Theo quy định của Điều lệnh quản lý bộ đội thì quân nhân phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của chỉ huy, trường hợp thấy việc thực hiện mệnh lệnh có khó khăn thì được quyền đề đạt ý kiến nhưng vẫn phải chấp hành. Trong trường hợp đó thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về người ra lệnh.
Hành vi chống mệnh lệnh là hành vi cố ý không chấp hành mệnh lệnh. Được thể hiện ở các hành động như người vi phạm nói rõ với người ra lệnh hoặc với người xung quanh rằng mình không chấp hành lệnh đó, hoặc làm trái ngược với mệnh lệnh.
Hành vi chống mệnh lệnh thường biểu hiện dưới 2 dạng hành vi: Từ chối hoặc cố ý không thực hiện mệnh lệnh. Người vi phạm có thể chống một phần hoặc toàn bộ mệnh lệnh của người chỉ huy.
- Có hành vi không thực hiện mệnh lệnh một cách cố ý: Đây là hành vi ở dạng không hành động. Tuy không công khai thể hiện nhưng cố tình không thực hiện nhiệm vụ theo mệnh lệnh của người chỉ huy trực tiếp hoặc của cấp trên.
- Có hành vi từ chối thực hiện mệnh lệnh: Đây là hành vi ở dạng hành động. Người thực hiện hành vi vi phạm đã từ chối công khai hoặc bằng hành động công khai thể hiện việc từ chối không thực hiện nhiệm vụ theo mệnh lệnh của người chỉ huy trực tiếp hoặc của cấp trên.
Hành vi chống mệnh lệnh luôn được thực hiện với lỗi cố ý.
Xuất phát từ tính chất, mức độ nguy hiểm của hình vi chống mệnh lệnh, được quy định cụ thể như sau:
- Xử phạt theo Thông tư số 143/2023/TT-BQP ngày 27/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về xử lý kỷ luật trong Quân đội Nhân dân Việt Nam:
+ Khoản 1. Không chấp hành mệnh lệnh hoặc không thực hiện nhiệm vụ khi người chỉ huy trực tiếp hoặc cấp có thẩm quyền giao thì bị kỷ luật cảnh cáo.
+ Khoản 2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, giáng cấp bậc quân hàm, tước quân hàm sĩ quan đến tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc: a) Là chỉ huy; b) Lôi kéo người khác tham gia; c) Trong sẵn sàng chiến đấu; d) Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm; đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.
- Hành vi đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 394 Bộ luật Hình sự năm 2015:
+ Khung cơ bản quy định tại khoản 1 Điều 394 có mức hình phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm;
+ Khung tăng nặng thứ nhất quy định tại khoản 2 Điều 394 có mức hình phạt tù từ 03 năm đến 10 năm, đối với những trường hợp sau:
a) Là chỉ chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Lôi kéo người khác phạm tội;
c) Dùng vũ lực;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng.
+ Khung tăng nặng thứ hai quy định tại khoản 3 Điều 394 có mức hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm, đối với các trường hợp:
a) Trong chiến đấu;
b) Trong khu vực có chiến sự;
c) Trong thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn;
d) Trong tình trạng khẩn cấp;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
+ Khung tăng nặng thứ ba quy định tại khoản 4 Điều 394 có mức hình phạt từ 12 đến 20 năm tù hoặc tù chung thân đối với trường hợp phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trong tình hình hiện nay, trước yêu cầu trong giai đoạn cách mạng mới, cần quan tâm tăng cường giáo dục và rèn luyện, chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước cho mọi quân nhân có ý nghĩa rất quan trọng trong xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.