Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế
Thảo luận về vấn đề tăng trưởng kinh tế của Thành phố, các đại biểu đề nghị Thành phố cần có chính sách hỗ trợ để thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển; cũng như hỗ trợ doanh nghiệp lớn để họ nâng cao năng suất và giá trị gia tăng như: cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh…
Giải trình về vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Sử Ngọc Anh phân tích, tốc độ tăng trưởng của Thành phố trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 7,76% nên để đạt mục tiêu tăng trưởng 8,4% - 8,7% của cả năm đòi hỏi 6 tháng cuối năm phải tăng từ 9% - 9,4%. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề.
Về giải pháp để giúp kinh tế Thành phố tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm, đối với các ngành sản xuất công nghiệp cần phải có nỗ lực về thị trường, vốn, lao động. Bên cạnh đó, Thành phố tập trung cải thiện môi trường đầu tư như tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đăng ký kinh doanh, đảm bảo tiếp cận quy hoạch đất đai, vốn, giảm chi phí không chính thức, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho doanh nghiệp. Đồng thời, chú trọng yếu tố nguồn lực lao động, trong đó sẽ giao cho các đơn vị tập trung đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp đặt ra như đào tạo về ngoại ngữ, kỹ năng quản lý. Thành phố sẽ thường xuyên gặp gỡ doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn; hình thành các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp; tổ chức chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, nhất là cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; hình thành trung tâm khởi nghiệp.
Cần có sự đồng lòng của người dân mới đem lại kết quả bền vững
Đại biểu Diệp Hồng Di (quận 6) cho rằng, công tác lập lại trật tự lòng, lề đường được tổ chức các đợt cao điểm như vừa qua chưa phải là giải pháp lâu dài. Để thực hiện tốt vấn đề này, Thành phố cần phải tuyên truyền sâu rộng hơn và xác định rõ đối tượng tuyên truyền. Bên cạnh đó, Thành phố cần duy trì việc lập lại trật tự lòng, lề đường một cách thường xuyên.
Trả lời những vấn đề đại biểu đặt ra, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Văn Khoa thông tin: Về vấn đề lập lại trật tự lòng, lề đường, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của UBND Thành phố là phải làm kiên trì, lâu dài nhằm mục đích chuyển đổi nhận thức của người dân, hộ kinh doanh trong việc tự giác chấp hành chủ trương của Thành phố. Đồng thời, phân cấp mạnh cho các quận, huyện để tăng cường trách nhiệm ở cơ sở, cũng như nắm bắt sát sao tình hình ở cơ sở.
Chủ trương của Thành phố trong công tác lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè là không đẩy đuổi người bán hàng rong mà nghiên cứu tổ chức cho người bán hàng rong được phép kinh doanh buôn bán hợp lý, nhằm đảm bảo an sinh xã hội.
Phó Chủ tịch Lê Văn Khoa cũng nhấn mạnh, để việc lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè đạt hiệu quả đòi hỏi phải có sự đồng thuận của người dân.
Trước giải trình này, Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cho rằng, việc lập lại trật tự vỉa hè muốn đạt được hiệu quả thì người dân cần chung tay thực hiện với chính quyền, như thế mới đảm bảo tính bền vững.
Xử lý một cách rốt ráo vấn đề an toàn thực phẩm
Đại biểu Nguyễn Mạnh Trí cho rằng, người dân rất hoang mang trước “ma trận” thực phẩm không an toàn bởi từ khâu trồng trọt, chăn nuôi đến vận chuyển, chế biến, kinh doanh đều có vấn đề. Do vậy, câu hỏi mà đại biểu này đặt ra là Thành phố đã kiểm soát được bao nhiêu phần trăm lượng thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn? Việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm đã thực hiện rốt ráo, triệt để hay chưa?
Bên cạnh đó, một số đại biểu lo ngại tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh trong chăn nuôi, nhiều cửa hàng ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố vẫn chưa kiểm soát được…
Các đại biểu cho rằng cần tăng cường chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm, cần phát huy vai trò của các nhà khoa học trong việc ứng dụng khoa học vào sản xuất kinh doanh, tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp đối với vấn đề an toàn thực phẩm.
Giải trình các vấn đề liên quan an toàn thực phẩm mà các đại biểu đặt ra, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Trần Ngọc Hổ cho biết, ngành nông nghiệp luôn ý thức vấn đề an toàn thực phẩm đối với nhu cầu của người dân Thành phố. Thời gian qua, Sở đã triển khai 8 giải pháp, bên cạnh công tác chỉ đạo, tuyên truyền, Sở cũng đã có kiểm tra, giám sát, lấy mẫu xử lý; kiểm soát chuyên ngành, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm…
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định song công tác đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường phối hợp với Sở Công thương, Ban Quản lý An toàn thực phẩm để làm tốt hơn nữa công tác này, đặc biệt là tham mưu UBND Thành phố tiếp tục mở rộng chuỗi thực phẩm an toàn đến các tỉnh, thành.
Phó Giám đốc Sở Công thương Thành phố Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, nguồn cung cấp thực phẩm cho Thành phố hiện nay có 85% đến từ các tỉnh, thành, do đó phải tăng cường liên kết vùng, tổ chức liên kết thành chuỗi cung ứng. Đối với các chợ truyền thống đặc biệt với 3 chợ đầu mối, Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành điều chỉnh lại và trình UBND Thành phố sửa lại nội quy chợ, trong nội quy chợ nâng cao trách nhiệm của đơn vị kinh doanh. Theo đó, ngoài việc kiểm tra của cơ quan chuyên ngành, Ban Quản lý chợ phải kiểm soát hàng hóa nếu hàng không đạt tiêu chuẩn, hàng không truy xuất được nguồn gốc thì không cho đưa vào chợ kinh doanh.
Thay mặt UBND Thành phố tham gia giải trình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Thanh Liêm cho biết, liên quan đến các kiến nghị HĐND Thành phố về công tác quản lý an toàn thực phẩm, sau hội nghị này UBND Thành phố sẽ chủ trì họp và triển khai giải quyết những kiến nghị này.
Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu các sở, ban, ngành và đặc biệt là Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố phải bàn kỹ các giải pháp, quy trách nhiệm cho từng bộ phận. Trong thời gian tới, HĐND Thành phố ra nghị quyết yêu cầu các sở, ngành, các địa phương xử lý một cách rốt ráo vấn đề an toàn thực phẩm: quản lý tốt thực phẩm từ các chợ đầu mối, giải quyết các chợ tự phát, kiểm soát thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể; đồng thời phát triển, nhân rộng các chuỗi thực phẩm an toàn, các mô hình thực phẩm an toàn để người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn thực phẩm an toàn./.
Nguồn: dangcongsan.vn