Đến phòng Hồ Chí Minh của Tiểu đoàn 4 vào ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi được chứng kiến các chiến sĩ mới đang chăm chú nghe Trung úy Trần Đức Thiện, Chính trị viên Đại đội 1 giới thiệu về lịch sử, truyền thống đơn vị. Chiến sĩ Phạm Huỳnh Phi Dũng, quê ở ấp Đồng Sổ, thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, bộc bạch: “Những ngày đầu về đơn vị, chúng tôi còn nhiều bỡ ngỡ, nhất là các chế độ sinh hoạt trong ngày, trong tuần. Tuy nhiên, qua sự hướng dẫn, chỉ bảo ân cần, tận tình của chỉ huy các cấp nên chúng tôi quen dần với môi trường mới. Hôm nay, được nghe Chính trị viên đại đội giới thiệu về truyền thống đơn vị thông qua những hình ảnh tư liệu minh họa phong phú, sinh động, giúp chúng tôi thêm vinh dự, tự hào khi được học tập, công tác tại trung đoàn hai lần được phong tặng danh hiệu anh hùng”.
Trong khuôn viên rợp bóng cây xanh mát của Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, nghe tiếng đàn ghi ta của chiến sĩ Vũ Duy Lộc, quê ở phường Hiệp Tân, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh cùng những lời hát của ca khúc “Cây đàn ghi ta của Đại đội 3”, ai cũng có cảm giác vui tươi, phấn khởi. Nở nụ cười rất tươi, Vũ Duy Lộc tâm sự: “Đàn ghi ta là loại nhạc cụ tôi rất yêu thích và đã theo học được 8 năm. Tôi đang cố gắng tập một bài hát thật hay để chuẩn bị biểu diễn vào đêm giao lưu văn nghệ, sinh nhật tập thể trong tháng do đơn vị tổ chức”. Cách đó không xa là tiếng sáo trúc du dương của chiến sĩ Nguyễn Đằng Giang, quê ở xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương thuộc Đại đội 7, Tiểu đoàn 5. Qua giới thiệu của cán bộ tiểu đoàn, chúng tôi được biết, độc tấu sáo “Cung đàn mùa xuân” của Nguyễn Đằng Giang là một trong những tiết mục “chủ công” trong đêm giao lưu văn nghệ, sinh nhật tập thể sắp tới của đại đội.
Tạm chia tay những màn văn hóa văn nghệ, có mặt tại sân bóng đá trung đoàn, chúng tôi thấy bộ đội đang chơi bóng rất sôi nổi, tiếng hò reo, cổ vũ vang cả một góc đơn vị. Trung úy Phạm Văn Hòa, Chính trị viên phó Đại đội 22 giới thiệu: “Để tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết trong đơn vị, đại đội thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao. Hôm nay là trận bóng đá giao hữu giữa Đại đội 21 và Đại đội 22. Cán bộ, chiến sĩ rất hào hứng, thích thú, tham gia nhiệt tình...”.
Theo lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn 5, với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí đa dạng, hình thức tổ chức linh hoạt, phong phú tạo nên ngày cuối tuần ý nghĩa cho tuổi trẻ đơn vị, từ đó, hình thành các sân chơi bổ ích, lành mạnh, mang đậm tính giáo dục, giàu ý nghĩa nhân văn. Điều này không chỉ tạo tâm lý phấn khởi, tư tưởng thoải mái cho bộ đội sau một tuần học tập, huấn luyện mà còn xua tan nỗi nhớ nhà trong mỗi chiến sĩ, tăng cường tình đoàn kết cán-binh, thiết thực góp phần hình thành và hoàn thiện nhân cách người quân nhân cách mạng, giúp những người lính trẻ có thêm động lực để không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.