Ở quê tôi, hầu như nhà nào cũng trồng một giàn gấc. Có nhà để cho gấc leo lên mái ngói, lá gấc xanh phủ kín, trông xa xa tưởng chừng như toàn bộ ngôi nhà được lợp ngói màu xanh vậy. Còn nhà tôi thì bố cho gấc leo giàn trước ngõ cùng với mướp hương và su su. Mùa nào giống nấy. Kể ra thì cũng tiện đôi đường. Giàn rau quả trước ngõ vừa dùng làm thực phẩm cho cả gia đình vừa tựa như trang trí thêm ngõ nhà đẹp hơn.
Gấc là loại cây dễ trồng, được gieo bằng hạt từ độ tháng mười một âm lịch. Chỉ cần một cơn mưa nhẹ là nó nảy mầm, bật dậy rồi leo giàn. Lá gấc xanh đậm, hoa gấc xòe năm cánh, nhụy có màu vàng tươi của nắng xuân. Lúc nở, những bông hoa gấc nổi bật, tỏa mùi thơm rất dễ chịu, ong bướm cứ rộn ràng bu kín. Nhắc tới hoa tôi lại nhớ lại cái thời nhỏ dại, đợi từng bông hoa gấc rụng xuống rồi gọi đám bạn sang chơi đồ hàng. Cứ thế, chúng tôi chơi cho hết mùa gấc mà không biết chán. Gấc ra quả, lấp ló treo lủng lẳng xuống giàn, không kiềm được sự phấn khích tôi lúc nào cũng reo lên thật to cho cả nhà biết: “Gấc ra quả rồi bố, mẹ, chị ơi!”. Và cứ mỗi sáng sớm thức dậy tôi lại ùa ra sân ngẩng đầu lên những quả gấc xem nó lớn chừng nào, và bao giờ thì chín.
Một quả, hai quả rồi năm, sáu quả đua nhau thõng xuống giàn nhìn như những chú lợn con màu xanh lúc lỉu ở trên cao vậy. Để quả gấc được… an toàn cho tới khi chín bố tôi phải đan những chiếc giỏ tre, lồng vào những quả to, nặng, buộc lên giàn cho khỏi gẫy. Nhìn những quả gấc lúc lỉu tôi cứ muốn chạm tay vào chúng sờ cho đã. Gấc chín, bố tôi phải bắc ghế cao hái từng quả cho vào thúng. Tôi nhanh tay lấy một quả, những chiếc gai li ti chạm vào da thịt thật lạ, không đau mà có cảm giác rất thích. Lần nào mẹ cũng để lại một quả ngon nhất để đồ xôi. Số còn lại thì mang ra chợ bán lấy tiền cho hai chị em bỏ lợn.
Xôi gấc mẹ tôi nấu ngon lắm! Màu đỏ thắm quyện vào từng hạt nếp thơm lừng, khi ăn có vị thơm thơm, bùi bùi. Thịt gấc thì ngòn ngọt, mềm tơi. Vào dịp đầu năm mới xôi gấc còn được mẹ nấu để trên mâm cúng. Bố tôi nói rằng, người Việt Nam vẫn quan niệm rằng màu đỏ là màu của hạnh phúc, màu thắm của sắc xuân, là biểu tượng cho sự may mắn, tốt lành. Màu đỏ của gấc là màu tự nhiên của đất trời mang đến sẽ tạo ra sự dung hòa, thuận lợi cho năm mới. Vào bữa cơm tất niên hay trên mâm cỗ cúng gia tiên ngày đầu năm mới, còn gì tuyệt vời hơn khi chúng ta có được một đĩa xôi gấc thể hiện niềm tin, mong ước được nhiều lộc, nhiều may mắn trong cả năm.
Quả gấc không chỉ dành để nấu xôi không thôi mà hạt gấc còn có công dụng làm thuốc. Hồi đó hai chị em bị mụn nhọt, sưng quai bị bố chặt đôi hạt gấc, mài với rượu hoặc giấm để bôi lên chỗ sưng tấy, chỉ mấy ngày là khỏi. Hai chị em khỏi sài, mụn nhọt mà lòng lâng lâng vui sướng, liền “phong” cho hạt gấc là thuốc tiên. Bố tôi cứ tủm tỉm cười không ngớt.
Giàn gấc trước ngõ bố vẫn duy trì trồng và cho ra quả mỗi mùa xuân. Có những năm đi xa, không kịp trở về nhà vào dịp đầu xuân lòng quặn thắt nhớ quê, nhớ tới giàn gấc. Hình ảnh những quả gấc lủng lẳng trước ngõ và đĩa xôi gấc đỏ au lại hiện về trước mắt…