Ngay sau khi giải phóng Đà Nẵng, ngày 30-3-1975, Bộ Chính trị Đảng ta nhận định: Cuộc chiến tranh cách mạng đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt một ngày bằng 20 năm, thời điểm tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch đã chín muồi. Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất - chậm nhất là trong tháng 4.
Hội đồng chi viện miền Nam được thành lập do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch, có nhiệm vụ động viên và vận chuyển sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường; giải quyết các vấn đề tiếp quản các vùng mới giải phóng ở miền Nam; chỉ đạo và phối hợp các ngành, các địa phương thực hiện kế hoạch chi viện miền Nam.
Hậu phương lớn miền Bắc huy động toàn bộ lực lượng và phương tiện chuyển vào miền Nam 230 ngàn tấn vật chất, kỹ thuật. Các binh đoàn chiến lược binh chủng hợp thành của Quân đội nhân dân được lệnh khẩn trương hành quân vào hướng Sài Gòn, có binh đoàn ở từ xa hơn 1000 km. Đêm 7-4, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.
Ngày 8-4, Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn được thành lập do đồng chí Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy. Các đồng chí Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, Đinh Đức Thiện là Phó Tư lệnh. Đồng chí Lê Ngọc Hiền là quyền tham mưu trưởng. Đồng chí Lê Quang Hòa là Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị. Đồng chí Nguyễn Văn Linh phụ trách công tác nổi dậy của quần chúng.
Tình hình diễn biến vô cùng mau lẹ, Bộ chỉ huy chiến dịch nhận thấy cần nhanh chóng đè bẹp sự kháng cự của địch, giành thắng lợi trọn vẹn cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, đồng thời giữ cho thành phố Sài Gòn không bị đổ nát, tính mạng tài sản của nhân dân không bị tổn thất. Từ đó, Bộ chỉ huy chiến dịch ra cách đánh là: Dùng một bộ phận của từng hướng bao vây, chia cắt, ngăn chặn không cho lực lượng địch co cụm về Sài Gòn, diệt và làm tan rã các sư đoàn chủ lực địch ở vòng ngoài; đồng thời dùng lực lượng mạnh nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm bàn đạp vùng ven để mở đường cho các binh đoàn chiến lược đột kích vào các mục tiêu đã lựa chọn trong nội đô.
Tháng 4 diễn ra một loạt sự kiện tiếp theo:
Sáng 8-4, cơ sở của ta trong hàng ngũ địch là phi công Nguyễn Thành Trung lái máy bay F.5E ném bom dinh Độc Lập, sau đó hạ cánh an toàn xuống sân bay Phước Long của ta.
Cùng với việc các tỉnh ven biển miền Trung được giải phóng, ngày 16-4 quân ta đập tan tuyến phòng ngự Phan Rang của địch và tiếp đến ngày 21-4 là tuyến phòng ngự Xuân Lộc thuộc tỉnh Long Khánh. Cánh cửa hướng Đông tiến vào Sài Gòn của quân ta đã mở, dẫn đến việc Tổng thống Mỹ G.Ford gấp rút ra lệnh di tản người Mỹ ra khỏi Sài Gòn và Tổng thống Ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức đêm 21-4, mấy ngày sau chạy trốn sang Đài Loan. Cùng ngày tướng Welson, tùy viên quân sự Mỹ ở Sài Gòn, dẫn đầu đoàn cố vấn đến Cần Thơ bàn bạc với Tư lệnh Quân đoàn 4 ngụy Nguyễn Khoa Nam và Sư trưởng Sư đoàn 4 không quân ngụy. Ý đồ của Mỹ - ngụy thời gian này là tìm cách trì hoãn cuộc tiến công của ta sang mùa mưa, lập chính phủ mới, đưa ra đề nghị ngừng bắn đi đến tìm giải pháp chính trị cứu vãn tình thế khỏi thất bại hoàn toàn. Trường hợp quân ngụy không giữ nổi Sài Gòn thì rút về đồng bằng sông Cửu Long, lấy Cần Thơ làm trung tâm…
Ngày 22-4, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng điện chỉ đạo Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn, lúc này đã được Bộ Chính trị quyết định đặt tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh: “Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc Tổng tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày, để kịp thời phát động tiến công địch trên các hướng, không thể để chậm. Nếu để chậm thì không có lợi về chính trị, quân sự. Kịp thời hành động lúc này là đảm bảo chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn…”.
TRƯƠNG NGUYÊN TUỆ
Kỳ 2: Quyết chiến và quyết thắng
12646 lượt xem