Theo Cục Thú y, cả nước có 6 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 5 tỉnh chưa qua 21 ngày, gồm: Bạc Liêu, Nam Định, Quảng Ngãi, Sóc Trăng và Đồng Nai.
Nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao do một số chủng virus cúm gia cầm (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8) có thể xâm nhiễm từ nước ngoài vào nước ta qua các hoạt động vận chuyển, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc ở các tỉnh biên giới phía Bắc và ĐBSCL. Tuy nhiên, nhiều địa phương cũng còn lơ là trong việc kiểm soát, phòng chống dịch.
Tiêm phòng cúm gia cầm ở Kiên Giang. Ảnh: KHÁNH HƯNG
Gà lậu vẫn tràn vào nội địa
Trong khi đại dịch cúm mang virus độc lực cao cúm A/H7N9 đang hoành hành, lây lan rộng trên đàn gia cầm ở Trung Quốc làm nhiều người nhiễm và tử vong thì trong tháng 2-2017, cơ quan chức năng ở tỉnh Lạng Sơn vẫn phát hiện hàng ngàn con gia cầm từ Trung Quốc đưa vào Việt Nam.
Ngày 22-2, đoàn công tác của Cục Thú y - Bộ NN-PTNT đã có mặt tại tỉnh Lạng Sơn phối hợp với lực lượng quản lý thị trường địa phương kiểm tra tình hình buôn bán gia cầm trên địa bàn và vận chuyển về sâu nội địa. Theo đánh giá của Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn, mặc dù lượng gia súc, gia cầm thịt nhập lậu từ Trung Quốc đã giảm mạnh vì nhiều tháng nay giá gia cầm không tăng và ở mức thấp, người dân không thích gà nhập ngoại vì ăn không ngon. Tuy nhiên, vào thời điểm đầu năm đang bắt đầu mùa tái đàn, nhu cầu con giống tăng cao nên tình trạng nhập lậu gia cầm giống nóng lên. Trong khi giá một con gà, vịt một tuần tuổi ở Trung Quốc chỉ có giá 2 nhân dân tệ (tương đương 6.000 - 7.000 đồng) và nếu vận chuyển trót lọt vào Lạng Sơn giá có thể lên tới 15.000 - 17.000 đồng/con. Do vậy, hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm lậu qua các đường mòn biên giới như khu vực mốc 1228, 1229 thuộc khu Nà Phát, Nà Quân (cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình) gia tăng.
Theo Bộ NN-PTNT, cúm gia cầm độc lực cao như H7N9, H5N2, H5N8 và H5N6 đang xuất hiện ở Trung Quốc. Dù chưa phát hiện những chủng virus độc lực cao này tại Việt Nam nhưng nước ta đang đứng trước nguy cơ lây nhiễm cao nếu không có những biện pháp ngăn chặn gia cầm nhập lậu qua biên giới.
Người dân còn lơ là
Theo thống kê đã có 6 tỉnh phát hiện ổ dịch cúm trên đàn gia cầm. TPHCM chưa rơi vào danh sách này, tuy nhiên việc phòng ngừa nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm trong giai đoạn hiện nay là cấp bách. Ghi nhận tại một số tuyến đường, chợ và nơi ở của người dân trong sáng 22-2 cho thấy, người dân vẫn còn rất lơ là trong việc phòng chống dịch.
Tại chợ Hòa Bình, quận 5, TPHCM vẫn đang diễn ra tình trạng buôn bán, giết mổ gia cầm sống. Ảnh: QUANG KHOA
Tại chợ Hòa Bình, quận 5, chợ tự phát gần cầu Ông Thìn, huyện Bình Chánh, vẫn đang diễn ra tình trạng buôn bán, giết mổ gia cầm sống. Trên đường Phạm Hùng, quận 8, chỉ đoạn đường ngắn có tới hàng chục điểm bán gà vịt sống. Nguồn gốc của những gia cầm này, người bán chỉ nói mang lên từ dưới quê, còn người mua cũng không rõ gia cầm này có phải được đưa lên từ những địa phương bùng phát dịch hay không. Trên đường Nguyễn Văn Linh, quốc lộ 50 cũng có hàng chục điểm buôn bán gia cầm còn sống.
Hàng chục điểm bán gà vịt sống trên đường Phạm Hùng, quận 8, TPHCM. Ảnh: QUANG KHOA
Ngày 22-2, trước diễn biến dịch cúm gia cầm A/H5N1 tái hiện, trong đó có tỉnh giáp ranh với TPHCM là Đồng Nai, Chi cục Thú y TPHCM cho biết đã và đang tăng cường triển khai việc tiêu độc khử trùng các điểm chăn nuôi gia cầm, điểm giết mổ gia cầm tập trung. Theo Chi cục Thú y TPHCM, vẫn còn tình trạng nuôi trái phép gia cầm, nhất là gà đá, gà kiểng tại các khu vực nội thành và quận ven; tình trạng nuôi gà, vịt quy mô nhỏ, không đảm bảo an toàn sinh học, không đăng ký với chính quyền địa phương và ngành thú y xảy ra khá thường xuyên ở ngoại thành. Mặc dù đã giảm 76 điểm so với tuần trước, nhưng vẫn còn 83 điểm kinh doanh gia cầm sống trái phép tại 14 quận, huyện, như quận 9 (16 điểm), huyện Bình Chánh (15 điểm)... Hiện 3 huyện ngoại thành là Củ Chi, Hóc Môn và Cần Giờ còn 19 cơ sở nuôi tập trung gà, vịt, cút và bồ câu với tổng đàn trên 272.000 con.
