kiểm tra công tác SSCĐ của LLVT Thành phố. Ảnh: Hữu Tân
Một là, nắm chắc tình hình, chủ động chuẩn bị chu đáo về lực lượng, thế trận, sẵn sàng cho thời cơ lịch sử. Sau thắng lợi vang dội của Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Trị Thiên – Huế (tháng 3-1975), ta đã đẩy Mỹ - ngụy lâm vào thế bị động chiến lược nghiêm trọng. Được sự chỉ đạo của cố vấn Mỹ, quân đội Sài Gòn gấp rút xây dựng tuyến phòng thủ xung quanh thành phố, nhằm ngăn chặn lực lượng tiến công của ta, quyết tâm “tử thủ” để chờ cơ hội phản kích. Quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, nhất là chủ trương của Bộ Chính trị ngày 25/3/1975 quyết tâm giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định đã chủ động đánh giá tình hình, xác định quyết tâm và giao nhiệm vụ cho từng lực lượng, chỉ đạo Thành đội thường xuyên nắm chắc động thái của địch, tích cực phát triển lực lượng, tạo lập thế trận để sẵn sàng tham gia chiến đấu khi thời cơ đến. Đồng thời đưa nhiều cán bộ có nhiều kinh nghiệm xuống cơ sở để phát triển bộ đội địa phương và lực lượng du kích, tự vệ. Chủ động phối hợp với đoàn thể các cấp, lựa chọn, sử dụng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ (bị địch bắt và được trao trả sau Hiệp định Pa-ri) để bổ sung cho các cơ sở. Thành đội đã tổ chức nhiều lớp tập huấn quân sự và huấn luyện chiến đấu cho các đơn vị, nhất là huấn luyện chiến thuật đánh chiếm, chốt giữ và bảo vệ các mục tiêu ở địa bàn đô thị,... Chỉ trong thời gian ngắn, LLVT thành phố đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Tính đến trước ngày mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh, bộ đội tập trung của Thành phố đã phát triển thành 2 trung đoàn chủ lực (Trung đoàn 1 Gia Định chính thức thành lập ngày 1/4/1975, nòng cốt là Tiểu đoàn 1 Quyết Thắng và Tiểu đoàn đặc công Gia Định 4; Trung đoàn 2 Gia Định được thành lập ngày 14/4/1975, trên cơ sở các đại đội địa phương của huyện Củ Chi), 6 tiểu đoàn mũi nhọn cùng các đơn vị trực thuộc và cơ quan phục vụ, với quân số lên tới gần 5.000 người; ở mỗi quận, huyện có từ 1 đến 2 đại đội tập trung. Ngoài ra, thành phố còn có hơn 3.340 du kích, hàng trăm tự vệ mật; 6 trung đoàn đặc công, 1 lữ đoàn biệt động nội thành của trên tăng cường,đủ sức hỗ trợ cho bộ đội chủ lực tiến công giải phóng thành phố.
Cùng với phát triển lực lượng, LLVT Thành phố còn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị khác, đẩy mạnh hoạt động tác chiến trên khắp địa bàn, tiến công hàng loạt cứ điểm địch, giải phóng nhiều khu vực, tạo địa bàn đứng chân vững chắc cho các lực lượng của ta áp sát Sài Gòn. Đưa các tiểu đoàn mới thành lập (Tiểu đoàn 197 và 199) xuống bám trụ, đánh lấn địch ở các vùng địch mỏng, yếu, tạo thế ép sát nội đô, làm lỏng thế kìm kẹp và gây rối loạn hậu phương địch. Đây là một trong những phát triển sáng tạo trong nghệ thuật tác chiến của LLVT Sài Gòn - Gia Định, buộc địch phải căng kéo đối phó cả ở bên trong và bên ngoài, tạo điều kiện để các lực lượng chiến dịch triển khai thuận lợi.
