Trong những ngày căng mình chống dịch Covid-19, người dân TPHCM dần thay đổi nhiều thói quen của mình. Khi cần thiết phải ra đường, lúc dừng đèn đỏ, người dân tự ý thức giữ khoảng cách an toàn… Những bạn trẻ vốn không quen với bếp núc cũng chuẩn bị sẵn sàng nồi niêu xoong chảo và thực phẩm, tham gia vào các nhóm học nấu ăn online để tự lo bữa cơm cho mình trong mùa dịch mà không phải hoang mang, bị động khi hàng quán đóng cửa.
Trong những ngày qua, hàng tấn nhu yếu phẩm được chuyển đến hỗ trợ cho người dân trong khu phong tỏa ở TPHCM. Ảnh: Minh Nguyệt
Về quê thăm nhà, hẹn hò cà phê, dạo phố hay những chuyến vi vu của mùa hè… cũng được các bạn trẻ tạm gác lại, đợi đến lúc an toàn. Nhiều bạn trẻ ở lại thành phố đã xung phong làm tình nguyện viên, trợ giúp các phần việc cùng đội ngũ tuyến đầu chống dịch. Cuối mỗi ngày, các bạn lại kết nối với cha mẹ qua điện thoại và hứa về nhà, ăn cơm mẹ nấu khi thành phố đã an toàn, dịch bệnh đã được kiểm soát.
Cũng trong những ngày hạn chế tối đa việc ra khỏi nhà, mọi người quay về những giá trị truyền thống rõ hơn bao giờ hết: Bữa cơm nhà lại đều đặn và đầy đủ thành viên hơn; chủ động trồng thêm rau trên sân thượng, tận dụng vài khoảng trống trong nhà đặt chậu cây con; tham gia các hội nhóm học nấu nướng; cha mẹ dành nhiều thời gian quây quần cùng con cái…
Đâu đó người ta lại cảm thấy ông bà, cha mẹ cần con cái trở về nhà, ngồi nói chuyện cùng nhau chứ không phải chỉ biếu chút quà, chút tiền là xong… Hay những ông bố bà mẹ của công việc có thêm thời gian với con cái để hiểu đứa trẻ cần chơi đùa với ba mẹ nhiều hơn là đồ chơi hay thiết bị điện tử…
Những việc mà ngày thường luôn bị gác lại bởi lý do bận bịu công việc, thì nay nhiều người đã có thời gian để thực hiện. Lời nhắn nhủ “Ở yên khi Tổ quốc cần” được mọi người, mọi nhà ủng hộ, tuân thủ nghiêm túc và chia sẻ lên mạng xã hội như một thông điệp để cùng chung tay chống dịch.
Mọi hoạt động văn hóa giải trí phải tạm ngừng, nhiều văn nghệ sĩ đăng ký làm tình nguyện để hỗ trợ tuyến đầu… Và lúc này, những sản phẩm văn hóa thích ứng mùa dịch cũng bắt đầu thể hiện tốt vai trò thay thế cho những hoạt động trực tiếp.
Như chuyện thay cho những cuộc triển lãm trực tiếp, giới họa sĩ cũng bắt đầu chương trình “Nghệ thuật lan tỏa” bằng việc chia sẻ hình ảnh những bức tranh mang nội dung vui tươi, tích cực do mình sáng tác và cuối mỗi bài viết kêu gắn tên để mời một người bạn họa sĩ khác cùng tham gia.
Nhiều họa sĩ vẽ lại những câu chuyện cảm động trong mùa dịch của lực lượng y tế, gian hàng 0 đồng, ATM lướt ống, phần quà giúp người lao động khó khăn… được hàng ngàn tài khoản mạng xã hội chia sẻ cùng những bình luận tích cực. Có lẽ sau thông tin những ca mắc, khu vực tạm thời bị phong tỏa…, mạng xã hội cũng cần những nguồn năng lượng tích cực như thế để mọi người có chút nhẹ nhõm cùng nhau đi qua những ngày khó khăn. Khó khăn và ảnh hưởng của dịch bệnh là điều không thể tránh khỏi… nhưng từ khó khăn để biết sức người và sự sáng tạo luôn có những điều phi thường.
Giãn cách là biện pháp cần thiết để kiểm soát dịch trong cộng đồng, nhưng ở một góc nhìn khác thì đây là lúc để người ta có thời gian nhìn lại chính mình sau những ngày bộn bề, hối hả cùng công việc trong nhịp sống hiện đại.
Giữa lúc khó khăn, hãy tìm cho mình một góc nhìn, đó cũng là liệu pháp tinh thần để vượt qua những ngày khó vì dịch bệnh.
Nguồn: sggp.org.vn