ĐBSCL: Kiểm soát buôn bán gia cầm vùng biên giới
Tại các tỉnh, thành ĐBSCL, công tác phòng chống dịch cúm gia cầm đang được triển khai trên diện rộng. Ở Bạc Liêu, sau khi xuất hiện 5 ổ dịch cúm với hàng ngàn con gia cầm bị nhiễm và đã tiêu hủy thì các ngành chức năng tăng cường siết chặt việc buôn bán, vận chuyển gia cầm.
Chiều 22-2, ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Những ngày qua, lực lượng thú y tăng cường kiểm tra, giám sát chặt các ổ dịch cúm gia cầm xảy ra ở huyện Phước Long. Ngoài việc phun hóa chất, tiêu độc khử trùng tại các chuồng trại nơi có dịch cúm thì những trang trại, hộ dân nuôi gia cầm xung quanh cũng được phun thuốc phòng ngừa để tránh dịch cúm có thể lây lan. Chi cục Thú y của tỉnh cũng đã triển khai lực lượng tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm gần 2 triệu con trong toàn tỉnh; đồng thời thực hiện tháng cao điểm về phòng chống dịch cúm gia cầm”. Tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các ngành chức năng và các huyện, thị cấp bách phòng chống dịch cúm gia cầm, kiên quyết tiêu hủy ngay nếu phát hiện gia cầm bị bệnh và khống chế không để lây lan. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết và cùng tham gia phòng chống.
Đồng Tháp là một trong những địa phương có đàn gia cầm khá lớn với khoảng 6 triệu con; đồng thời có đường biên giới tiếp giáp nước bạn Campuchia khá dài, nên việc quản lý và phòng chống cúm gia cầm diễn ra tất bật. Dù trên địa bàn chưa xảy ra cúm gia cầm, nhưng tỉnh đã chuẩn bị nguồn kinh phí tới 25 tỷ đồng để phòng chống dịch cúm gia cầm. Song song đó, hỗ trợ người nuôi gia cầm ở Campuchia (nơi tiếp giáp với Đồng Tháp) khoảng 200.000 liều vaccine, 13.000 liều thuốc phòng bệnh lở mồm long móng, 2 tấn thuốc hóa chất… để phòng chống dịch.
Mới đây, sau khi phát hiện đàn vịt trời nuôi bán thịt ở xã Tân Trung, huyện Phú Tân bị cúm gia cầm, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo Sở NN-PTNT, các ban ngành liên quan và huyện, thị xã… tập trung cao cho phòng chống cúm gia cầm và các chủng virus lây sang người. Lãnh đạo UBND tỉnh An Giang yêu cầu các ngành chức năng và lực lượng thú y địa phương triển khai nhanh việc kiểm tra, giám sát phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát sinh. Nghiêm cấm tất cả các hình thức vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới Campuchia, bao gồm cả hình thức cho, tặng gia cầm; cấm di chuyển đàn gia cầm có nguồn gốc từ Campuchia sang lãnh thổ Việt Nam (trên địa bàn An Giang) để nuôi, chăn thả trên đồng và ngược lại. UBND tỉnh An Giang còn thưởng nóng 500.000 đồng cho bất cứ ai báo tin chính xác về gia cầm chết hàng loạt hoặc nghi cúm gia cầm, đàn gia cầm không tiêm phòng…
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP vào chiều 22-2, ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, cho biết lực lượng thú y của tỉnh đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các đồn biên phòng, cửa khẩu… kiểm tra chặt, không để gia cầm qua lại biên giới trên địa bàn tỉnh Long An tiếp giáp với Campuchia. Đối với các huyện vùng Đồng Tháp Mười đang vào thời điểm thu hoạch lúa đông xuân, do đó tăng cường quản lý các đàn vịt chạy đồng, không để di chuyển tràn lan, buộc phải tiêm phòng đúng qui định…
Đồng Nai xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm mới
Tỉnh Đồng Nai vừa phát hiện ổ dịch cúm A/H5N1 tại một hộ chăn nuôi gà, số lượng lên tới 5.000 con tại ấp 3, xã Suối Trầu (huyện Long Thành). Số gia cầm mắc bệnh cũng đã được tiêu hủy. Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, cả nước có 6 ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày tại 5 tỉnh. Nhằm ngăn ngừa dịch cúm gia cầm lan rộng, từ nay đến giữa tháng 3-2017, Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Đồng Nai phối hợp với các huyện, thị tiến hành tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm của các hộ trên địa bàn tỉnh. Dự kiến, sẽ có trên 1 triệu con gia cầm được tiêm phòng trong đợt này. Ngành thú y ưu tiên tiêm phòng cho đàn gia cầm tại các huyện, thị nuôi nhiều, nằm trên các tuyến quốc lộ 1A, 20 như các huyện Xuân Lộc, Trảng Bom, Thống Nhất, Long Khánh. |
Nguồn: sggp.org.vn