Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã thông báo về việc cổ phiếu SMC của CTCP Đầu tư Thương mại SMC có khả năng bị huỷ niêm yết.
Cổ phiếu SMC hiện đang thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát do lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ trên Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán trong 2 năm gần nhất (2022, 2023) của doanh nghiệp là số âm, thuộc trường hợp chứng khoán bị đưa vào diện kiểm soát.
Ngày 24/1, HOSE cho biết đã nhận được Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý 4/2024 của SMC. Lợi nhuận sau thuế năm 2024 của công ty trên báo cáo tài chính riêng và hợp nhất lần lượt âm 223 tỷ đồng và âm 287 tỷ đồng.
Theo quy định, cổ phiếu công ty đại chúng bị hủy niêm yết khi xảy ra trường hợp: “Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét”.
Do đó, HOSE lưu ý về việc cổ phiếu SMC có khả năng bị huỷ niêm yết bắt buộc nếu Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 của công ty có kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ.
Về kết quả kinh doanh, trong quý 4/2024, SMC ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.177 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty lỗ gộp hơn 9 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ hơn 700 triệu đồng cùng kỳ.
Sau khi trừ đi các chi phí, SMC lỗ sau thuế gần 294 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 517 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2024, hãng thép 37 tuổi tại TP.HCM ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.924 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ. Công ty báo lỗ sau thuế gần 287 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 925 tỷ đồng, kéo dài chuỗi 3 năm thua lỗ liên tiếp.
SMC nhận cảnh báo hủy niêm yết do lỗ 3 năm liên tiếp
Lãnh đạo SMC cho biết trong năm 2024 đã nghiêm túc thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện tình hình và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thanh lý tài sản và các khoản đầu tư tài chính, bám sát diễn biến tình hình vĩ mô và ngành thép để có chiến lược kinh doanh phù hợp, tích cực và quyết liệt xử lý các khoản công nợ.
Tuy nhiên, thị trường thép trong và ngoài nước còn quá nhiều khó khăn, giá thép và nhu cầu tiêu thụ liên tục giảm mạnh, trong nước ngành bất động sản chưa thực sự ổn định nên ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Năm 2025, SMC đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh với chỉ tiêu sản lượng tiêu thụ là 620.000 tấn thép các loại. Hãng thép này kỳ vọng mức lãi ròng năm 2025 là 30 tỷ đồng.
Vướng nợ xấu từ loạt chủ đầu tư
Ngoài chuyện kinh doanh dưới giá vốn, việc phải trích lập dự phòng đẩy bức tranh tài chính của doanh nghiệp này thêm khó khăn.
Tại thời điểm 31/12/2024, báo cáo tài chính thể hiện SMC đã trích lập dự phòng 663 tỷ đồng cho khoảng gần 1.300 tỷ đồng nợ xấu.
Danh sách nợ xấu công ty thép này xuất hiện nhiều cái tên doanh nghiệp bất động sản quen thuộc như Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận (441 tỷ đồng), Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley (169 tỷ đồng), Công ty TNHH The Forest City (132 tỷ đồng) và các đối tượng khác phải thu 484 tỷ đồng. Đây đều là các công ty con của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - mã chứng khoán NVL).
Loạt doanh nghiệp bất động sản bị Thép SMC nêu tên trong danh sách nợ xấu nghìn tỷ. Nguồn BCTC SMC
Thời gian tới, nếu công nợ vẫn chưa thể thu hồi được, SMC phải tiếp tục trích lập dự phòng thêm theo quy định.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, khi được hỏi về việc trích lập dự phòng cho các khoản nợ khó đòi, đặc biệt là với Novaland, lãnh đạo SMC cho biết trong quý 1/2024, công ty chưa phải trích lập dự phòng thêm cho các khoản công nợ.
Tuy nhiên, nếu không xử lý được khoản nợ, SMC sẽ phải trích lập dự phòng thêm 90 tỷ đồng trong quý 2 và tổng cộng gần 300 tỷ đồng trong cho cả năm 2024.
Bên cạnh đó, công ty cũng chấp nhận chuyển các khoản nợ thành cổ phiếu hay bất động sản để cấn trừ. SMC chấp nhận chuyển công nợ với Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) thành cổ phiếu. Song, do cổ phiếu HBC giảm sâu năm 2024 nên công ty đang phải dự phòng 49,5 tỷ đồng cho khoản đầu tư này.
Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của SMC đạt 4.511 tỷ đồng, giảm gần 27% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền và tiền gửi ngắn hạn ghi nhận 145 tỷ đồng, hàng tồn kho ở mức 631 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản với hơn 1.230 tỷ đồng và hầu hết là các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng.
Tổng nợ phải trả của SMC tại thời điểm cuối quý 4/2024 ở mức 4.000 tỷ đồng, trong đó nợ đi vay là hơn 2.400 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, Đầu tư Thương mại SMC được thành lập từ năm 1988, tiền thân là Cửa hàng Vật Liệu Xây Dựng số 15 thuộc trung tâm Bán buôn bán lẻ Vật liệu Xây dựng Miền Nam.
Năm 2004, đơn vị này cổ phần hóa và chính thức hoạt động dưới tên gọi CTCP Đầu tư Thương mại SMC. Hai năm sau, công ty niêm yết tại HOSE với mã chứng khoán là SMC.
Lĩnh vực hoạt động chính của SMC là thương mại, gia công Coil Center và sản xuất các sản phẩm thép. Trong đó, thương mại thép (thép xây dựng, thép tấm lá, thép hình, xà gồ) là lĩnh vực mũi nhọn, đóng góp tích cực về cả sản lượng và hiệu quả kinh doanh của công ty.
Thúy Hà