Sáng 7-8, tại phiên họp lần 3, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã "chốt" mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2018 để trình Chính phủ cho ý kiến. Cụ thể, vùng 1 mức lương tối thiểu là 3.980.000 đồng (tăng 230.000 đồng so với năm 2017); vùng 2 là 3.530.000 đồng (tăng 210.000 đồng); vùng 3 là 2.900.000 đồng (tăng 190.000 đồng); vùng 4 là 2.580.000 đồng (tăng 180.000 đồng).
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp thông tin: Hội đồng đã đưa ra hai phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là tăng trung bình 6,5% và 7% để bỏ phiếu. Cuối cùng, phương án tăng 6,5% được chọn với 8/14 phiếu đồng ý. Các cuộc đối thoại đều thiện chí giữa các bên nhằm chia sẻ thành quả phát triển kinh tế - xã hội, mang lại lợi ích cho người lao động cũng như đỡ gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Mặc dù Hội đồng đã đưa ra phương án chung nhưng phía đại diện người lao động và đại điện người sử dụng lao động vẫn tỏ ý chưa thỏa mãn đối với kết quả. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính chia sẻ: Khảo sát của Tổng liên đoàn tại 17 tỉnh, thành cho kết quả hơn 51% người lao động có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; hơn 20% phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12% thu nhập không đủ sống và chỉ 16% người lao động có thể có tích lũy. Dựa trên những thoả thuận, đàm phán, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn được chia sẻ với doanh nghiệp. Nếu đúng như mong muốn sẽ phải tăng khoảng 6,8% (không thấp hơn mức tăng năm 2017). Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội đang có những khó khăn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đồng ý lùi lộ trình tăng lương tối thiểu. Mức điều chỉnh bằng mức tăng lương năm 2017 cộng thêm 2% điều chỉnh chỉ số trượt giá. Với mức tăng 6,5%, lộ trình tăng lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu có thể phải kéo dài đến sau năm 2020.
Về phía đại diện người sử dụng lao động, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng nêu rõ: Việc tăng lương tối thiểu vừa giúp tăng mức sống của người lao động nhưng cũng phải đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển, đảm bảo hài hòa hai bên. Qua 7 tháng đầu năm 2017, hơn 73.000 doanh nghiệp được thành lập mới và cũng có 50.000 doanh nghiệp giải thể hoặc tạm dừng hoạt động. Như vậy, tính trung bình cứ ba doanh nghiệp thành lập mới thì có hai doanh nghiệp giải thể. Đây là câu chuyện không nên tái diễn. Việc tăng lương tối thiểu giúp tăng mức sống của người lao động nhưng cần phải đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển và có sức cạnh tranh. Mức đề xuất này thực tế đã vượt khả năng chi trả của doanh nghiệp, trong khi đang cần phải tạo "dư địa" cho doanh nghiệp có cơ sở phát triển bền vững và cạnh tranh. Khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) cho thấy, các doanh nghiệp đều có quan điểm nếu liên tục tăng lương tối thiểu như những năm qua sẽ ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, mức sống của người lao động không chỉ có lương tối thiểu mà còn dựa vào các yếu tố khác nữa. Thực tế, lương tối thiểu mới đáp ứng được 90% mức sống tối thiểu. Người lao động cần phấn đấu hơn trong công việc, nâng cao trình độ tay nghề, kỷ luật và năng suất lao động; qua đó doanh nghiệp sẽ có thưởng về năng suất lao động, thưởng cải tiến kỹ thuật, chế độ phúc lợi xã hội khác. Chỉ có sự cố gắng của hai bên, mức sống của người lao động mới có thể tăng lên.
Trả lời về việc mức sống tối thiểu, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng: Việc xác định mức sống tối thiểu cần dựa trên nhu cầu lương thực thực phẩm và phi lương thực thực phẩm. Hai bên đều có phương án tính toán về mức sống tối thiểu riêng của mình. Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa lương tối thiểu và mức sống tối thiểu là vấn đề chung của các quốc gia. Ngay cả ở châu Mỹ, lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu.
Theo TTXVN
Nguồn: qdnd.vn