Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Ất Tỵ 2025 được phân thành 3 phân đoạn “Kết đoàn”, “Chuyển mình” và “Phát triển”, thể hiện những chặng đường lịch sử của dân tộc Việt Nam vượt qua mọi gian nan, hy sinh, mất mát, vẫn hát vang khúc hát kết đoàn giành độc lập – thống nhất đất nước – chuyển mình phát triển bền vững. Qua chặng đường 50 năm, hôm nay cả nước đang vững tin tiến bước vào kỷ nguyên mới, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Ấn tượng đôi rắn ấm tình và nàng Tỵ duyên dáng
Cặp đôi Kim Tỵ, Ngân Tỵ tại vị trí cổng chào Đường hoa Nguyễn Huệ 2025 là sự trở lại ấn tượng về ngoại hình, kích thước và cách chế tác so với cặp đôi Quý Tỵ 2013. Cặp Ngân Tỵ (con cái) dài 25 m và Kim Tỵ (con đực) dài 42 m toàn thân uốn lượn 3 vòng đan xen lẫn nhau, tạo thành đế rộng hơn 11 m, với độ cao tính từ phần thân tiếp giáp với nền hoa đến đỉnh đầu cao trên 6 m. Kim Tỵ và Ngân Tỵ có 70% vật liệu chế tác là vật liệu thân thiện môi trường. Đầu và bụng rắn ốp tấm cót ép sơn màu, toàn bộ phần lưng phía trên được phủ lớp vảy mica gương có tính phản quang, tạo sự óng ánh của “kim” và “ngân”. Tổng số vảy trên thân của Ngân Tỵ khoảng 2.700 miếng vảy và Kim Tỵ gần 3.600 miếng vảy, được gắn hoàn toàn bằng thủ công kết hợp đèn Led chạy dọc hai bên bụng. Mắt rắn cũng là điểm nổi bật so với Quý Tỵ năm 2013, với đường kính 10 cm, sơn màu theo thiết kế, đôi mắt của Ất Tỵ 2025 mang lại cái hồn cho linh vật.
Linh vật Ất Tỵ 2025. Ảnh: BTC
Những bụi tre sau cặp Ngân Tỵ - Kim Tỵ cũng là tác phẩm chế tác thân thiện môi trường, với thân cây tre cao từ 2,5 m đến 12 m do mành và mây tre phủ bên ngoài thép hộp uốn tròn, sơn phủ luân phiên hai màu xanh non và vàng ngà, tạo sự chuyển đổi màu sắc nhẹ nhàng và tinh tế. Tạo hình rỗng với vô số lỗ dọc thân là điểm dẫn sáng nhẹ nhàng cho Ngân – Tỵ khi Đường hoa lên đèn.
Khác với Kim Tỵ và Ngân Tỵ tỏa sáng lung linh kể cả dưới ánh nắng mặt trời hay đêm về rực rỡ, nàng Tỵ mang nét duyên ngầm của người con gái miền Nam trong trang phục đặc trưng, với “phụ kiện” khăn rằn và nón lá. Được mô phỏng theo hình dáng của rắn hổ mang chúa trong tư thế ngẩng cao đầu, toàn thân phủ màu xanh, là màu của sự sống và sự tăng trưởng, nàng Tỵ đạt kích thước ấn tượng với chiều dài hơn 50 m, cao hơn 10 m. Phần đầu được cấu tạo bởi xốp, lưới nhuyễn, thép và vải mùng. Phần thân của nàng Tỵ được tạo hình từ gần 3.000 vảy bằng xốp phủ sơn, uốn thành hai vòng, trong đó vòng lớn nhất có đường kính gần 9 m.
Đường hoa năm nay có khoảng 90 tạo hình linh vật Tỵ được thể hiện với đa dạng sắc thái và hình dáng, đa phần tập trung sau cổng chào Đường hoa (đảo rắn Kim Tỵ - Ngân Tỵ). Đây cũng là khu vực có các "bé Tỵ" nhí nhảnh với hình dáng đáng yêu với phần đầu có thể chuyển động như trong các tiểu cảnh "Tỵ trẩy hội", "Tỵ đồng hành"…
Tuy mang kích thước “khủng”, nàng Tỵ được chế tác hầu hết từ nguyên liệu có trọng lượng ở mức nhẹ và trung bình. Với chiều cao hơn 10 m, cấu trúc nàng Tỵ phân thành hai phần chính là phần đầu và phần thân. Ngoài thép sử dụng kết cấu chịu tải, phần đầu có tỉ trọng nguyên vật liệu lần lượt là 25% mút xốp, 55% lưới thép nhuyễn và tỉ lệ mút xốp ở phần thân là 40%. Hai phần ba chiều dài nàng Tỵ nằm trên mặt đất, lấy vòng xoắn thân làm đế đỡ, một phần ba thân dài hơn 5 m trong tư thế thẳng đứng, phần mang rắn dài hơn 3 m được tạo bởi khung thép phủ lưới nhuyễn có kết cấu nhẹ và không cản gió.