng, tích cực, sáng tạo trong công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.