![](/fileman/Uploads/tbNews/19259/thumb/726-07-copy.jpg)
kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, 8/1945. Ảnh: Tư liệu.
Tháng 9-1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Từ ngày 6 đến ngày 8-11-1939, tại Bà Điểm (Gia Định). Quán triệt chủ trương của Hội nghị Trung ương lần thứ VI, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định tiến hành công tác chuẩn bị và phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay Nhân dân. Và đêm 22 rạng ngày 23-11-1940, khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ! Trước đó, kế hoạch khởi nghĩa bị lộ, quân Pháp bố trí sẵn lực lượng và chuẩn bị kế hoạch đàn áp. Nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt bị bắt trước giờ khởi nghĩa. Mặc dù vậy, theo kế hoạch định sẵn, quân khởi nghĩa nổi dậy và chiến đấu quyết liệt với địch ở Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Tây Ninh, Biên Hòa, Thủ Dầu Một và nhiều địa phương khác. Sau sự kiện Nam Kỳ khởi nghĩa thất bại, trừ số bị địch giết hại hoặc cầm tù, một bộ phận lực lượng quân du kích - đến cả ngàn người, với một số vũ khí đáng kể - rút lui về các khu vực có địa thế thuận lợi và phong trào cách mạng phát triển để tồn tại và hành động.
Tháng 2-1941, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng. Tại miền Đông Nam Kỳ, đầu năm 1943, một số cán bộ hoạt động ở Sài Gòn liên hệ được với Hoàng Tế Thế (Sài Gòn), Nguyễn Thị Thập (Liên Tỉnh ủy Mỹ Tho), Lê Hữu Kiều (từ Hà Nội vào), Hoàng Dư Khương, Lê Minh Định, Trần Văn Trà (từ miền Trung vào) tập hợp thành một tổ chức Đảng, ra báo “Giải phóng” làm cơ quan ngôn luận. Cũng đầu năm 1943, Trần Văn Giàu, Dương Quang Đông vừa vượt ngục Tà Lài trở về liên lạc được với các đảng viên ở 21 tỉnh, thành ở Nam Kỳ, lần lượt lập ra các Tỉnh ủy mới, ra báo “Tiền phong” làm cơ quan ngôn luận. Như vậy, từ cuối năm 1943, ở Nam Kỳ có hai tổ chức Đảng Cộng sản, thường được gọi phân biệt là Tiền phong và Giải phóng.
Cuối năm 1944 đầu năm 1945, cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đang bước vào giai đoạn kết thúc trong thế thắng của phe Đồng minh. Đêm 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Thực hiện sự lãnh đạo của các Xứ ủy Nam Kỳ, Nhân dân các tỉnh tự sắm sửa giáo mác, xà mâu, gậy tầm vông vạt nhọn. Công nhân, nông dân, tìm cách lấy súng, đạn của Pháp, của Nhật. Cùng với lực lượng Thanh niên Cứu quốc, Tự vệ chiến đấu quân, từ tháng 6-1945, tại Sài Gòn và các tỉnh, phong trào Thanh niên Tiền phong ra đời và phát triển mạnh mẽ. Chỉ trong vòng một tháng khởi xướng phong trào, thành phố Sài Gòn có đến 200.000 đoàn viên. Các đội viên du kích Nam Kỳ (trong Nam Kỳ khởi nghĩa 1940) đang tạm lánh ở địa phương nay gia nhập lực lượng Thanh niên Cứu quốc, Tự vệ chiến đấu quân, Thanh niên Tiền phong, sắm sửa vũ khí, hoạt động vũ trang tuyên truyền, sẵn sàng tổng khởi nghĩa.
Ngày 13-8-1945, hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc ở Tân Trào (Tuyên Quang), và ngày 16-8, biểu quyết thông qua “Mười chính sách lớn của Việt Minh” và “Lệnh tổng khởi nghĩa”. Mặc dù Nghị quyết Hội nghị Đảng toàn quốc và mệnh lệnh tổng khởi nghĩa chưa kịp về đến Sài Gòn và các tỉnh Nam Kỳ, các cấp bộ Đảng ở Nam Kỳ, ở miền Đông Nam Kỳ đã chủ động, linh hoạt tổ chức lãnh đạo tổng khởi nghĩa.
Ngày 21-8, tại Tân An, nơi được Xứ ủy Tiền phong chọn khởi nghĩa thí điểm. Cuộc khởi nghĩa ở Tân An nổ ra và nhanh chóng giành được thắng lợi. Toàn bộ các viên chức đứng đầu bộ máy chính quyền cũ cấp tỉnh đều bị bắt giữ. Ngày 23-8-1945, có hàng ngàn nông dân các xã kéo về Bình Lập cùng với Nhân dân tỉnh lỵ tổ chức biểu tình tuần hành mừng khởi nghĩa thắng lợi.
