(QK7 Online) - Có một nghề ở rừng núi heo hút và có cả nơi biển đảo xa xôi, họ âm thầm cống hiến để giữ gìn màu xanh cho Tổ quốc. Các anh kiểm lâm viên tại Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) ngoài nhiệm vụ thường xuyên là quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, phòng chống cháy rừng,.. họ còn được xem là những “cha nuôi” của rùa biển Việt Nam.
Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo được thành lập năm 1993, thuộc hệ thống rừng đặc dụng, là một trong 34 Vườn quốc gia của Việt Nam. Tổng diện tích Vườn quốc gia Côn Đảo hiện nay là 19.883,15 ha, gồm hai hợp phần là hợp phần trên cạn (bảo tồn rừng) có diện tích là 5.883,15 ha và hợp phần bảo tồn biển có diện tích là 14.000 ha.
Từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm, nơi đây tất bật đón hàng trăm cá thể rùa biển về thực hiện thiên chức làm mẹ để duy trì nòi giống. Cũng trong khoảng thời gian đó, cán bộ, nhân viên Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo miệt mài ngày đêm di dời ổ trứng, bảo vệ, tổ chức ấp nở và thả rùa con về biển. Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công chương trình bảo tồn rùa biển và được sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là nơi thả rùa con về biển nhiều nhất.
Toàn cảnh bãi cái lớn tại hòn Bảy Cạnh, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Côn Đảo có 16 bãi rùa đẻ trứng như: Bảy Cạnh, Bến Đầm, Hòn Tài, Hòn Tre Lớn, Hòn Cau, Bãi Dương,...Trong đó, hòn Bảy Cạnh có tỉ lệ rùa lên để đến 70%. Đây là hòn đảo lớn thứ hai trong số 16 hòn đảo ở Côn Đảo, có diện tích gần 700 ha. Đảo được bao phủ bởi rừng nguyên sinh, hệ sinh thái rừng ngập mặn của đảo nhiệt đới có hơn 150 loài động vật và gần 900 loài thực vật.
Một cá thể rùa biển (loài Vích) về bãi cát lớn tại hòn Bảy Cạnh (Côn Đảo) để đẻ trứng.
Số lượng rùa biển lên đẻ tại hòn đảo này lớn trong khi lực lượng kiểm lâm tại hòn Bảy Cạnh có số lượng nhân viên hạn chế. Mỗi đêm các nhân viên trạm phải chia ca trực để phát hiện kịp thời và di dời trứng về hồ ấp trong thời gian vàng để tăng tỉ lệ trứng nở thành công. Dù đã thực hiện công việc này mỗi ngày nhưng với các anh thì mỗi lần tận tay nhẹ nhàng di dời ổ trứng đến vị trí ấp nhân tạo là một niềm hạnh phúc.
Trong quá trình rùa đẻ, nhân viên Trạm Kiểm Lâm sẽ kiểm tra kích thước, sức khỏe và thẻ định danh (ở hai vây trước).
Theo tập tính hoang dã, rùa biển khi lên bờ đẻ trứng sẽ tìm những địa điểm thuận lợi, an toàn rồi mới đào hố sâu khoảng 60cm để đẻ. Sau đó rùa mẹ sẽ lấp ổ và ngụy trang nên rất khó để nhận biết. Rùa thường đẻ từ khoảng 80-150 trứng. Để tìm ra ổ trứng rùa và di dời kịp thời, các anh kiểm lâm viên phải theo dõi từ khi rùa mẹ lên bãi tìm chỗ cho đến lúc đẻ những quả trứng đầu tiên sau đó làm dấu để đào chính xác tránh làm tổn thương đến trứng. Thêm vào đó, rùa biển rất nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng trắng (có thể sẽ bỏ ổ không đẻ) nên mọi công việc các anh sẽ thực hiện chủ yếu trong bóng tối.
Cận cảnh một ổ trứng rùa biển trong môi trường hoang dã.
Mỗi đêm, các mẹ rùa mang trong cơ thể từ khoảng 50-150 trứng sẽ lên bãi Cái Lớn (thuộc hòn Bảy Cạnh) tìm vị trí thích hợp đào ổ đẻ trứng.
