Ngày 23/09/1945, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài gòn, chính thức mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ 2. Quân và dân Nam bộ, trước hết là quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã thay mặt cả nước đứng lên chiến đấu, cuộc chiến lan rộng ra khắp miền Đông và sau đó là miền Tây Nam bộ.
Để có sự thống nhất trong chỉ huy, chỉ đạo ngày 10/12/1945 tại Hội nghị quân sự Nam bộ do Xứ ủy tổ chức (ở xã Bình Hoà Nam, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An ngày nay) đã ra quyết định thành lập Khu 7 - một tổ chức quân sự hành chính do các đồng chí Nguyễn Bình làm Khu bộ trưởng, Trần Xuân Độ làm Chủ nhiệm Chính trị bộ.
Từ năm 1947 đến năm 1950, địa bàn miền Đông Nam bộ là một trong những trọng điểm "Bình Định" của địch, một trong những hậu phương dự trữ chiến lược của chúng ở chiến trường Việt Nam. Quân dân miền Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ đã tập trung nỗ lực chống lại chính sách "Bình định" của địch, chấn chỉnh và xây dựng lực lượng vũ trang 3 thứ quân, sáng tạo ra nhiều cách đánh độc đáo và có hiệu quả trong chống càn quét, trong phục kích giao thông, trong tiến công đồn bốt, cứ điểm, tháp canh và tổ chức chiến dịch lớn. Đây cũng là giai đoạn mà phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị phát triển mạnh mẽ chưa từng có. Cuộc kháng chiến được đẩy mạnh trên mọi mặt, góp phần đánh bại chính sách "Bình Định" của địch.
Đón Khu trưởng Nguyễn Bình về dự lễ khai giảng khóa học Huỳnh Thúc Kháng của Trường Quân chính Khu 7 tại căn cứ Đông Thành (nay thuộc Đức Huệ, Long An)
Giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong điều kiện bị địch chia cắt, phong tỏa và càn quét liên miên, quân và dân miền Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ giữ vững phong trào đấu tranh du kích, kết hợp với phong trào đấu tranh đô thị và địch ngụy vận, cầm chân địch tại chỗ, không ngừng mở rộng căn cứ địa và xây dựng cuộc sống mới mọi mặt ở vùng giải phóng, quân dân miền Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ đã từng bước giành lại thế chủ động, tạo thế, tạo lực, tích cực góp phần cùng quân và dân cả nước tiến công địch trong Đông-Xuân 1953-1954, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Từ sau Hiệp định Giơnevơ, đế quốc Mỹ từng bước nắm chính quyền thống trị miền Nam Việt Nam, gạt Pháp và mọi thế lực thân Pháp, xây dựng bọn tay sai ngụy quyền, ngụy quân, thực hiện chính sách thực dân mới, tiến hành đánh phá quyết liệt cách mạng Miền Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân miền Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ đã vững bước vào cuộc chiến đấu trong mối tương quan lực lượng không cân sức, dần dần gầy dựng lực lượng, cùng với đồng bào cả nước thực hiện cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ của dân tộc.
Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước hoàn thành sứ mệnh lịch sử
Sau 30/04/1975, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tham gia thực hiện nhiệm vụ quân quản, tổ chức sắp xếp lại lực lượng và tiến hành thành lập QK7 theo chỉ đạo của Trung ương.
Đất nước thống nhất chưa được bao lâu, ngày 30/04/1977, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam do bọn phản động Pôn-pốt tiến hành đã bắt đầu diễn ra quyết liệt, nhất là từ tháng 09 đến tháng 11/1977. Quân khu 7 vừa tổ chức lực lượng bảo vệ biên giới, vừa thực hiện nhiệm vụ giữ vững an ninh địa bàn.
Cuối năm 1978, đầu năm 1979, theo đề nghị của lực lượng cách mạng Campuchia và thông suốt chỉ thị của trên, lực lượng vũ trang Quân khu 7 đã cùng các đơn vị bạn phối hợp với các lực lượng cách mạng Campuchia tiến hành cuộc phản công truy kích bọn Pôn-pốt, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Sau khi Campuchia hoàn toàn giải phóng (ngày 07/01/1979), Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho các lực lượng vũ trang hướng Tây Nam tiếp tục giúp Cách mạng Campuchia bảo vệ thành quả cách mạng.
Cùng với các Quân khu 5, 9 và một bộ phận lực lực lượng chủ lực của Bộ, LLVT Quân khu 7 liên tục 10 năm giúp Bạn đã làm tốt nhiệm vụ liên minh chiến đấu, giúp nhân dân Campuchia hồi sinh, từng bước củng cố, xây dựng lực lượng đủ khả năng tự đảm đương nhiệm vụ của mình. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tháng 09/1989, các đơn vị thuộc Quân khu 7 (Mặt trận 479 và 779) cùng quân tình nguyện Việt Nam rút toàn bộ về nước.
Hoàn thành vẻ vang nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia rút quân về nước năm 1989
Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, Quân khu 7 đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về mọi mặt, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang Quân khu. Thường xuyên giáo dục làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch, chủ động và kiên quyết đấu tranh phòng chống có hiệu quả âm mưu “diễn biến hòa bình” của địch, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa; đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng – an ninh, giáo dục truyền thống cách mạng, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc; kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với an ninh trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu 7 ngày càng vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới
Kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống Quân khu 7 Với truyền thống tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và hạnh phúc của nhân dân, hơn lúc nào hết, lực lượng vũ trang Quân khu 7 nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vị trí, trách nhiệm vinh quang của mình, phát huy truyền thống “Trung thành vô hạn, chủ động, sáng tạo,tự lực, tự cường, đoàn kết quyết thắng”, ra sức học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực hành động, tập trung xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong tình hình mới.