Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có công điện gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc tăng cường thực hiện các giải pháp giảm lãi suất.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP
Trong công điện, Thủ tướng cho biết thời gian qua Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo ngành ngân hàng tiếp tục có giải pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, vừa qua vẫn có một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động, là yếu tố tác động làm tăng lãi suất cho vay.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thanh tra, kiểm tra các ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động trong thời gian qua, đồng thời thanh tra, kiểm tra việc công bố, thực hiện lãi suất huy động, cho vay của các tổ chức tín dụng, bảo đảm tuân thủ đúng quy định và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Trong đó, Thống đốc cần xem xét, quyết định sử dụng các công cụ quản lý về hạn mức tăng trưởng tín dụng và thu hồi giấy phép theo quy định, báo cáo kết quả với Thủ tướng trước ngày 28/2.
Chỉ đạo của Thủ tướng về việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế được xác định là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong năm nay. Chính sách này nhằm tạo điều kiện hỗ trợ nền kinh tế, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên vào năm 2025, theo kết luận của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm việc tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, sẵn sàng chia sẻ một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân và tác động tích cực đến hoạt động ngân hàng.
Các ngân hàng thương mại cũng phải tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) và các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…); kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
Diệu Trang