Cùng với những hoạt động tôn vinh đồng bào, chiến sĩ học tập và làm theo gương Bác trong cả nước, lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Vụ Báo chí-Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổ chức trong những ngày tới đây góp phần làm cho tháng Năm nhớ Bác thêm thiết thực, giàu ý nghĩa.
Một năm của cuộc thi viết là khoảng thời gian không khí lao động, học tập, chiến đấu diễn ra sôi động đưa đất nước năm thứ hai liên tiếp hoàn thành và hoàn thành vượt mức cả 12/12 chỉ tiêu kinh tế-xã hội. Đó cũng là khoảng thời gian những thử thách mới từ thiên tai, bão lũ, dông lốc và mưa đá cùng hạn hán, mặn xâm nhập nối tiếp nhau diễn ra. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2020 đại dịch Covid-19 nguy hiểm chưa từng có hoành hành trên phạm vi toàn cầu và ngay trên đất nước ta. Hạnh phúc và tự hào thay, chính trong những hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo đó đã có biết bao nhiêu con người tiên phong lên tuyến đầu. Họ là những cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng ngày đêm vừa vận động nhân dân xây dựng cuộc sống, vừa ngăn chặn những kẻ xấu, tội phạm, bảo vệ an ninh biên giới, đồng thời làm tròn nhiệm vụ ngăn ngừa sự lây nhiễm của "giặc" Covid-19 vô hình và kịp thời tham gia thực hiện cách ly, phục vụ việc chữa trị cho những người dân từ vùng dịch trở về. Họ là những cán bộ, chiến sĩ biến doanh trại quân đội thành bệnh viện dã chiến, thành nơi cách ly và ngày ngày trực tiếp phục vụ ân cần từng bữa ăn, giấc ngủ cho người dân. Họ là những cán bộ, chiến sĩ hải quân kịp thời đưa tàu chở nước ngọt trợ giúp cho nhân dân các vùng quê khô khát vì hạn mặn...
Tổng kết trao giải cuộc thi viết Những tấm gương bình dị mà cao quý lần thứ 9. Ảnh: Trọng Hải
Họ là những công nhân, nông dân lặn lội trên những công trường, đồng ruộng, nương rẫy trong nắng lửa mưa tuôn, là những cán bộ trong hệ thống chính trị bám dân, hiểu dân và cùng nhân dân giải quyết những khó khăn, khúc mắc trong cuộc sống và kịp thời vận động nhân dân thực hiện nghiêm mệnh lệnh giãn cách xã hội trong dịch bệnh. “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền...”. Theo lời Bác, cán bộ, nhân dân ta đã sáng tạo ra những sáng kiến mới, cách làm ăn mới để nâng cao năng suất, hiệu quả trong mỗi công việc. Các thầy, cô giáo vào cuộc và thành công trong giảng dạy giúp học sinh học trực tuyến. Các nhà khoa học, các bác sĩ, nhân viên y tế vừa tận tụy chữa trị cho người bệnh vừa nghiên cứu thành công ra những cỗ máy thở, bộ kit thử nghiệm...
Nhiều tấm gương yêu thương, san sẻ, kiên trì và kiên gan vượt lên gian khó đã được giới thiệu trong Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” cũng như những cuộc thi, cuộc vận động viết và phản ánh thường ngày trên báo chí, truyền thông cả nước. Trách nhiệm và hạnh phúc của người làm báo là được biết, được phát hiện và tuyên truyền để những tấm gương ấy tỏa sáng, nhân lên trong cuộc sống. Chúng ta luôn nhớ lời Bác dạy: Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Nhiều người tốt và người làm được việc tốt không đòi hỏi mọi người phải được biết đến. Đức khiêm nhường của dân ta là vậy. Ngược lại, có những người ích kỷ, đố kỵ và kèn cựa lại ngoảnh mặt làm ngơ, thậm chí suy nghĩ lệch lạc cho rằng, chuyện người nọ người kia là “làm màu”, “ra vẻ”. Bởi thế, người tốt, cái tốt, cái đẹp phải được bảo vệ, phải được nêu gương để văn hóa nêu gương được thấm sâu vào mỗi cán bộ đảng viên và mỗi người dân. Trách nhiệm phát hiện, nêu gương không của riêng ai. Ở mỗi tập thể, mỗi cộng đồng, người lãnh đạo, người có trách nhiệm không tuyên truyền, động viên, cổ vũ và bảo vệ những điều hay lẽ phải, những người trung thực dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đấu tranh, ham muốn làm, muốn theo đuổi con đường sáng tạo sẽ giảm đi động lực, đam mê. Khi ấy, tấm gương chỉ dừng lại trên mặt báo.
Rất đáng mừng là sau quá trình phân tích, đấu tranh phê phán, nhiều trang mạng xã hội đã kịp thời đưa ra những hành động, việc làm nhân văn, tốt đẹp trong cuộc sống hằng ngày. Mặt trận báo chí, truyền thông ngày càng mở rộng để nhân lên những tấm lòng bình dị, cao quý. Mỗi tháng Năm nhớ Bác, văn hóa nêu gương lại thêm tỏa sáng.
Anh Nguyễn
Nguồn: qdnd.vn