Tuy vậy, để việc đọc sách, báo mang lại niềm vui, hứng khởi cho chiến sĩ, cách tổ chức cần được tiến hành linh hoạt, phù hợp với tâm lý, thị hiếu của bộ đội và đặc điểm nhiệm vụ của từng đơn vị.
Tại Tiểu đoàn 14, Trung đoàn 174, ngoài phòng Hồ Chí Minh được xem như trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị với nhiều đầu sách đủ các thể loại, như sách báo tuyên truyền, lịch sử, pháp luật, truyện…
Liên chi đoàn 14 còn xây dựng công trình “Nhà đọc sách thanh niên” trong khuôn viên đơn vị. Bằng sự khéo léo, các chiến sĩ tạo dựng cảnh quan đẹp, thoáng mát, hài hòa với thiên nhiên, giúp quân nhân thư giãn khi đọc sách.
Theo Trung úy Phạm Tấn Đạt, Bí thư Liên chi đoàn, Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 14, Trung đoàn 174: “Nhà đọc sách thanh niên” là công trình thanh niên chào mừng kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Công trình này phù hợp với thực tiễn đơn vị cũng như trong tình hình cấm trại phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tại đơn vị, ngoài giờ đọc sách tại phòng Hồ Chí Minh, thực hiện chương trình đọc sách báo, xem thời sự vào buổi tối thì không có không gian nào thật sự yên tĩnh, dành riêng cho việc đọc sách.
“Để nâng cao văn hóa đọc, được Đảng ủy các cấp quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ, chúng tôi thực hiện công trình Nhà đọc sách thanh niên, mong muốn góp phần nâng cao văn hóa đọc, giúp cán bộ chiến sĩ có sân chơi lành mạnh, bổ ích. Toàn bộ ý tưởng được đoàn viên, thanh niên đơn vị đồng lòng thực hiện, công trình khoảng 12m2, chi phí xây dựng trích từ quỹ liên chi đoàn”. Trung úy Phạm Tấn Đạt cho biết.
Nhà đọc sách hoàn thành nhận được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, chiến sĩ tại đơn vị. Trung sĩ Hà Gia Hưng, Tiểu đội trưởng, Trung đội 2, Đại đội 1 bày tỏ: “Được đọc sách trong Nhà đọc sách thanh niên có sự thoải mái vì không khí rất thoáng mát, được hòa mình với thiên nhiên”.
Binh nhất Nguyễn Thanh Tú, Tiểu đội cối 60mm, Đại đội 1 chia sẻ: “Tôi thích đọc sách Lịch sử Tiểu đoàn 14 vì có nhiều tiểu sử các anh hùng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tôi còn đọc thêm những loại sách như pháp luật, công trình thanh niên tiêu biểu. Việc đọc sách giúp tôi thư giãn đầu óc sau những giờ tập luyện”.
Trong môi trường Quân đội, hạ sĩ quan, chiến sĩ tại ngũ không được sử dụng điện thoại di động nên đọc sách báo là nhu cầu văn hóa tinh thần cơ bản của mỗi quân nhân.
Trung tá Giáp Đức Cường, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 174 nhận xét, qua đọc sách, cán bộ, chiến sĩ hình thành nên phẩm chất của người quân nhân cách mạng. Hiểu được vấn đề này, thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng văn hóa đọc trong đơn vị; phát động cán bộ, chiến sĩ tham gia đọc sách; trao đổi với các đơn vị để hỗ trợ, cung cấp thêm các đầu sách phục vụ cán bộ, chiến sĩ.