Hai là, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ lực trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Thành phố Sài Gòn - Gia Định vào đầu năm 1975 là đô thị lớn nhất miền Nam, có dân số đông (khoảng 3,5 triệu người), là nơi tập trung các cơ quan đầu não của ngụy quân, ngụy quyền, nơi có nhiều công trình cao tầng, địa hình thành phố khá phức tạp; trong khi đó, các binh đoàn chủ lực của ta vừa cơ động từ xa tới, thời gian chuẩn bị lại rất gấp, nên việc nắm tình hình địa bàn tác chiến gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, phối hợp tác chiến giữa LLVT tại chỗ với các đơn vị chủ lực là vấn đề quan trọng hàng đầu. Ngay khi các cánh quân của ta áp sát Sài Gòn và trong suốt chiến dịch, LLVT thành phố đã chủ động triển khai thế trận tiến công vững chắc, linh hoạt trên các hướng, nhằm diệt ác, phá kìm, tiêu diệt và làm tan rã địch tại chỗ; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cánh quân đánh chiếm các bàn đạp và thực hiện mở đường, dẫn đường cho các binh đoàn chủ lực thọc sâu, đánh thẳng vào các mục tiêu trọng yếu ở nội đô. Cụ thể: Hướng Tây, Trung đoàn Gia Định 1 tiến công Xuân Thới Thượng, Bà Điểm, mở cửa cho Binh đoàn 232; hướng Tây Bắc, Trung đoàn Gia Định 2 tiến công thị trấn Hóc Môn; hướng Bắc, Tiểu đoàn 4 Gia Định phối hợp tiến công sân bay Tân Sơn Nhất; hướng Tây Nam, Tiểu đoàn 197 tiến công Tân Kiên, An Lạc (Bình Chánh); hướng Nam, Tiểu đoàn 198 tiến công Đa Phước (Nhà Bè); hướng Đông, Tiểu đoàn Thủ Đức tiến công huyện lỵ Thủ Đức.
Đặc biệt, LLVT tại chỗ đã phối hợp với lực lượng đặc công, biệt động đánh chiếm, bảo vệ 14 chiếc cầu để đại quân ta tiến vào thành phố. Trong đó việc cầu Rạch Chiếc, cầu Sài Gòn… được bảo vệ đã mở đường cho mũi thọc sâu của Quân đoàn 2 tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ nội các ngụy quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống ngụy Dương Văn Minh phải ra lệnh cho toàn bộ quân địch hạ vũ khí đầu hàng vô điều kiện.
Ba là: Phát huy vai trò nòng cốt của LLVT trong việc hỗ trợ quần chúng Nhân dân nổi dậy giành chính quyền. Đây là một trong những nét độc đáo, sáng tạo của chiến tranh Nhân dân Việt Nam. Vào thời điểm tháng 4/1975, mặc dù bị lung lay tận gốc, nhưng lực lượng bảo vệ của địch còn mạnh. Vì thế, để chiến dịch giành thắng lợi nhanh gọn và triệt để phải kết hợp chặt chẽ giữa tiến công của các binh đoàn chủ lực và nổi dậy của quần chúng. Vai trò nòng cốt của LLVT thành phố trong hoạt động nổi dậy được thể hiện rõ, tổ chức chặt chẽ, với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo và diễn ra trên khắp các địa bàn; trong đó, hoạt động diệt ác, phá kìm và đánh chiếm các cơ quan đầu não địch ở địa phương đã có tác động lớn để quần chúng nổi dậy mạnh mẽ ở khắp nơi. Cùng với các mũi tiến công của các đơn vị tập trung, Thành đội còn phối hợp với các địa phương tổ chức các đội công tác vũ trang, các đoàn thể khóm, phường, khu phố… chủ động tỏa đi khắp nơi để vận động, hướng dẫn quần chúng nổi dậy, thực hiện tiến công bằng chính trị, binh vận đối với ngụy quân, cảnh sát địch, khiến chúng tan vỡ từng mảng.
Với những thành tích đã đạt được, trưa ngày 30/4/1975, Bộ Chính trị đã gửi điện khen ngợi quân và dân Sài Gòn - Gia Định: “Bộ Chính trị nhiệt liệt khen ngợi quân và dân Sài Gòn - Gia Định, khen ngợi toàn bộ cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên thuộc đơn vị chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội tinh nhuệ, dân quân tự vệ đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, lập chiến công chói lọi, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng lớn quân địch, buộc chúng phải đầu hàng không điều kiện, giải phóng thành phố, đưa chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại đến toàn thắng”.
Tự hào với truyền thống và những thành tích vẻ vang của LLVT Sài Gòn – Gia Định trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, mà trực tiếp là của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu và Thành ủy, UBND TPHCM, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thành phố, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan đơn vị tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng LLVT thành phố vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố; tập trung triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần, thế trận lòng dân vững mạnh; nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu và xử lý có hiệu quả, đúng pháp luật các tình huống về quốc phòng, an ninh trên địa bàn, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để cùng với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xây dựng thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu – Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, cùng cả nước, vì cả nước.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, LLVT Sài Gòn - Gia Định phối hợp với các lực lượng và Nhân dân tiêu diệt và làm tan rã 31.000 tên địch, bắt sống hơn 12.000 tên, chiếm giữ, bảo vệ 14 cầu, 21 chi khu quân sự, trụ sở tề, ấp 22 đồn cấp tiểu đoàn, đại đội, chi khu; thu 88 xe quân sự, 12.275 súng các loại, 216 tấn vũ khí và trang bị quân sự.