Tại Sài Gòn – Chợ Lớn, ngay từ giữa đêm 24-8-1945, các đội tự vệ, Thanh niên Tiền phong, công nhân mang băng đỏ Việt Minh có vũ trang nhanh chóng đột nhập, chiếm tất cả các cơ quan, trước hết là những cơ quan quan trọng trong thành phố. 8 giờ 25-8-1945, hàng trăm ngàn người tập hợp trên quãng đường từ trụ sở Ủy ban khởi nghĩa đường Colombert (nay là cơ quan Sở ngoại vụ thành phố trên đường Alexandre de Rhodes) đến Dinh đốc lý Sài Gòn (nay là trụ sở Hội đồng Nhân dân - Ủy ban Nhân dân thành phố). Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch thay mặt Kỳ bộ Việt Minh Nam Kỳ đọc danh sách Lâm ủy hành chánh Nam Kỳ do Trần Văn Giàu làm Chủ tịch.
Tại tỉnh Gia Định, ngày 25-8-1945, lực lượng Thanh niên Tiền phong cùng với Thanh niên cứu quốc đồng loạt kéo về Sài Gòn tham gia giành chính quyền tại các công sở trong trung tâm thành phố. Sau đó, trở về giành chính quyền ở tỉnh lỵ Gia Định. 14 giờ, đoàn người bao vây dinh Đốc phủ sứ (Bà Chiểu). Tỉnh trưởng Nguyễn Phước Lộc buộc phải đầu hàng, giao ấn tín, hồ sơ. Đoàn người tiếp tục đến tiếp quản các công sở trong tỉnh. Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Định được thành lập do thầy giáo Phạm Văn Chiêu làm Chủ tịch.
Tại tỉnh Chợ Lớn, đêm 24-8, các đơn vị vũ trang phối hợp với lực lượng Thanh niên Tiền phong chiếm các công sở và trại lính, giành chính quyền về tay Nhân dân ở thị xã. Ngày 25-8-1945, Nhân dân Chợ Lớn, trong đó có nhiều người Hoa, đã lên Sài Gòn dự mít tinh tuần hành. Riêng tại các quận như Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước, đến ngày 26-8 việc khởi nghĩa giành chính quyền mới hoàn tất.
Tại tỉnh Bà Rịa, sáng 25-8-1945, một cuộc mít tinh hơn 20.000 người ở thị xã Bà Rịa và nông dân, ngư dân lân cận về tổ chức mít tinh tại trung tâm thị xã. Tại lễ mít tinh, thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong Dương Văn Xá tuyên bố từ nay chính quyền tỉnh Bà Rịa thuộc về tay Nhân dân, ra lệnh hạ cờ quẻ ly, kéo cờ đỏ sao vàng lên và sau đó làm lễ chào cờ. Chiều 25-8-1945, lễ ký biên bản bàn giao chính quyền được tổ chức tại Dinh tỉnh trưởng.
Tại tỉnh Biên Hòa, ngày 25-8-1945, khoảng 600 đại biểu của Đảng bộ Đảng Cộng sản, Mặt trận Việt Minh, Công đoàn cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Công chức cứu quốc, Thanh niên Tiền phong kéo về tham gia khởi nghĩa và dự lễ mít tinh tại Sài Gòn. Sau đó đoàn trở về cùng với Nhân dân Biên Hòa giành chính quyền tại địa phương. Sáng 27-8-1945, một cuộc mít tinh được tổ chức ở thị xã Biên Hòa, Ủy ban Nhân dân cách mạng làm lễ ra mắt trước công chúng và tuyên bố thành lập chính quyền Nhân dân.
Tại tỉnh Thủ Dầu Một, sáng 25-8, lực lượng cách mạng đến Tòa thị chính (Tòa bố) buộc Tỉnh trưởng Lương Sơ Khai giao lại chính quyền. Hơn 50.000 nông dân Bến Cát, Lái Thiêu, Châu Thành, công nhân các đồn điền cao su và Nhân dân thị xã Phú Cường tập trung ở trung tâm thị xã Thủ Dầu Một tổ chức mít tinh. Tại lễ mít tinh, Văn Công Khai tuyên bố thành lập Ủy ban Nhân dân cách mạng tỉnh do bác sĩ Trần Công Vị làm Chủ tịch.
Tại tỉnh Tây Ninh, sau khi Nhật đầu hàng, Tỉnh ủy quyết định đưa công tác chuẩn bị khởi nghĩa ra công khai. 20.000 quân Nhật đang đóng ở Tây Ninh và bọn Việt gian thân Pháp tại đây bị trung lập hóa; 200 lính cảnh sát cũng sẵn sàng nộp súng cho cách mạng. Sáng 25-8-1945, cuộc biểu tình thị uy có lực lượng vũ trang yểm trợ được tổ chức tại trung tâm thị xã. Ngày 26-8, Ủy ban Nhân dân tỉnh thành lập.
Trong vòng hơn một tuần lễ từ 21 đến 28-8-1945, cuộc tổng khởi nghĩa giành được thắng lợi hoàn toàn ở miền Đông Nam Kỳ. Chính quyền cách mạng lâm thời các cấp được thành lập. Nhân dân miền Đông Nam Kỳ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bắt tay vào xây dựng chế độ xã hội mới và tổ chức chuẩn bị kháng chiến bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa giành được. Xứ ủy và các Đảng bộ địa phương tiếp tục lãnh đạo Nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng bước vào thời kỳ lịch sử mới: kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.