Hằng đêm kiểm lâm viên chỉ có thể ngủ được vài tiếng đồng hồ. Mỗi buổi sáng, khoảng 5-6h các đồng chí sẽ chạy ca-nô đến một bãi cát khác (gần đảo) để dời những ổ trứng mà đêm tối không thể đến kiểm tra được. Có những ngày biển động dữ dội, những cơn sóng bạc đầu ầm ầm vỗ vào hòn đảo nhỏ.
Các kiểm lâm viên kiểm vượt từng cơn sóng lớn để thực hiện nhiệm vụ.
Anh Phạm Trung Kiên, Trạm phó Trạm Kiểm lâm hòn Bảy Cạnh cho biết, tuy còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần đoàn kết, lòng yêu nghề và quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ. Cán bộ, nhân viên trạm luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Anh Phạm Trung Kiên đang thả những chú rùa con về biển.
Có những người gia đình cách gần hàng trăm cây số, chỉ có một mình vào công tác tại vùng hải đảo Tây Nam của Tổ Quốc. Trò chuyện với chúng tôi trong một đêm tuần tra canh rùa, ánh mắt của anh Trần Đình Đồng bỗng sáng hơn cả những ngôi sao khi nhắc về người vợ làm giáo viên ở quê nhà Quảng Bình và đặc biệt hơn khi anh đang háo hức chờ đợi đứa con thứ hai sắp chào đời.
Hồ ấp trứng trong một đêm trăng tròn.
Các hố ấp trứng nhân tạo tại hồ ấp trứng.
Anh Trần Đình Đồng đang giới thiệu du khách về ổ ấp trứng rùa.
Anh Đồng tâm sự: “Ngoài công việc chuyên môn, tại hòn Bảy Cạnh trong mùa cao điểm rùa lên đẻ gần như anh em phải thức trắng đêm, được ngủ 2-3 tiếng là rất hiếm và còn rất nhiều khó khăn nữa. Điều quan trọng nhất phải yêu ngành, yêu nghề mới có thể bám trụ được ở đây. Được làm công việc này, tôi luôn tự hào khi được góp một sức nhỏ vào công tác bảo tồn để thế hệ mai sau, con em chúng ta có thể tận mắt nhìn thấy rùa biển”.
Rùa con sẽ ghi nhớ nơi được thả (hòn Bảy Cạnh) để sau quá trình phát triển khoảng 25-30 năm rùa sẽ quay lại sinh sản.
Sau khi rời khỏi rổ, theo bản năng, những chú rùa con sẽ cảm nhận được tiếng sóng và bò nhanh về phía đó. Trong quá trình ấy, rùa sẽ ghi nhớ nơi đây (hòn Bảy Cạnh) để sau quá trình phát triển khoảng 25-30 năm, những con rùa sẽ bơi về nơi chúng được sinh ra để giao phối, rùa đực sẽ quay lại vùng kiếm ăn, còn rùa biển sẽ lên bờ đẻ trứng.
Nhân viên Trạm kiểm lâm hướng dẫn du khách trải nghiệm thả rùa con về biển.
Mỗi buổi sáng có từ hàng chục đến hàng trăm du khách tham gia trải nghiệm thả rùa con về biển. Việc thả rùa phải thực hiện trước 8h sáng để đảm bảo yếu tố sức khỏe, phù hợp với môi trường hoang dã của rùa con.
Mỗi năm có hàng chục lượt với tổng số lượng hơn 100 người đã tình nguyện ra các hòn đảo thuộc huyện Côn Đảo để hỗ trợ các công tác bảo tồn rùa biển, vệ sinh môi trường biển,... Chương trình Tình nguyện viên bảo tồn rùa biển do Công viên Quốc gia Côn Đảo và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) phối hợp tổ chức.
Các bạn tình nguyện viên năm 2024 nhặt rác mỗi ngày trên bãi biển.
Các tình nguyện viên và nhân viên kiểm lâm phối hợp thay phiên nhau canh gác và theo dõi từng mẹ rùa đẻ trứng suốt đêm.
Tình nguyện viên và nhân viên kiểm lâm đang thả những cá thể rùa con về biển.
Côn Đảo là khu vực ưu tiên mang tầm quốc gia và quốc tế trong chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học. Nơi đây là một trong 16 khu Bảo tồn biển đã được quy hoạch theo Quyết định 742/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Côn Đảo đã được xếp là khu vực ưu tiên để phát triển du lịch của Việt Nam. Vườn quốc gia Côn Đảo được công nhận là khu Ramsar thứ 2.203 của thế giới và khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam.
Lê Tiến