Bình Phước là một trong những địa phương triển khai mô hình đưa cán bộ biên phòng tăng cường về các xã biên giới, địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa… làm cán bộ.
Sự có mặt của những cán bộ quân hàm xanh giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt ở các địa phương sau nhiều năm đã góp phần tạo chuyển biến tích cực ở nhiều xã biên giới. An ninh trật tự được giữ vững, nhiều mô hình sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội được triển khai hiệu quả.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cần Yên, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng giúp nhân dân địa phương thu hoạch lúa. Ảnh: Minh Trường
Khi được hỏi kinh nghiệm và bài học thành công, các cán bộ đều có chung chia sẻ, đó là nhờ học dân!
Học dân? Thoạt nghe, không ít người sẽ băn khoăn. Ở những địa bàn dân trí còn thấp, đời sống kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, cán bộ về đó thì “học” được cái gì từ dân?
Thực tế, việc học dân không bó hẹp ở một địa phương nào, lĩnh vực nào. Cái hay của người cán bộ khi học dân để làm dân vận khéo là học ở chỗ này, ứng dụng chỗ kia, căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tế. Những cán bộ biên phòng có nhiều năm bám bản, bám làng ở nhiều địa bàn, đã tích lũy được kinh nghiệm và đặc biệt là có được mối quan hệ thân thiết với các tầng lớp nhân dân. Khi làm cán bộ lãnh đạo ở các xã khó khăn, họ biết tận dụng những mối quan hệ, những kinh nghiệm tích lũy từ các địa bàn biên phòng mình đã từng công tác để học cái hay, cái tốt đem về giúp dân. Chẳng hạn khi áp dụng mô hình trồng cao su theo kỹ thuật mới, họ nhờ những chuyên gia, những hộ dân giàu kinh nghiệm từ địa phương khác đến hướng dẫn. Khi thể nghiệm mô hình sản xuất rau sạch, sẽ có người từ các vùng chuyên canh rau sạch nơi khác đến hỗ trợ bà con địa phương. Bản thân cán bộ biên phòng cũng là cầu nối để kết nối các nguồn lực xã hội. Trong công tác quản lý địa bàn, họ biết tận dụng, phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản để tập hợp nhân dân. Về quốc phòng-an ninh, rõ ràng khi cán bộ xã là sĩ quan biên phòng, việc thiết lập, duy trì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa bàn sẽ thuận hơn rất nhiều.
Từ những dẫn chứng sinh động ấy cho thấy, học dân là một khái niệm mở và rộng. Trong biển tri thức và kinh nghiệm rộng lớn ấy, người cán bộ phải biết lựa chọn những gì người dân địa phương đang cần, đang thiếu, từ đó có kế hoạch, chương trình “tầm sư học đạo” về giúp dân. Muốn làm tốt điều đó, cán bộ không thể ngồi ở phòng làm việc đọc tài liệu mà phải có thời gian lăn lộn thực tiễn, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng suy nghĩ, trăn trở với dân. Ai học được nhiều từ dân, thấu cảm sâu sắc với dân thì người đó sẽ có phương pháp dân vận khéo, dân vận hiệu quả. Trình độ kiến thức chưa đủ, mà quan trọng hàng đầu là nhiệt huyết, là cái tâm để gần dân, hiểu dân và vì dân.
Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta từng dạy: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”. Trong xã hội hiện đại, cơ hội để cán bộ học nhân dân là rất lớn và rất thuận lợi. Nhân dân chính là người thầy vĩ đại và công tâm. Môi trường nhân dân chính là trường đại học lớn của mỗi cán bộ.
Việc tôn vinh những điển hình dân vận khéo ở các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là trong các đơn vị lực lượng vũ trang, chính là để tôn vinh, nhân rộng những cách học dân hiệu quả, lấy tri thức, tư tưởng từ nhân dân để phục vụ nhân dân.
Học dân, tuy dễ mà khó, khó mà dễ. Cần nhất vẫn là thái độ thực tâm muốn học và mục đích học để phục vụ dân chứ không phải học để đối phó, để mưu cầu cho lợi ích cá nhân…
Thanh Kim Tùng
Nguồn: qdnd.vn